Chỉ cần đội Việt Nam thắng là có “bão”
Sau kỳ tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 Châu Á, bóng đá Việt Nam đã bước lên một tầm cao mới, mang lại nhiều kỳ vọng cho người hâm mộ đam mê môn thể thao “vua”. Mới đây, một sự kiện thể thao thu hút sự chú ý của đông đảo fan hâm mộ trong nước là giải đấu AFF Suzuki Cup 2018, hiện ở vòng bán kết đội tuyển Việt Nam vừa chiến thắng trước đội tuyển Campuchia với tỉ số là 3-0.
Chiến thắng cố nhiên là hạnh phúc, là vui mừng, là tự hào vì đội tuyển Việt Nam đã đạt được thành tích, có cơ hội đi tiếp vào vòng tới. Người người nhà nhà ăn mừng, cổ vũ nhưng dường như việc đổ xô ra đường “đi bão” để ăn mừng chiến thắng của đội bóng đá nước nhà đang trở thành thông lệ, thành một việc làm nghiễm nhiên được tạo ra bởi các thanh niên hâm mộ.
Nhiều người đổ ra đường ăn mừng đội tuyển Việt nam sau các trận đấu |
Điều đáng nói ở đây là trận đấu nào các thanh niên cũng cầm cờ lao ra ngoài đường, hò hét cổ vũ. Trận đấu vừa rồi ngay trên sân nhà, trước một đối thủ mà ta thường xuyên chiến thắng, thậm chí năm 2004 Việt Nam từng thắng Campuchia với tỉ số 9-1. Câu hỏi đặt ra là khi chiến thắng kia chưa trở thành bước ngoặt trong lịch sử bóng đá nước nhà thì liệu có đáng để đổ xô phấn khích? Liệu ăn mừng cổ vũ bóng đá bằng việc “đi bão” có đang trở thành phong trào cho nhiều đối tượng lợi dụng để đua xe, để “ăn mừng” theo cách chưa hề văn minh ?
Những khung giờ tan tầm mà mọi người đổ xô ăn mừng chiến thắng thường xuyên gây ách tắc giao thông, khiến xe bus bị kẹt cứng, phải dừng lại do lượng người tham gia giao thông quá tải. Khói bụi, hơi người, hơi nóng từ phương tiện giao thông, không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường.
Nhiều thanh niên dựa vào việc cổ vũ bóng đá để khoe thân, tạo sự chú ý. Nguồn Internet |
Thậm chí có những “trận bão” xuyên đêm, những tiếng nẹt bô, còi đuổi, trống chiêng của các thanh niên đèo ba kẹp bốn, thi nhau cổ vũ, đầu không đội mũ bảo hiểm, vi phạm an toàn giao thông, vi phạm trật tự xã hội nghiêm trọng xuất hiện trên hầu khắp các phố trung tâm của thành phố lớn.
Không ít những nữ cổ động viên sẵn sàng lột đồ, trên người hớ hênh quấn cờ Tổ quốc. Một số bạn nữ khác lại chọn cách ăn mặc thiếu vải, quần áo ngắn nửa kín nửa hở gây chấn động bởi hành động phản cảm quá lố, sẵn sàng đứng trên yên xe, capo oto nhảy múa hò hét điên cuồng. Một cách ăn mừng mới lạ hay một chiêu trò khoe thân thu hút sự chú ý của mọi người ?
Còn lại gì sau những cơn “bão” ấy ?
Ăn mừng chiến thắng là một hành động đẹp nhưng mượn danh nó, lợi dụng nó để “đi quẩy” để đua xe, gào thét, xuyên màn đêm đang trở thành phong trào, thành hiệu ứng cộng đồng gây ra rất nhiều tiêu cực. Sau một đêm như thế, chỉ còn lại những mảnh ruy băng, cây đập cổ vũ, rác rưởi vương vãi đầy mặt đường.
Sau những trận “bão” rác thải tràn ngập khắp nơi. Nguồn Internet |
Những ví dụ đáng tiếc như một nam thanh niên ở Hải Phòng trong lúc cầm cờ cổ vũ bị mắc vào thành xe container dẫn đến nạn nhân bị cuốn vào gầm xe không hiếm tìm trên các trang báo sau một trận cầu đỉnh cao. Mỗi chúng ta đều mang trong mình lòng tự tôn dân tộc, mỗi người lại có cách thể hiện cảm xúc khác nhau tuy nhiên phải phân biệt được đúng sai, là hợp pháp hay bất hợp pháp, liệu cách hành xử của mình đã thể hiện đúng hình ảnh dân tộc hay đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng?
Là người văn minh, trước tiên cần phải nhận thức được việc thượng tôn pháp luật, nếu như “đi bão” mà vẫn nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, thể hiện đúng tinh thần đoàn kết, nét đẹp văn hóa dân tộc thì chắc chắn niềm vui chiến thắng sẽ trọn vẹn.
Hãy biến việc cổ vũ bóng đá thành một nét đẹp văn hóa, đừng biến nó trở nên cực đoan, thành nỗi sợ trong lòng người Việt và bạn bè quốc tế. Yêu Việt Nam, yêu bóng đá, hãy trở nên văn minh, tôn trọng pháp luật, thể hiện hành động đúng thời điểm, đúng địa điểm, đúng mục đích.