Mỗi nơi thu một giá
Ngày 13/12/2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết về quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí. Theo Nghị quyết này, từ ngày 1/1/2018, tỉnh sẽ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em; việc miễn, giảm phí được áp dụng cho một số trường hợp theo chính sách của nhà nước.
Ban Quản lý Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết giá vé đò thuyền, tham quan thắng cảnh và cáp treo năm 2018 được áp dụng từ ngày 01/01/2018 như sau: Tuyến chính Đền Trình - Thiên Trù - Hương Tích: 130.000 đ/khách, trong đó: Vé thắng cảnh: 80.000 đ/khách, vé đò thuyền: 50.000 đ/khách. Năm 2017, Chùa Hương dự kiến đón khoảng 1,3 đến 1,5 triệu khách, thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Chùa Bái Đính: xe điện: 30.000/người/lượt, vé thăm quan Bảo tháp: 50.000/người. chùa Tây Phương 10.000 lượt/ khách; chùa Thầy 10.000 lượt khách, Đền Quán Thánh: 10.000 đồng/ người lớn, Đền Ngọc Sơn: 30.000 đồng/ người lớn. Các khu di tích thắng cảnh này đều áp dùng việc miễn, giảm phí cho một số trường hợp theo chính sách của nhà nước.
Theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội ngày 22/12/2014 về việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa phải nộp phí tham quan. Đối với các di tích: Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Đền Quán Thánh: nộp vào ngân sách nhà nước 10%; để lại cho đơn vị thu phí 90% trên tổng số phí thu được để phục vụ công tác thu phí; Đối với Chùa Hương để lại cho đơn vị thu phí 35% số phí thu được để phục vụ công tác thu phí; Nộp vào ngân sách nhà nước 65% (Số nộp này được xác định là 100% và phân chia 70% cho huyện; 30% cho xã Hương Sơn để chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khu di tích Chùa Hương).
Mỗi năm thành phố Uông Bí đón khoảng 1,5 triệu lượt khách đến với Yên Tử, khách du lịch chiếm 8%. Theo tính toán của Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, với mức phí trên, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 40 tỉ đồng phục vụ đầu tư, quản lý và phát triển danh thắng Yên Tử. 80% số tiền thu phí từ việc bán vé tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước, 20% được trích lại cho Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử làm công tác chuyên môn.
Làm sao để khách thập phương “tâm phục, khẩu phục”?
Luật Di sản văn hóa tại Điều 58 quy định rõ: “Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm: Ngân sách nhà nước; Các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài”. Những di tích khác vì cần có nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng và bảo vệ môi trường của di tích. Một số văn bản khác cũng đề cập tới vấn đề quản lý, tu bổ di tích, hoạt động tôn giáo từ nguồn thu công đức như: “Nguồn thu từ công đức, tài trợ cho cơ sở và nguồn thu khác thu được từ việc tổ chức lễ hội của cơ sở tôn giáo đã xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh phải được công khai trong Ban quản lý di tích. Nguồn thu này được sử dụng để phục vụ cho việc quản lý, tu bổ di tích, hoạt động tôn giáo và đảm bảo đời sống bình thường của chức sắc, nhà tu hành tại cơ sở đó”....
Tuy nhiên có thể thấy, mức thu phí ở các đền, chùa khác nhau và nộp về ngân sách cũng khác nhau. Thậm chí chênh nhau tới 4-5 lần và nộp vào ngân sách Nhà nước cũng khác nhau. Không ít người thắc mắc, nguồn thu nhằm duy tu bảo dưỡng để bảo vệ môi trường tôn tạo di tích đưa ra mức thu như thế nào? Chùa Hương và Yên Tử thu 40-50 nghìn/người/vé có quá cao so với mặt bằng chung vượt ngưỡng của nhiều người dân?
Trong khi mỗi năm Chùa Hương và Yên Tử đón hàng triệu khách thập phương tới, số tiền thu vé là con số khổng lồ. Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, năm 2017, lễ hội Chùa Hương thu hơn 174 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ phí thắng cảnh là hơn 106 tỉ đồng, phí đò là hơn 68 tỉ đồng. Chưa kể, khách thập phương tới đền chùa thường lễ tiền “giọt dầu”, tiền công đức hàng chục nghìn đồng/ người, thậm chí còn có những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể công đức có thể lên tới hàng triệu, chục triệu, trăm triệu đồng… Nhiều người thắc mắc số tiền ấy, “đi đâu về đâu”? Không ít khách thập phương cho rằng, Yên Tử và Chùa Hương chỉ nên thu 10-20 nghìn đồng/vé, miễn trẻ em và các đối tượng chính sách.
Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa không thuộc thẩm quyền của Bộ. Bởi Bộ VHTTDL không được tham gia vào việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, mà theo Luật số 97/2015/QH13 về việc thu phí và lệ phí, Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc trung ương quản lý, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý. Bộ chỉ quản lý Nhà nước về chuyên môn, không quản lý tài chính.
Vậy việc đi chùa phải mua vé có phạm luật? Về vấn đề này, mới đây trả lời báo chí, TS. Lê Hồng Sơn nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có ý kiến phản biện. Theo đó, Yên Tử có hệ thống thờ tự tín ngưỡng Phật giáo và gồm cả núi rừng, di tích danh thắng. Không ít người lên Yên Tử chỉ có tâm nguyện đi lễ Phật chứ không lên để ngắm cảnh núi non Yên Tử. Nếu thu tiền người đi lễ vào vé danh thắng là không phù hợp. Bởi những cơ sở thờ tự tôn giáo là nơi có bề sâu về lịch sử như ở Yên Tử thì không có quyền bán vé thu tiền. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xác định địa bàn Yên Tử để thu vé sao cho khách thập phương “tâm phục, khẩu phục.”
Đồng quan điểm, PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội di sản văn hoá Việt Nam nhấn mạnh: “Phải tính toán cụ thể thông báo công khai để người dân biết. Số tiền thu vé danh lam thắng cảnh đươc chi vào đâu, làm gì…Nếu minh bạch, rõ ràng thì tôi tin người dân sẽ chấp nhận”.