Mong ngóng về Việt Nam ăn Tết với mẹ
Cứ mỗi dịp Tết cổ truyền, người dân trong nước lại náo nức đón hàng ngàn kiều bào về quê ăn Tết. Có người vì mưu sinh mà buộc phải xa xứ, có người từng tình nguyện ra đi tìm “miền đất lạ” để mong đổi đời.
Cũng có những du học sinh học tập xứ người, mà dịp Tết là thời khắc hạnh phúc, đoàn viên mà họ mong ngóng. Ga quốc tế những ngày cuối năm rợp người là người. Những ánh mắt mong ngóng, những cái ôm siết chặt, những cuộc đoàn tụ trong nước mắt đã trở thành một phần của Tết Việt.
Anh Bill Nguyễn, người Việt ngụ bang California, sinh sống ở Mỹ được hơn 20 năm, trong thời gian xa xứ, anh đã hơn 10 lần ăn Tết Việt Nam. “Hồi đó tôi lấy vợ ở Cali nên sang đây định cư. Nhưng ở Việt Nam còn chị, còn mẹ già nên tôi vẫn thường về Việt Nam vào dịp Tết. Cứ trước Tết hai tháng, mẹ tôi đã gọi qua rối rít hỏi tôi đặt vé máy bay chưa, năm nay có làm ăn dư dả không, không thì nói với mẹ, mẹ lấy tiền để dành mua vé cho mà về Việt Nam ăn Tết.
Mẹ tôi nhớ con, nhớ cháu. Bà đã gần 70 tuổi, ý thức rằng tháng ngày sống trên đời ngày càng ít ỏi. Nên mong ước được gặp con cháu mỗi ngày một da diết, đặc biệt là dịp năm hết Tết đến. Với tôi, Việt Nam chính là nơi có mẹ, Tết Việt là thời khắc thiêng liêng đoàn tụ gia đình. Nhiều khi con tôi hỏi, bay về tốn kém quá mà ở không được bao lâu, sao năm nào ba cũng đưa cả nhà về. Tôi nói, con không hiểu đâu, chỉ chục ngày ngắn ngủi đó nhưng hạnh phúc của nó đủ nuôi sống mình một đời đó con”, anh Bill Nguyễn chia sẻ.
Còn với bà Nguyễn Thị Hương, 62 tuổi, ngụ bang Texas thì được ăn Tết Việt là mong mỏi của bà suốt cả năm trời. Theo chồng định cư ở Mỹ từ năm 1999, đến năm 2010 thì ông mất. Các con lớn hết đi làm ăn, dựng vợ, gả chồng và sống riêng. Còn mình bà thui thủi, ngày càng nhớ quê hương da diết. Từ khi về hưu, bà càng thường xuyên về nước hơn, đặc biệt là dịp Tết.
Lương hưu và tiền dành dụm của mình, bà dành mua vé máy bay, mua quà cho bà con trong nước. Về quê, nhà nào có con cháu nghèo hiếu học, bà cho học bổng. Bà nói: “Hồi đó quê hương nuôi mình khôn lớn. Mình vì hoàn cảnh, vì miếng ăn bỏ quê hương ra đi, nay quê hương lại đón mình về với ăm ắp nghĩa tình, nên làm được chút chuyện nhỏ gì cho quê hương là vui lắm”.
Với các du học sinh, về quê ăn Tết cũng là một niềm vui thật lớn. Ở quê hương có cha mẹ, có người thân, có bạn bè và có cả những kí ức đẹp của thanh xuân, trờ về là được chạm vào tận tay, tận mắt chứ không chỉ nhung nhớ trong lòng.
“Chân trời mới rất nhiều điều hay, lạ lẫm. Em có bạn mới, nhiều mối quan hệ khác, một lối sống khác đầy mởi mẻ. Nhưng Việt Nam vẫn là điều gì đó nằm sâu trong máu thịt, đêm đêm ngủ vẫn mơ thấy những ngày sống ở Việt Nam. Mỗi lần về quê nghỉ hè hay ăn Tết, thấy sao mà thân thương, hạnh phúc quá đỗi. Khi rời đi, rơi nước mắt, cứ muốn buột miệng nói, thôi con không đi du học nữa, con về nhà sống luôn. Nhưng yếu lòng thế thôi, rồi lại phải ra đi vì tương lai phía trước”, em Huỳnh Tú Dung, quê Biên Hòa, Đồng Nai, du học sinh ngành quản trị doanh nghiệp tại một trường đại học ở Úc chia sẻ.
Và quê hương trong mắt “F2”
Khác với thế hệ người Việt gắn bó với quê hương, rời xa vẫn còn lưu giữ bao kí ức không quên thì thế hệ “F2” của họ, những người trẻ sinh ra hoặc lớn lên tại Mỹ, Việt Nam là một điều gì đó khá đặc biệt, một “thế giới mới” quen mà lạ để họ khám phá.
Với những cô, cậu bé thường được cha mẹ đưa về Việt Nam mỗi dịp Tết hay hè thì Việt Nam quả là một xứ sở đáng yêu. Ở đó, tiếng Việt vốn đang “lởm chởm” của họ sẽ được hoàn thiện. Ở đó, họ được gặp gỡ ông bà, họ hàng, được sống trong một không gian ăm ắp tiếng nói, tiếng cười và những sự quan tâm đến phiền hà nhưng cũng thật ấm áp. Những cô bé, cậu bé ấy khi lớn lên, vẫn giữ trong lòng những ấn tượng tốt đẹp, vẫn khắc sâu trong tâm khảm mình là một người Việt và quê hương luôn chờ đón mỗi lúc trở về.
Cảnh đón người thân từ nước ngoài về nước ăn Tết là một phần của “Tết Việt” mỗi năm. |
Nhưng cũng có không ít trường hợp, những “F2” mất gốc bởi sự thờ ở của chính cha mẹ mình. Cha mẹ họ có thể là những người đầy định kiến về quê cha đất Tổ, đã dứt áo kể từ lúc quay lưng. Thế là, trong kí ức của những người trẻ ấy, Việt Nam chỉ là “nơi cha mẹ từng rời bỏ”, xa lạ và nhạt nhòa.
Thế nhưng, cũng có những câu chuyện rất đẹp từ những thế hệ tưởng chừng mất gốc như thế. Louis Nguyễn, Việt kiều Mỹ, sống tại Texas, được sinh ra ở Mỹ năm 1989. Cha mẹ anh là những người vượt biên sau giải phóng. Sang Mỹ, sinh anh được một thời gian thì họ ly hôn, anh sống với mẹ và mẹ anh là một người từng lập lời thề “không quay về Việt Nam chừng nào còn sống”.
Khi lớn lên, với anh, Việt Nam cũng chỉ là một cái tên như bao cái tên khác trên bản đồ địa lý. Năm 25 tuổi, đang làm việc trong một công ty công nghệ danh tiếng của Mỹ với mức lương cao ngất, anh bị stress nặng và quyết định bỏ việc đi du lịch. Đầu tiên, anh đi Hồng Kông, Nhật Bản, sau đó đến Indonesia, Thái Lan.
Anh ở lại Thái Lan 1 năm và quyết định “thử” đến Việt Nam xem sao. Đó là vào dịp Tết. Anh cũng thử kết nối với những người họ hàng của cha mẹ để đến chào hỏi họ. Nhưng không ngờ những cuộc gặp gỡ ấy đã hoàn toàn thay đổi số phận của anh. Louis lớn lên thiếu tình thương cha mẹ, các chị lập gia đình và ở riêng, cũng không mấy thân thiết. Nhưng về Việt Nam, những người bác, dì, anh chị em họ đón anh với tấm chân tình nồng nhiệt như đón một đứa con xa trở về. Tết năm ấy, anh lần đầu biết thế nào là “Tết cổ truyền”.
Anh sống ở mỗi gia đình ít ngày, cảm nhận cảm giác ấm áp, thân tình chưa từng có. Anh bắt đầu đi khắp Việt Nam và khám phá ra mình ngày càng thân thiết và yêu thương xứ sở này, lần đầu anh cảm nhận được thế nào là “quê cha đất Tổ”. Sau chuyến đi kéo dài hơn 1 năm ấy, anh đã quyết định định cư tại Việt Nam, làm việc tại một công ty phần mềm ở TP HCM, đồng thời tham gia nhóm tình nguyện dạy công nghệ cho trẻ em nghèo. Mẹ anh, trước sự thuyết phục của con cũng đã trở về quê hương gặp gỡ người thân sau 30 năm xa xứ.
Louis Nguyễn không phải là trường hợp duy nhất tự mình tìm về để kết nối với quê hương bản quán. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người gốc Việt trở về, tìm lại quê hương. Những mạch nguồn yêu thương đã được nối lại, những hiểu lầm đã được gỡ bỏ, nhiều vết thương do lịch sử để lại cho thế hệ trước đã được chữa lành, nhờ tình yêu của thế hệ sau đối với Việt Nam.
Tết năm nay là một cái Tết rất khác. Covid hoành hành đã ngăn trở kiều bào, du học sinh xa xứ về nước đón cái Tết đoàn viên. Có nhiều tâm thư mong muốn xin về, có cả những người Việt liều lĩnh tìm đường vượt biên, nhập cảnh lậu, chỉ để được đoàn tụ người thân, đón Tết quê hương. Nhưng có lẽ, riêng đối với cái Tết năm nay, yêu nước không phải là tìm mọi cách để về nước đón Tết.
Yêu nước chính là làm theo đúng những gì Chính phủ khuyến cáo, tạm thời giữ nỗi nhớ quê hương lại cho riêng mình, chấp nhận xa xứ thêm một thời gian nữa. Tất cả là vì sự an toàn cho bản thân, cho người thân và cho cả đất nước.
Yêu quê hương thì cần gìn giữ những điều tốt đẹp cho quê hương…