Kỳ 2 :Nhập nhèm visa E7
[links()]Phóng viên PLVN trong vai người lao động được mời đi Hàn Quốc…gọt khoai tây, nhặt rau với mức lương ngàn đô la Mỹ mà không cần biết tiếng Hàn, không cần chứng chỉ KLPT, thậm chí nếu không biết nấu ăn chỉ cần chi thêm 500 đô la Mỹ sẽ được “tặng” một tấm bằng đỏ hẳn hoi. Tradimexco Hải Phòng gọi đó là “chương trình visa E7” và còn hùng hồn tuyên bố đã được Cục QLLĐNN thẩm định, lao động nộp hồ sơ vài chục ngày sau sẽ xuất cảnh ngay.
Thông báo tuyển lao động theo chương trình visa E7 "đỏ" đường phố Nam Định |
Đi gọt…khoai tây, nhặt rau, cạo vỏ tàu… lĩnh lương ngàn đô
Có mặt tại đường Giải Phóng- TP Nam Định những ngày này, đập vào mắt phóng viên là những băng rôn đỏ thắm, rực rỡ dòng chữ “Thông báo tiếp nhận lao dộng đi làm việc tại Hàn Quốc không cần chứng chỉ KLPT: lao động phổ thông, đầu bếp, thợ hàn…”.
Theo số điện thoại ghi trên băng rôn chúng tôi tìm tới Trụ sở của Trung tâm dạy nghề Thanh niên khu vực Sông Hồng. Cuối tầng 2 của tòa nhà cũ rích này treo tấm biển lớn: Văn phòng tư vấn công ty TMDV&XNK Hải Phòng ( Tradimexco Hải Phòng)- Chi nhánh Hà Nội. Phụ trách văn phòng là một cặp vợ chồng còn khá trẻ, anh chồng giới thiệu tên là Quân- đại diện cho Tradimexco Hải Phòng chi nhánh Hà Nội, chuyên “tạo nguồn” tại khu vực Nam Định.
Khi phóng viên trình bày muốn đi Hàn Quốc lao động, Quân đưa ra các thông báo tuyển lao động đi Hàn Quốc của Tradimexco Hải Phòng có con dấu đỏ tươi của công ty và cho biết cuối tháng 12 này chủ sử dụng Hàn Quốc sẽ về Việt Nam trực tiếp tuyển chọn lao động, tháng 2/2012 lao động sẽ xuất cảnh.
Như để làm tin, các tấm bảng quanh chỗ vợ chồng Quân làm việc dán kín ảnh của lao động đã đi Hàn Quốc. Chúng tôi đọc có 3 lao động đi Hàn Quốc chương trình thợ hàn E7- bay ngày 12.8.2011: Đinh Thanh Tùng ở Kim Bảng- Hà Nam; Đinh Công Đại– Kim Bảng, Hà Nam và Lê Anh Tuân- ở Mê Linh- Hà Nội.
Trước vẻ ngạc nhiên vì sao lao động Hà Nội và Nam Định mà lại xuất cảnh từ ‘đầu” Nam Định, vợ chồng Quân chấn an rằng mình tạo nguồn rất uy tín cho công ty trên Hà Nội. “Thằng em rể mình mới trúng tuyển tháng 11 vừa rồi hiện đang ở sứ quán Hàn Quốc làm thủ tục rồi. Yên tâm, đây là đi XKLĐ chứ không phải du lịch. Đi du lịch quá đơn giản, 2 tuần anh sẽ có visa du lịch. Đi luôn. Còn đây là anh đi theo chương trình E7, chương trình này là thẻ vàng- dành cho lao động có nghề”.
“ Nhưng em có nghề gì đâu”, phóng viên hỏi. Quân tư vấn: Công ty đang có các chương trình : đi bán hàng, đánh bóng, đánh cầu, thợ Hàn, phụ bếp, nấu ăn. “Riêng nấu ăn thì đơn giản, chỉ cần biết gọt cà rốt, khoai tây. Chưa có bằng cấp thì học qua một lớp đào tạo rồi đi.Bọn em sẽ mua cho anh chị cái bằng trung cấp đế chứng tỏ là có kinh nghiệm để cho người ta xét duyệt hồ sơ”, vợ của Quân cam kết.
Việc học và thi được Quân cho biết công ty tổ chức ở Kim Mã- Hà Nội. Lao động sẽ phải chi phí chừng 9.000 USD, bù lại lương cơ bản của người lao động sẽ từ 1.400 USD - 2.000. Thấy phóng viên chần chừ, Quân giục rằng chủ sắp về tuyển rồi, muốn đi thì nộp tại đây mỗi người 1.000 USD trước(bao gồm tiền ăn học, tiền mua bằng).
Lấy cớ không mang theo tiền, chúng tôi xin thông báo tuyển dụng và số điện thoại của Quân rồi rút lui.
“Lộ diện” tổ “con chuồn chuồn”
Thông báo tuyển dụng của Tradimexco Hải Phòng Quân đưa cho chúng tôi có thể thấy đơn vị này đang ồ ạt tuyển lao động phổ thông đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình visa E7 trong những “nghề” rất mới: nuôi trồng chế biến rong biển, thợ đan lưới, làm lưỡi câu, thợ hàn, làm sạch vỏ tàu và thuyển viên đánh bắt cá gần bờ. Thời gian xuất cảnh mà đơn vị này hứa hẹn với lao động chỉ 120 ngày làm việc kể từ khi đủ hồ sơ, phí xuất cảnh từ 9000 USD-12.000 USD.
Một thông báo tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc trái phép của công ty Tradimexco Hải Phòng |
Theo “tư vấn” của nhân viên Nguyễn Văn Ngọc- phòng tuyển dụng của Tradimexco Hải Phòng- chi nhánh Hà Nội (mà pv đã nhắc tới trong bài thâm nhập ‘chợ cò” họp trước kỳ thi), tiến độ nộp tiền của lao động như sau: hồ sơ xong đặt cọc cho công ty 2.000USD (để công ty xử lý tất cả các loại giấy tờ đối nội, đối ngoại bên Hàn Quốc), và sau khi đối ngoại gửi hợp đồng về, công ty sẽ gọi lao động lên ký hợp đồng, lao động tiếp tục nộp 3.000 USD là 5.000. Số tiền còn lại nộp trước khi bay.
Nguyễn Văn Ngọc cũng cho biết trong số các đơn hàng Hàn Quốc mà đơn vị này đang tuyển dụng thì chỉ có thợ Hàn cần chứng chỉ nghề và phía Hàn Quốc sẽ về kiểm tra (cam kết 100% đỗ) còn các ngành nghề khác lao động nộp phí đào tạo cho công ty, công ty sẽ tổ chức đào tạo và đợi bay luôn chứ không phải thi chứng chỉ.
Ngọc còn nhấn mạnh: trung tâm đào tạo của công ty dưới Hải Phòng và theo chương trình này tháng nào công ty cũng có lao động bay. Ngọc cũng cho biết các đơn hàng này đều đã được thẩm định cũng như sự đồng ý, cho phép của Cục QLLĐNN.
Phóng viên đã kiểm chứng thông tin này qua ông Tống Hải Nam, trưởng phòng thị trường- Cục QLLĐNN. Ông Nam khẳng định Cục chưa hề thẩm định bất cứ đơn hàng nào của Công ty Tradimexco Hải Phòng theo chương trình visa E7- Hàn Quốc.
Cũng cần nói thêm rằng sau khi Luật cấp phép mới dành cho lao động nước ngoài có hiệu lực, từ năm 2004 đến nay Hàn Quốc chỉ mở 3 “kênh” tiếp nhận lao động nước ngoài: visa E9 dành cho lao động phổ thông đi theo chương trình EPS. Visa E7 dành cho lao động kỹ thuật cao(còn gọi là chương trình Thẻ vàng) với điều kiện tuyển dụng vô cùng khắt khe. Kênh thứ 3 là lao động thuyền viên tàu cá.
Trừ chương trình visa E9 (EPS) làm theo con đường Chính phủ, hai trường hợp còn lại: visa E7 và thuyền viên tàu cá các đơn hàng phải qua thẩm định và cho phép của Cục QLLĐNN mới là hợp pháp, nếu không sẽ là trái phép.
Chính bà giám đốc Tradimexco Hải Phòng chi nhánh Hà Nội Phạm Thị Kiều Oanh trong cuộc làm việc với phóng viên về vấn đề này cũng phải thừa nhận công ty mình đã làm sai. Bà Oanh cho biết các đơn hàng đi theo chương trình visa E7 Công ty Tradimexco Hải Phòng mới chỉ đang ở giai đoạn… tìm hiểu và chờ phía Hàn Quốc ký kết, chưa hề báo cáo hợp đồng với Cục QLLĐNN. Bà Oanh khẳng định việc thông báo tuyển lao động của công ty này là có thật song tới nay chưa có lao động nào được xuất cảnh!?
“Núp bóng”visa E7- ai chịu trách nhiệm?
Những lời bà Oanh nói cho thấy một thực tế nhiễu loạn đang diễn ra trên thị trường: đơn hàng chưa có thẩm định( thậm chí đơn hàng không có thật) đã thông báo tuyển dụng công khai, thu tiền trái phép của người lao động, tổ chức đào tạo và thu phí đào tạo cả ngàn USD.
Nguy hiểm hơn, diện visa E7 chỉ dành cho lao động kỹ thuật cao, có tay nghề, bằng cấp và kinh nghiệm làm việc thực tế nhưng Tradimexco Hải Phòng đã cố tình tư vấn cho cả lao động phổ thông không nghề với những hứa hẹn “trên trời”.
Theo điều tra riêng của PLVN thì không chỉ Tradimexco Hải Phòng đang “núp bóng” chương trình visa E7 mà còn có nhiều công ty chuyên doanh XKLĐ khác cũng đang “khai thác” thị trường này.
Thậm chí các đường dây cò mồi lao động ở địa phương như trường hợp bà Vũ Thị Bích Ngọc ở Trung tâm GTVL Nam Định, nhận tiền của lao động để chạy đi theo chương trình EPS khi bị cơ quan chức năng “rờ tới” cũng lấy các thông báo tuyển visa E7 của các công ty ra để lấp liếm sai phạm.
Thực tế trên đặt ra nghi vấn: Cục quản lý lao động ngoài nước- cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có biết, vì sao lại để tồn tại tình trạng các doanh nghiệp mình quản lý tự tung tự tác, làm sai lệch, nhiễu loạn chương trình visa E7 khiến cho người lao động phổ thông các địa phương phải mất tiền oan?
Anh Phương
Hiện nay chỉ có 3 “kênh” hợp pháp đưa lao động Việt Nam đi Hàn Quốc làm việc:
2. Chương trình Thẻ vàng- visa E7- từ năm 2004 đến nay, chỉ có khoảng 300 người đi được theo chương trình này bởi tiêu khí rất khắt khe, chỉ phù hợp với: các chuyên gia giỏi ngoại ngữ, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm để làm trong các chuyên ngành vật liệu mới, cơ điện, lập trình viên, công nghệ tin học… 3. Chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ: Hiện nay chỉ có 7 doanh nghiệp được phép cung ứng là: Hoang Long Huresu; Sovilaco; Sona; Tracimexco;TTLC; Sao Viet incores co.,LTD và Letco. |