Đi lễ chùa nhỏ - đi lễ chùa to

(PLVN) - Trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt, ngôi chùa có một vị trí đặc biệt trong tâm thức. Đã từ lâu, cầu trời khấn Phật như một tâm niệm bền bỉ mỗi khi con người gặp vận hạn, khó khăn. Theo dòng chảy thời gian ngoài các ngôi chùa cổ trầm mặc thì xuất hiện nhiều chùa mới hoành tráng hơn. Đầu năm hành lễ mới thấy cung cách đi chùa bây giờ cũng khác…
Chùa Tam Chúc đang thi công

Lên chùa là để… “check-in?”

Theo Từ điển tiếng Việt thì “Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng”. Một số ý kiến khác có nhận định: “Chùa là nơi có các quý thầy sống và tu tập. Là nơi biểu trưng cho sự hiện thế của Phật giữa thực tại.” Còn theo dân gian các cụ vẫn nhận định rằng: “Chùa là nơi để Phật, nơi tu hành của các nhà sư, nơi chúng ta đến thăm viếng, cầu mong những điều đang ước muốn trong cuộc sống”.

Tuy nhiên, hiện nay hình ảnh những ngôi chùa đang được “hiện đại hoá, hoành tráng hoá” theo nhiều cách khác nhau mà theo nguyên nghĩa của từ chùa ít nhiều phai nhạt. Chùa bây giờ còn có nhiều hoạt động khác, không ít nơi thành một địa chỉ kinh doanh thần Phật dựa trên lòng tin không thể cắt nghĩa của con người. Cùng với đó, “động cơ” đi chùa của mọi người cũng đa dạng và phong phú hơn.

Cũng vì tò mò xem độ hoành tráng của Chùa Tam Chúc – Ba Sao – Hà Nam, chúng tôi đầu năm cũng đã đến nơi này. Thú thật là đến vì sự tò mò bởi những cái nhất của nó. Nào là lớn nhất thế giới, có thiên thạch 600.000USD và nhiều thứ nhất khác kích thích sự tò mò của bất cứ ai. 

Con đường dẫn vào chùa vẫn chưa xây xong, các đoàn xe tấp nập ra vào. Không khí bụi mù bởi lối đi đầy cát và vật liệu xây dựng. Bãi xe rộng vài ha cũng gần như chật kín. Dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Khu chờ xe điện cũng chật cứng vì số lượng khách quá lớn. 

Anh Nguyễn Văn Trung (Hưng Yên) cùng con đi chùa, đứa trẻ mệt mỏi trên lưng bố vì chờ gần 20 phút vẫn chưa mua được vé xe điện. Anh cũng thất thểu nhìn hàng dài người trước mình mà ngao ngán không bao giờ mới tới lượt. Ai cũng có chút khó chịu khi phải chờ đợi trong cái nóng gắt của mái tôn ập xuống. Anh Trung chia sẻ: “Thấy bạn bè chia sẻ trên facebook nên mình dẫn vợ con đi, nhưng không nghĩ sẽ đông như vậy. Chắc mình đi cho biết, chứ như thế này thì sợ quá, vừa nóng vừa bụi”. 

Ngôi chùa phục vụ Veska 2019 đang gấp rút hoàn thiện. Có lẽ không gian trong lành nhất là mặt hồ, còn lại, ở đâu cũng thấy bụi. Người già mệt mỏi, trẻ con cũng quấy khóc, còn thanh niên nam nữ vẫn cố gắng “check in” vài kiểu đẹp để làm kỷ niệm. Điện Quán Âm và điện Pháp chủ vẫn ngổn ngang cột kèo, xi măng, bên trong chưa hoàn thiện xong. Khu vực ẩm thực của chùa, không khí dường như hỗn loạn. Các du khách thập phương chen nhau mua đồ ăn khiến người phục vụ cũng bở hơi tai.  

Chùa Ngọc thuộc quần thể di tích Tam Chúc, chính là nơi nhiều người muốn đặt chân đến nhất vì chùa đặt trên quả núi cao. Dòng người tiếp tục hối hả leo lên ngôi chùa trong sự tò mò. Dù chưa hoàn thành xong, nhưng lượng người đến đây chật kín. Các lan can xi măng bị vỡ được kèo tạm bằng những thanh nứa để đảm bảo an toàn cho du khách thập phương chiêm bái ngôi chùa trên cao.

Khôi, một nam thanh niên đến từ Hà Nội “check-in” xong vài kiều ảnh và trở về trong sự hối tiếc: “Mình hơi thất vọng vì đến đây không được như mong đợi. Mọi thứ vẫn chưa hoàn thiện nên không có gì để xem cả. Cũng may mình có vài kiểu ảnh đẹp.”

Vậy nhưng, những công trình tâm linh như Tam Chúc đang thu hút lượng lớn người đổ về mỗi năm như Khôi. 

Tấp nập người về vãn cảnh chùa Tam Chúc dù đang thi công

Lạnh lẽo những ngôi chùa cổ

Chùa mới thì đông không chen nổi, các ngôi chùa cổ kính mang những trầm tích văn hóa – lịch sử - kiến trúc hàng trăm, nghìn năm lại bị lạnh nhạt, trở nên hoang liêu, cô tịch như tự thân ngàn xưa của nó. Sự “lạnh lùng”của bá tánh với những ngôi chùa cổ hẳn có lý do. Mà một trong những lý do “ất ơ” ấy là ở đó họ thiếu điểm “check-in”, thiếu thứ đang “hot” trên mạng xã hội để khoe với mọi người. 

Phóng viên PLVN Chủ nhật đến thăm ngôi chùa Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) một ngày tháng Giêng. Ngôi chùa nổi tiếng có bức tượng Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay được ví như bảo vật quốc gia. Tượng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 vô cùng đặc sắc và lộng lẫy. Nằm nép mình trên đoạn đê cạnh bờ sông Hồng, ẩn mình giữa làng quê yên bình, dù di tích đặc biệt nhưng ngôi chùa vô cùng vắng vẻ khách tham quan. Chủ yếu người dân đến lễ bái tuần tiết, còn khách phương xa rất hạn chế. Nên ngôi chùa lúc nào cũng cửa đóng then cài.

Đến chùa Hương Lâm (Hạ Hội, Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội), ngôi chùa cổ của làng đã ngót vài trăm năm tuổi. Chùa nép mình sau một ngôi chùa hoành tráng khác mới xây. Chùa cổ bao gồm các công trình như điện chính, nhà Mẫu, nhà thờ Tổ. Ngay trong ngày rằm, ngôi chùa cũ cũng vắng hoe, trên chùa mới dân tình đang xôn xao dâng sao giải hạn. Điện chính trên nền cổ của chùa có vài mảng tường bong tróc, nứt toác. Nơi thờ Tổ cũng ẩn mình tại gian nhà trống bên trái. Tang thương nhất là nhà thờ Mẫu, các pho tượng bong tróc, đổ nát phơi sương lộ thiên. Khung cảnh không khác gì một nơi hoang phế, bỏ hoang lâu năm. 

Cảnh tượng đổ nát, hỏng hóc tại chùa cổ Hương Lâm

Một người phụ nữ làm công quả ở chùa cho biết: “Sư thầy chưa có kinh phí nên chưa làm lại, chứ để thế này làm sao được.”. Rồi bà đóng sập cánh cửa han rỉ, khóa lại tất cả khung cảnh vừa rồi. Phía sau cánh cửa ấy, những bức tượng vẫn nằm im lặng  “dầm mưa dãi nắng” trong bất lực.

Nhìn lại tấm bản đồ dự án tu bổ xây dựng khu di tích đình, chùa Hạ Hồi, điều đáng buồn, không hề có sự xuất hiện của khu vực chùa cổ. Không biết đến bao giờ, ngôi chùa cổ mang nhiều trầm tích văn hóa sẽ được quan tâm trở lại, như cách người ta xây chùa vài trăm năm trước.

Những mái chùa phong sương vẫn “cô độc” một mình với thời gian tuần tiết xuân – hạ - thu – đông. Nhiều người đi chùa than phiền: Lễ Phật mà khổ quá. Còn giới trẻ thì có chỗ “check-in” được ảnh đẹp là mừng. Người biện đủ lễ vật hoành tráng như một kiểu “đổi chác” đầu năm. Muôn vẻ đi chùa, mỗi người một kiểu khiến cảnh chùa nơi này nơi khác, “bên trọng - bên khinh” khiến ai kính và hiểu đạo không khỏi chạnh lòng…

Đi chùa để làm gì?

Xu hướng xây chùa “hoành tráng” đang ngày càng phổ biến. Cứ một thời gian, lại mọc lên vài ngôi chùa “khổng lồ” theo đúng nghĩa đen. Sự phát triển của tâm linh trong đời sống người Việt đang ngày càng tăng theo cấp số nhân. Đúng câu “phú quý sinh lễ nghĩa”, những ngôi chùa đang ngày càng là điểm đến của mọi người khi họ cầu mong tất thảy những điều bản thân họ mong muốn. Có người đi chùa mong cầu sức khỏe, có người mong cầu tài lộc, có người cầu công danh. Ai cũng phải lẩm bẩm trước trước Phật một vài điều cho thỏa. 

Có một định nghĩa mới đi chùa của người dân xuất hiện vài năm “đi chùa để du lịch”. Khi mà những định nghĩa: “du lịch tâm linh”, “chùa thương mại”… đang dần hình thành thì việc đi chùa cũng sẽ có những định nghĩa mới. Đồng nghĩa, sự xuất hiện của những ngôi chùa mới, to đẹp, đáp ứng khao khát du lịch tâm linh của người dân. Người Việt thích đi chùa nhưng đi chùa để làm gì lại là chuyện đáng bàn.

Chốn thiền môn, nay không chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh đơn thuần mà còn đáp ứng những mong cầu khác: nghỉ dưỡng, du lịch… Kéo theo đó là dịch vụ ăn uống, giải trí đi kèm để đáp ứng nhu cầu khách thập phương. Khi đó, chùa không chỉ là nơi tu hành, phục vụ nhu cầu tâm linh, nơi ngự trị của chư Phật mà còn là phục vụ người trần. Dạo một vòng các ngôi chùa đầu năm, kịch bản chung là: Cảnh người chen lấn, đông đúc, ăn uống, rác thải và hỗn loạn. 

Ai cũng chăm đi chùa khấn vái, bày biện đủ lễ vật để mong chúng đổi lấy những lời nguyện cầu linh ứng. Nhưng ít ai ngộ ra rằng, có khi nào Phật lại chính trong tâm ta. Chữ “Tâm” là sợi dây kết nối tốt nhất để chúng ta tới được thế giới Phật. Có câu “Đạo cao long hổ phục/Đức trọng quỷ thần kính”, chí nguyện tâm thành tất thảy sẽ thành. Mỗi người, hãy đến chùa như một lần để chúng ta tu tâm, nhìn gương Phật để tịnh tiến, thay đổi những điều trở nên tốt đẹp.

Khi cửa chùa không còn là nơi tu hành thì Phật sẽ còn ở đấy để nghe những điều ta nói hay không? 

Đọc thêm