Đi lễ đầu năm: Không nên xem nhẹ khuyến cáo phòng dịch

(PLVN) - Dù đang phải đối mặt với đại dịch Corona và những khuyến cáo của Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL); Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như việc nhiều địa phương dừng tổ chức các lễ hội, nhưng nhiều người dân vẫn tới nơi đông người. Đáng nói hơn, trong số ấy không ít người chủ quan không đeo khẩu trang như khuyến cáo phòng dịch.
Khách thập phương chen chúc đi lễ chùa Tam Chúc và hiếm người đeo khẩu trang.,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,
Khách thập phương chen chúc đi lễ chùa Tam Chúc và hiếm người đeo khẩu trang.,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

Ngừng hàng loạt lễ hội 

Cuối tháng 1/2020, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đề nghị Sở VH-TT&DL Phú Thọ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương tạm ngừng hoạt động đánh phết tại lễ hội phết xã Hiền Quan (Tam Nông). Lễ hội Chọi trâu Phù Ninh cũng bị yêu cầu tạm ngừng phần hội để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus corona. 

Trước sự lây lan của virus corona, Bộ VH-TT&DL cũng chỉ đạo tạm dừng hoạt động đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt ở Chi Lăng - Lạng Sơn để tập trung công tác phòng dịch. Việc tạm ngừng tổ chức lễ hội làm theo đúng luật định, cơ quan có thẩm quyền được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong một số trường hợp cụ thể, tính cả hoàn cảnh xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương.

Theo kế hoạch năm 2020, từ ngày 1-7/2/2020 (tức từ mùng 8 - 14 tháng Giêng) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra các lễ hội tại chùa Ba Vàng, Yên Tử, đình Đền Công với hàng ngàn lượt khách du xuân vãng cảnh. 

Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh ký văn bản yêu cầu các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm việc tạm thời không tổ chức các hoạt động khai mạc lễ hội, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi tập trung đông người tại lễ hội Phật giáo trên địa bàn tỉnh, chỉ thực hiện nghi thức tâm linh nguyện cầu quốc thái dân an ngắn gọn. 

Còn tại Hải Phòng, từ ngày 1/2/2020, thành phố không tiếp khách Trung Quốc tại hầu hết các điểm du lịch, tất cả các lễ hội chưa khai mạc cũng tạm dừng. Huyện đảo Cát Hải cũng tạm dừng việc đưa đón khách du lịch đến từ Trung Quốc, người Trung Quốc và người Việt Nam định cư tại Trung Quốc về thăm người thân trên địa bàn huyện trong thời gian triển khai phòng, chống dịch do virus Corona.

Ngoài ra rất nhiều lễ hội, các chương trình vui xuân trên khắp cả nước cũng đã hoãn lại để tập trung vào công tác phòng, chống dịch Corona.

Nhiều người vẫn chủ quan

Mặc dù đã có những khuyến cáo về nguy cơ lây nhiễm vi rút Corona nhưng tại mùa lễ hội Xuân Canh Tý, nhiều người vẫn “đánh đu”, chen chúc đi lễ đầu năm. Tại chùa Hương, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính, đền Sóc… vẫn còn tình trạng khách thập phương chen chúc. Điều đáng nói hơn, trong số ấy, chỉ lác đác đeo khẩu trang.

Thượng tọa Thích Minh Quang - người trực tiếp trông coi, phụ trách chùa Tam Chúc cho biết: "Lượng khách đông đảo đổ về Tam Chúc nằm ngoài dự tính của nhà chùa và ban quản lý, có ngày lên tới hơn trăm nghìn người. Cho nên dù đã rất cố gắng nhưng với lượng người như thế đổ về cùng lúc, chúng tôi không sức nào phục vụ nổi". Tại một số điểm di tích, thắng cảnh khác cũng có rất đông khách thập phương đi lễ cầu an đầu xuân.

Bà Hồ Nga (55 tuổi, ở Hải Dương), khách đi lễ động Hương Tích (Hà Nội) lo ngại: “Lên động Hương Tích, vì quá đông nên chúng tôi phải nhích từng bước suốt 2 tiếng đồng hồ. Hơi thở và tiếng nói chuyện, la lớn của đám đông như “dội” vào mặt tôi. Khổ nỗi, trong đám đông đó, chỉ có tôi và vài người đeo khẩu trang”.

Ghi nhận tại lễ hội Đền Nưa - Am tiên, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho thấy không khí tuy có phần chùng xuống so với mọi năm, nhưng người dân đổ về vẫn rất đông. Tại bến đậu xe, dọc bên đường vào khu di tích và đặc biệt là đường dẫn lên đỉnh núi Nưa ken đặc người.

Điều đáng nói là giữa lúc dịch bệnh corona có nguy cơ bùng phát, thì rất ít người dân đến lễ hội đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, nhiều người vô tư vào các quán hàng ăn uống bày bán trong khu vực .

Chị Bùi Thị Hòa, ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho biết, mấy ngày hôm nay, qua xem tivi chị đã nghe đến dịch corona. Tuy nhiên, do chị cùng bà con trong xóm đặt xe dịch vụ từ trước Tết Nguyên đán nên tiếc tiền không muốn hủy chuyến đi.

Chị Hòa cũng vô tư cho biết, virus corana chắc ở xa lắm không đến được núi Nưa, hơn nữa đeo khẩu trang rất khó chịu, nhất là khi khấn vái. Nên mọi người trong đoàn không ai mang theo khẩu trang. Chị nghĩ chắc sẽ không có vấn đề gì đâu! 

Còn tại Đền Đầm Hồng, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), người dân tỏ ra thờ ơ với các thông tin về virus corona. Trong những ngày sau Tết, hàng trăm người không đeo khẩu trang thậm chí dẫn theo con nhỏ đi lễ tại đền. 

PGs.Ts. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã chính thức công cố tình trạng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Do đó, người dân luôn phải cảnh giác cao độ.
Dù ở bất kể địa phương nào cũng không thể chủ quan với dịch bệnh. Virus corona có thể thâm nhập tới bất cứ đâu mà mắt thường không thể phát hiện được. Thời gian này, nếu không có việc, người dân không nên đến chỗ đông người, kể cả lễ hội.

Đọc thêm