Đi săn ở Trường Sa

Chuyến công tác của tôi đến với quần đảo Trường Sa diễn ra vào tháng 5 - nói như lời thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, thuyền trưởng tàu HQ 996 - đấy là lúc trời biển êm ả nhất. Sau những cơn mệt mỏi, khi tàu neo đậu, tôi vội chạy ra boang tàu, háo hức trông xuống mặt biển xanh thẳm kia thả câu. Mười ngày lênh đênh ở Trường Sa, tôi đã có những buổi đi săn mà giờ kể lại, dám chắc những tay câu chuyên nghiệp chỉ biết lắc đầu…ao ước.

Chuyến công tác của tôi đến với quần đảo Trường Sa diễn ra vào tháng 5 - nói như lời thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, thuyền trưởng tàu HQ 996 - đấy là lúc trời biển êm ả nhất. Sau những cơn mệt mỏi, khi tàu neo đậu, tôi vội chạy ra boang tàu, háo hức trông xuống mặt biển xanh thẳm kia thả câu. Mười ngày lênh đênh ở Trường Sa, tôi đã có những buổi đi săn mà giờ kể lại, dám chắc những tay câu chuyên nghiệp chỉ biết lắc đầu…ao ước.

Thả câu

1. “Ra tới Trường Sa mà không câu cá thì còn gì phí bằng” - anh lính hậu cần tên Hồng rỉ rả bảo rồi cho tôi mượn bộ đồ câu là cuộn dây cước to, dài đến mấy trăm mét, cục chì nặng cùng chiếc lưỡi câu mắc mồi to khác thường.

Vùng biển này, nhiều vùng nước nông, sâu với các rạn san hô nên thu hút rất nhiều loại cá đến kiếm ăn. Trong lúc tôi nhấp nhổm khi cả giờ đã trôi qua mà chưa một lần cuốn dây cước trong tay động đậy, thì mấy “thợ” câu bên cạnh liên tiếp kéo lên hàng đống cá bò ngu. Cuối cùng, như để đền đáp cho sự kiên nhẫn của tôi, một chú bò ngu nặng khoảng năm ký cũng chịu dính mồi.

“Cá lớn nuốt cá bé”, câu châm ngôn này ai cũng hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng nhưng mấy người đã từng được thấy tận mắt cảnh đó. Khi chiếc tàu bồng bềnh thả neo gần đảo Nam Yết, một anh bên Tập đoàn Cao su Việt Nam câu được cá. Lúc vừa kéo dây câu lên ngang qua mặt nước thì từ dưới đáy biển xanh thẳm, một con cá đen chũi phóng lên, đớp ngang. Con cá lên mặt boong chỉ còn tý xíu!

Chuyến tàu tôi đi, anh thủy thủ tên Sứt là tay “sát cá” nhất thì phải. Bằng chứng là đêm câu nào, anh cũng “moi” lên từ lòng đại dương hàng chục con cá thu, ngừ, bò ngu... Ngồi bên anh khi thu dọn lại đống dây cước, anh “lộ” bí quyết: “Để câu cá thì người câu phải biết được đặc điểm cư trú, tâm lý ăn mồi từng loại. Chọn thời điểm và vị trí câu cũng rất quan trọng, cá thường tập trung hàng đàn ăn theo luồng khi thủy triều lên xuống và những nơi có san hô…”

2. Trong những ngày rong ruổi ra các hòn đảo ở Trường Sa, thủy thủ đoàn còn bày cho chúng tôi thêm một cách bắt cá mới không cần câu, ấy là chỉ cần mắc vài cái đèn nêông bên mạn tàu để dụ cá chuồn.
Như những con thiêu thân, cá chuồn bay vèo vèo trên mặt nước hướng đến thứ ánh sáng chết người kia, lao thẳng vào mạn tàu đánh bộp rồi rớt xuống nước vì choáng.

Những chú cá cắn câu được kéo lên Tàu

Lúc đó, tôi và mấy cô gái văn công của Quân khu 1 chỉ việc dùng vợt dài vớt cá lên. Khi chiếc xô đã đầy cá chuồn, mấy anh nuôi trên tàu cho mượn bếp nướng cá. Đêm khuya, mặt biển lung linh ánh trăng, nơi boong tàu diễn ra bữa tiệc cá chuồn nướng chấm muối ớt, đưa cay bằng thứ rượu Bàu Đá của bạn đường quê ở Bình Định mang theo. Tiệc tan, lên mặt boong hóng mát, bất chợt gặp tướng Lê Văn Đạo đang đứng đó, mắt hướng về phía mặt biển tối sẫm trước mặt.

Đem chuyện về những chuyến đi câu ra, tôi và ông lan man bàn luận. Ông bảo: “Biển Trường Sa nguồn lợi còn nhiều lắm. Mấy năm gần đây, tàu công suất lớn của ngư dân ra đây nhiều hơn nhưng vùng biển này bão tố cũng vô cùng dữ dội. Những lúc đó, những con tàu hải quân lại trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con, sẵn sàng ứng cứu, lai dắt tàu về nơi an toàn.”

Món cá nướng tuyệt ngon

3. Ấn tượng nhất với tôi chính là lần ở đảo Nam Yết. Nhảy xuống tắm biển Trường Sa, đang mải mê bơi, bỗng thấy có hai chiến sĩ đeo kính lặn ngang qua. Tôi xin đi theo, cả hai chiến sĩ gật đầu, đưa tôi chiếc kính chống nước và ống thở; còn dụng cụ đi săn chỉ là chiếc lao phóng và chiếc túi cước đựng cá.

Lặn xuống biển, một vương quốc sắc màu rực rỡ hiện ra trước mắt tôi, hàng trăm con cá tung tăng bơi lội, đuổi bắt nhau trong kẽ đá san hô, dập dờn rong biển. Lát sau, một anh ngoi lên mặt nước, chiếc lao cắm con cá mú giơ lên khoe chiến tích vừa săn được.

Lúc lên bờ, trung úy Thắng - người cầm lao- cho biết, quanh khu vực này rất nhiều cá. Những ngày biển lặng, đơn vị tổ chức bắt cá, quây lưới ven đảo, có những mẻ anh em bắt được cả tấn cá. Thấy tôi có vẻ thích thú với chuyện săn cá này, Thắng bảo, nếu xin phép được chỉ huy, tối nay sẽ đưa đi săn bạch tuộc và hải sâm.

Đêm tối thẫm, thấy tôi lộ rõ vẻ sốt ruột, Thắng vẫn bình thản, bảo phải đợi trăng lên, thủy triều rút mới bắt đầu được. Đến chín giờ tối, tôi cùng Thắng và anh Dậu- giám đốc hệ VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam - bắt đầu chuyến đi săn. Vùng biển ban chiều bơi giờ nước rút chỉ còn xâm xấp quá đầu gối. Cầm chiếc đèn pin, ba chúng tôi tiến vào vùng nước tối trước mặt. Dò dẫm qua những khối đá muôn hình vạn trạng đang lập lờ dưới nước, bỗng nhiên Thắng dừng bước, đưa đèn pin hướng xuống phía trước chỉ cho tôi: “Anh thấy chú bạch tuộc kia chứ?”

Theo hướng sáng, tôi thò tay tóm nó. Một cảm giác lạnh lẽo, sờ sợ, ghê ghê khi con bạch tuộc buông những xúc tu vuốt ngược lên phía tay rồi vai tôi. Phải mất một lúc, anh Dậu mới kéo được con vật đó ra rồi bỏ vào chiếc túi chuẩn bị sẵn. Đi thêm một đoạn nữa, thấy mấy con mình tua tủa gai, tròn căng như quả bóng, Thắng bảo đó là cầu gai, chạm vào nó thì da mình bị rát ngứa, khó chịu lắm.

Thắng chỉ cho xem một thứ có hình như củ khoai lang đang nằm dưới cát, bảo: “Anh cầm lên đi. Hải sâm đó”. Trời đất, thứ hải sản quý hiếm chỉ có ở những nhà hàng sang trọng vậy mà đầy rẫy ở đây. Thắng cười: “Con này ngon và bổ. Nghe nói vài triệu đồng một kí lô nhưng chúng em ở đây ăn hoài cũng chán, toàn bắt mang phơi khô rồi gửi vào đất liền làm quà.” Đêm săn kết thúc, thành quả chúng tôi thu được là hơn chục chú bạch tuộc và hải sâm. Tối đó, các thành viên trong đoàn công tác được bữa nhậu đã đời…

4. Đang loay hoay với núi công việc những ngày cuối năm, điện thoại reo. Bên kia đầu dây, giọng Thắng vang vang lời thăm hỏi: “Tết này về Hải Phòng chứ?” Tôi hỏi, bởi nhớ khuya đó, trên chân cầu cảng ở đảo Nam Yết, Thắng kể với tôi rằng đã hai Tết rồi chưa về Thủy Nguyên thăm vợ và hai con trai.  Thắng cười lớn: “Em dành cho mấy anh em trẻ, mình ra Tết về, vẫn còn mùa xuân mà”.

Thắng bảo, Tết này anh em trên đảo cũng đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo, cả nước cùng hướng về Trường Sa nên anh em trên đảo cũng thấy lòng ấm áp. Buông máy, tôi chợt nhìn về phía góc bàn làm việc đặt con ốc biển Thắng tặng lúc tiễn. Bất chợt, trước mắt tôi bao nhiêu kí ức về Trường Sa ùa về…

Hà Sơn Bình

Đọc thêm