Nếu được ghi danh, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sẽ trở thành di sản thế giới nối dài đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu sự kiện đầu tiên của 2 địa phương về liên kết quản lý vùng…
Di sản có một không hai
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một khối thống nhất khi nằm trong khu vực vịnh Bắc Bộ, sở hữu nhiều giá trị tương đồng về cảnh quan, địa mạo địa chất và đa dạng sinh học bậc nhất.
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh được Chính phủ Việt Nam xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1962. Năm 2009, Vịnh Hạ Long được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ nhất vào năm 1994, lần thứ hai vào năm 2000 nhờ những giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo và giá trị địa mạo địa chất đặc trưng.
Trong khi đó, quần đảo Cát Bà có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của TP Hải Phòng nói riêng, du lịch vùng Duyên hải Đông Bắc và Việt Nam nói chung. Khu vực này tập trung nhiều giá trị đặc biệt về sinh thái, cảnh quan, địa chất - địa mạo, mang tầm quốc tế, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn trên biển, Di tích quốc gia đặc biệt.
|
Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. |
|
Vịnh Hạ Long. |
Vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ nằm trong quần đảo Cát Bà cùng được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và là thành viên của Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW).
Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Anh Tuân cho biết, từ năm 2010, dựa trên những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng đã quyết định triển khai các công tác xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà trình UNESCO theo hai tiêu chí về đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, sau khuyến nghị của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ xem xét khả năng đề xuất nối dài với Vịnh Hạ Long, gộp cả Quần đảo Cát Bà để đệ trình UNESCO. Điều này sẽ bổ sung các giá trị và cải thiện tính toàn vẹn cho di sản đã được ghi danh Vịnh Hạ Long hiện hữu.
Ngày 04/2/2015 Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Chương trình hành động số 33-CTr/TU và ngày 09/9/2015, UBND TP Hải Phòng thông qua Kế hoạch số 3849/KH-UBND chủ trương tiếp tục triển khai các hoạt động đề nghị UNESCO ghi danh quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Sau 8 năm miệt mài hoàn thiện, hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới nối dài Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được xây dựng trên 04 tiêu chí bao gồm: địa chất học, mỹ học, đa dạng về giống loài, đa dạng về sinh thái.
|
Cầu Bạch Đằng rút ngắn khoảng cách Hải Phòng – Quảng Ninh. |
Việc để xuất Di sản mới, nếu được công nhận sẽ gồm diện tích của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long hiện nay và một phần quần đảo Cát Bà của Hải Phòng, có diện tích vùng lõi đề cử di sản thế giới là 65.650 ha được bao quanh bởi vùng đệm có diện tích 34.140 ha. Đối với TP Hải Phòng, đây là cơ hội thiết lập một thương hiệu du lịch quốc tế, đúng với chiến lược được Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong quá trình đó, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã phối hợp hiệu quả cùng với các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước từ New Zealand, Hà Lan, Đan Mạch hoàn thiện dự thảo hồ sơ khoa học đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Ngày 01/2/2021 vừa qua, Trung tâm Di sản Thế giới đã tiếp nhận Hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Ngày 01/03/2021, TP Hải Phòng đã nhận được Công văn số CLT/WHC/NOM/21/27 của Trung tâm Di sản Thế giới, theo đó Hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật được quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới 1972 của UNESCO.
|
Uốn nếp, đứt gẫy ở hệ thống núi đá tại Vịnh Hạ Long. |
Điểm đến của Liên minh Hạ Long - Cát Bà
Trước xu thế hợp tác cùng phát triển giữa các địa phương, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã và đang không ngừng tăng cường liên kết vùng, cùng tạo dựng hành lang phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội nói chung, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà nói riêng, từng bước đưa du lịch khu vực phát triển mạnh mẽ, đảm bảo tính bền vững cùng phát triển những giá trị văn hóa.
Trong bối cảnh TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực mở rộng không gian di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trình UNESCO, Liên minh Hạ Long - Cát Bà theo sáng kiến của IUCN đã trở thành xúc tác mạnh mẽ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị nổi bật toàn cầu một cách thống nhất và bền vững.
|
Các chuyên gia nước ngoài khảo sát quần đảo Cát Bà, hỗ trợ Hải Phòng và Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ đề cử. |
Chương trình huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào dự án, xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với tàu du lịch, triển khai các giải pháp xử lý nước thải từ tàu du lịch và hạn chế rác thải từ phao xốp, tập huấn cho hướng dẫn viên du lịch về “Đa dạng sinh học tại vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà”…là những hoạt động tiêu biểu của dự án.
Một bản Quy chế phối hợp quản lý bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long và các vịnh trong quần đảo Cát Bà đã được ký kết giữa Ban quản lý vịnh Hạ Long với UBND huyện Cát Hải, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan quản lý và người dân cùng thực hiện.
Tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử di sản và nỗ lực đưa Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới mới. Môi trường là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định thành công của chuyến thực địa do đoàn thẩm định UNESCO thực hiện trong thời gian tới tại khu vực đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
|
Do đó, theo các chuyên gia, Hải Phòng, cần triển khai mạnh mẽ và quyết liệt các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng từ việc nuôi cá lồng bè tại quần đảo Cát Bà, thực trạng rác thải trôi nổi trên vịnh từ khách du lịch, tàu tham quan...
Ngoài ra, một bản Kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2040 sẽ được đệ trình chính thức trong năm 2021 hướng tới việc hoạch định cho việc bảo vệ bền vững di sản trong tương lai. Việc vận động đối với hồ sơ đề cử cần có sự chung tay, sự vào cuộc tích cực, toàn diện từ chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp của cả hai địa phương tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.
Theo lịch trình, nếu “thuận buồm xuôi gió”, năm 2023, tại phiên họp thường niên, Ủy ban Di sản thế giới sẽ xem xét các hồ sơ đề cử và đưa ra các quyết định chính thức về việc công nhận Di sản thiên nhiên thế giới mới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Quần đảo Cát Bà (thuộc huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) phía Bắc giáp trung tâm di sản Hạ Long qua Lạch Ngăn, phía đông giáp nam di sản vịnh Hạ Long qua cửa lạch Đầu Xuôi và Lạch Vạn, phía nam bao gồm quần đảo Long Châu, ăn thông với vịnh Bắc Bộ, phía tây giáp đảo Cát Hải qua Lạch Huyện.
Năm 2004, đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn Quốc gia Cát Bà được công bố là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam bao gồm cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước.