Di sản và nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (16/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương. Trong rất nhiều nhiệm vụ, Thủ tướng gợi ý Hải Dương bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống, biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực phát triển.
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn

Cụ thể hơn, Thủ tướng gợi ý, nghiên cứu, quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích “Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới, hình thành chuỗi di sản và phát huy tốt nhất giá trị các di sản này.

Cần nhắc lại, trước đó một ngày (15/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Tại Hội nghị này, Thủ tướng khẳng định cần phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...

Phải khẳng định rằng, Việt Nam là đất nước giàu di sản; từ vật thể đến phi vật thể; trong đó có rất nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện có khoảng hơn 3.460 di tích cấp quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt. Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 164 bảo vật quốc gia, bao gồm hiện vật và nhóm hiện vật.

Việt Nam có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 14 di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại; theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 Công viên địa chất toàn cầu. Đây là nguồn lực rất lớn, nếu biết khai thác.

Nếu di sản văn hóa được quản lý, khai thác tốt, có tầm nhìn dài hạn thì nó sẽ trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững. Đấy là chưa nói đến việc di sản góp phần giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là một thành tố tạo nên “Hệ giá trị văn hóa” Việt Nam.

Đáng tiếc, chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Cần khẳng định, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và cộng đồng. Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.

Trong nhiều việc phải làm, trước hết phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế quản lý; bắt đầu từ Luật Di sản văn hóa (năm 2013).

Đọc thêm