Quyền của người lao động theo pháp luật lao động Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày nay, kinh tế càng phát triển thì khả năng thu hút sức lao động càng cao. Với quá trình này, không thể bỏ qua nhu cầu về bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động (NLĐ). Việc quy định các quyền cơ bản của NLĐ vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu hàng đầu của pháp luật về lao động của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bộ luật Lao động hiện hành cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ. (Ảnh minh họa: Quang Vinh)
Bộ luật Lao động hiện hành cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ. (Ảnh minh họa: Quang Vinh)

Theo Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng, pháp luật lao động (LĐ) ở Việt Nam quy định NLĐ có quyền tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng LĐ nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

NLĐ cũng được bảo đảm về an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, trong đó bao gồm các nội dung: quy định về chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, quy định về an toàn LĐ, vệ sinh LĐ, quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng cho NLĐ... nhằm bù đắp hao phí sức LĐ, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Thân thể của mỗi cá nhân không phải là tài sản, mà thuộc về nhân thân của cá nhân đó. Các quyền liên quan đến thân thể của NLĐ được bảo vệ một cách giống nhau ở mọi NLĐ.

Bên cạnh đó, một trong những quyền cơ bản của NLĐ là quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền LĐ của NLĐ như: các quy định về chống phân biệt đối xử, NLĐ được tôn trọng, được đối xử công bằng và bình đẳng giữa những NLĐ với nhau. Ngoài ra, nghiêm cấm mọi hành vi: quấy rối tình dục và ngược đãi, bạo hành NLĐ...

Trong đó, vấn đề bảo vệ tính mạng, sức khỏe của NLĐ trong quá trình LĐ được đặc biệt chú trọng. Bộ luật Lao động hiện hành cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ. Các đơn vị sử dụng LĐ phải thực hiện đầy đủ chế độ khám sức khỏe, trợ cấp độc hại cho NLĐ. Việc sử dụng LĐ phải bảo đảm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không vượt quá mức luật quy định. Người sử dụng LĐ phải rút ngắn thời gian làm việc cho các đối tượng: LĐ tàn tật, LĐ vị thành niên, LĐ nữ mang thai, LĐ làm những công việc nặng nhọc, độc hại để bảo đảm sức khỏe cho họ.

Trong mối quan hệ với người sử dụng LĐ, NLĐ được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm bằng bất cứ hình thức nào. Việc phân biệt đối xử, trả thù, trù dập NLĐ vì bất cứ lý do nào đều vi phạm pháp luật. Ngay cả khi NLĐ vi phạm kỷ luật thì người sử dụng LĐ cũng không được xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của NLĐ.

Cũng theo Luật sư Hiếu, để bảo đảm các quyền cơ bản của NLĐ, pháp luật cũng có những quy định, thủ tục, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng để thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với NLĐ và người sử dụng LĐ. Các biện pháp pháp lý này đều được đưa ra dựa trên những tính chất về chủ thể thực hiện, tính chất của biện pháp và sự tác động của các biện pháp này lên các chủ thể là NLĐ và người sử dụng LĐ.

Do đó, khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh nhất định và từng giai đoạn khác nhau, NLĐ có thể lựa chọn các cơ chế khác nhau để áp dụng sao cho việc giải quyết nhanh chóng, thuận lợi và hợp lý nhất để bảo vệ tối đa các quyền nhân thân của NLĐ.

Ngoài ra, Nhà nước ta còn xây dựng hệ thống thanh tra nhằm bảo đảm, bảo vệ các quyền cơ bản của NLĐ. Cụ thể, hệ thống thanh tra LĐ có chức năng thanh tra các đối tượng sau đây: các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế; doanh nghiệp sản xuất là hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình có sử dụng LĐ theo hợp đồng lao động (HĐLĐ); các hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã có sử dụng LĐ theo HĐLĐ; các cơ quan hành chính, tổ chức, đơn vị sản xuất và dịch vụ kinh doanh trực thuộc các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác.

Không chỉ vậy, khi tham gia vào quan hệ LĐ, NLĐ có quyền thỏa thuận với người sử dụng LĐ về các nội dung của HĐLĐ. Pháp luật cho phép NLĐ có quyền thỏa thuận với người sử dụng LĐ về công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,... để bảo vệ các quyền nhân thân của mình. Hơn ai hết, NLĐ sẽ có trách nhiệm để bảo vệ các quyền của mình và HĐLĐ là nội dung chỉ liên quan đến họ và người sử dụng LĐ nên họ sẽ phải tự cân nhắc về các nội dung trong HĐLĐ sẽ ký kết.

Khi NLĐ bị ảnh hưởng, không được bảo đảm về quyền lợi do “lỗi” từ phía sử dụng lao động hoặc các chủ thể liên quan, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong đó, biện pháp bồi thường thiệt hại được áp dụng ở nhiều lĩnh vực như bồi thường thiệt hại do người sử dụng LĐ vi phạm về tiền lương, thu nhập; bồi thường thiệt hại do bị ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe và bồi thường thiệt hại do người sử dụng LĐ vi phạm HĐLĐ.

Đơn cử, nếu người sử dụng LĐ chậm trả lương cho NLĐ thì phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước quy định công bố tại thời điểm trả lương. Người sử dụng LĐ cũng có trách nhiệm trả đủ lương cho NLĐ bị tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

Ngoài việc được bồi thường tiền lương, bồi thường về tính mạng sức khỏe, NLĐ còn được bồi thường trong trường hợp người sử dụng LĐ vi phạm HĐLĐ. Quy định này không những góp phần bảo đảm các quyền cơ bản của NLĐ mà còn góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người sử dụng LĐ.

Đọc thêm