Cô thanh niên xung phong quê “Thạch Nhọn”
Sau khi bài thơ đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng tải trên các báo, nó cuốn hút hàng triệu độc giả. Nhiều người muốn biết cô gái “Thạch Nhọn” nguyên mẫu trong bài thơ tên là gì?. Đến nay chiến tranh đã đi qua 45 năm bạn đọc cả nước băn khoăn không biết cô gái “Thạch Nhọn” năm xưa bây giờ cuộc sống ra sao, đã mất hay còn? Bài thơ có đoạn:
... “ Em ở Thạch Kim sao lừa anh “Thạch Nhọn” /Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón / Em đóng cọc rào quanh hố bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn / Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để/ Anh lặng người trôi trong tiếng ru”...
Một ngày đầu hè 2020, chúng tôi về Thạch Kim gặp cô gái “Thạch Nhọn” năm xưa. “Cô gái Thạch Nhọn” nay đã ngoài tuổi 70 nhưng còn mạnh khỏe và minh mẫn. Bà tên thật là Lê Thị Nhị, sinh ra ở một làng quê ven biển, nhà nghèo, bố mất sớm, ba mẹ con sống với nhau trong một túp lều tranh. Thuở đó, cô thanh niên tên Nhị trời cho nước da trắng trẻo, thân hình mảnh mai, cao ráo, xinh xắn, nói năng hay pha trò, tinh nghịch nên ai cũng mến. Đặc biệt nhiều chàng trai ngỏ lời yêu thương.
|
Cô gái “ Thạch Nhọn” - bà Lê Thị Nhị hôm nay |
Năm 1967, quê hương bị máy bay, tàu chiến Mỹ thay nhau bắn phá, Nhị tình nguyện đi thanh niên xung phong (TNXP), vào Đại đội 554, Tổng đội 55 Hà Tĩnh. Biết tin con gái đi TNXP mẹ của cô quyết không đồng ý, phần gia đình đơn côi, phần thương con, còn non trẻ quá. Biết mẹ không đồng ý, Nhị trốn mẹ khăn gói lên đường vào đơn vị. Cũng vì thế, có những lúc thương mẹ, nhớ mẹ quá, nhiều đêm đi làm về cô trằn trọc không sao ngủ được, có đêm Nhị giấu đồng đội nằm khóc một mình ướt hết gối.
Năm 1968, Nhị vào đội cảm tử phá bom từ trường ở Ngã Ba Đồng Lộc, một trọng điểm ác liệt, túi bom, đạn trong thời đánh Mỹ. Một đêm năm 1968 Nhị cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom cho xe qua, thì có một đoàn xe của Đoàn 559 ở trong Nam ra. Trong lúc đoàn xe dừng lại chờ thông đường. Một số anh bộ đội đội mũ tai bèo nhảy trên xe xuống hỏi Tiểu đội “Các cô quê ở đâu?”. Có người nói Kỳ Anh, người nói Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, riêng cô thanh niên Nhị không nói gì.
Hôm đó, Nhị mặc chiếc áo màu xanh nhạt hơi trắng. Một anh bộ đội giọng Bắc đến gần hỏi Nhị: “Cô mặc áo trắng kia ơi, cho anh hỏi em quê ở đâu? Nhị vừa nói vừa cười: “Quê bầy tui qua Thạch Bằng rồi đến Thạch Nhọn anh nờ”. Nghe Nhị nói cả Tiểu đội cười râm ran. Anh bộ đội ngơ ngác hỏi lại “Thạch Nhọn là đâu”. Chị em trong Tiểu đội cười, nói: “Thạch Kim là Thạch Nhọn có rứa mà không biết”.
Không ngờ câu nói của Nhị lại làm lay động nhà thơ Phạm Tiến Duật và một tác phẩm làm lay động triệu triệu con người, sống mãi với thời gian. Nhị có năng khiếu chơi bóng chuyền, là cây chủ công của đội bóng chuyền Tổng đội. Năm 1969, Nhị cùng đội đi thi đấu tại Quảng Bình. Sau khi đánh trận chung kết giành chức vô địch, bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” đăng lên báo thì Nhị gặp rắc rối. Lãnh đạo Tổng đội gọi lên làm việc, nhắc nhở vì “tội lừa dối bộ đội lái xe Trường Sơn”, bắt làm bản kiểm điểm.
“Nàng thơ” bây giờ ra sao?
Sau khi bị phê bình cô được lãnh đạo Tổng đội cho về làm nhiệm vụ lấp hố bom ở Đèo Ngang, Khe Lang. Chiến tranh phá hoại kết thúc, Nhị trở về quê làm nghề dệt thảm ở HTX Hải Đăng. Lúc này, anh Đặng Thế B người yêu ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân cách nhà hơn 30km cứ giục cưới. Chị lấy chồng ở xa, Nhị không nỡ để mẹ một mình già yếu không có ai nương tựa nên cắn lòng chia tay một tình yêu đẹp đã vun đắp, gìn giữ nhiều năm. Nhị bảo anh B đi lấy vợ, em vì tình mẫu tử mà có lỗi với anh.
Sau vài năm thì HTX giải tán, Nhị đi chợ Thạch Kim, Thạch Châu, Chợ Huyện bán rau nuôi mẹ. Nay bước sang tuổi xưa nay hiếm, dân làng gọi cô Nhị bằng bà. Năm 2002 mẹ qua đời khi ở tuổi 92, bà Nhị sống đơn thân một mình, trong căn nhà chưa đầy 30m2, do một công ty tài trợ 20 triệu đồng và tiền vay bà con làng xóm. Vết thương hay tái phát, bà không đi được chợ xa nữa. Ngày ngày, bà ra bán ở chợ Gò Cá ngay Cửa Sót gần nhà, kiếm năm, ba chục ngàn đồng cùng với tiền trợ cấp thương binh hạng 4/4 để sống qua ngày.
Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng với đồng đội, tình làng, nghĩa xóm bà Nhị sống hết mình. Biết nhà thơ Phạm Tiến Duật ốm nặng, bà từ Hà Tĩnh ra Viện Quân y 108 thăm ông. Ngồi bên giường bệnh nhà thơ, thấy đôi mắt ông nhắm lại, hơi thở yếu ớt, bỗng hình ảnh anh bộ đội có khuôn mặt bầu bĩnh, cái mũi thẳng, nhìn được qua ánh đèn pháo sáng của địch, gặp bà năm xưa ùa đến.
Bà ghé sát tai nhà thơ nói nhỏ: “Em là Nhị cô gái “Thạch Nhọn” ngày nào đến thăm anh đây!”. Nhà thơ đưa tay nắm chặt tay bà, đôi mắt dần dần mở, như muốn nói với bà điều gì mà không nói được nữa. Qua đôi mắt, bà biết tình cảm của nhà thơ đối với mình, như câu thơ đã nói thay lòng: “Có lẽ nào anh lại mê em/ Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim”. Hôm nhà thơ Phạm Tiến Duật mất, bà ra Hà Nội thắp hương, tiễn đưa người quá cố, có một kỷ niệm đẹp trong những ngày khói lửa, đã đi vào thi ca.
Dù tuổi đã cao nhưng nét đẹp kiêu sa thời con gái của bà vẫn còn đọng lại, tính tình hiền hậu, nói năng hoạt bát sôi nổi, hóm hỉnh của bà vẫn không mất đi đâu được. Bà Nhị còn nguyên cốt cách một cô gái thanh niên xung phong năm xưa.