Đi tìm bóng hồng trong “Thu, hát cho người” của “Nhà Kim Dung học Việt Nam“

(PLVN) - Bóng dáng giai nhân nơi nhạc phẩm “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển vẫn nằm riêng một góc tâm hồn nhạc sĩ, để bao người thắc mắc mãi. Ngoài sự nghiệp âm nhạc, Vũ Đức Sao Biển còn là nhà báo, nhà văn, nhà phê bình… Đặc biệt, ông được văn giới lẫn bạn đọc trìu mến gọi là “Nhà Kim Dung học Việt Nam”.
Nhà báo, nhạc sĩ tài hoa Vũ Đức Sao Biển
Nhà báo, nhạc sĩ tài hoa Vũ Đức Sao Biển

Đặc sắc tinh khúc "Thu, hát cho người”...

Sau hai năm chống chọi với bệnh ung thư vòm họng, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vừa trút hơi thở cuối cùng vào khuya 6/5. Sự ra đi của ông để lại thật nhiều tiếc thương cho gia đình, người thân, đồng nghiệp, học trò và khán giả yêu nhạc.

Có thể nói, giữa muôn nghìn bài hát lãng mạn về tình yêu thì “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển vẫn đứng riêng một góc trời đầy kiêu hãnh, được rất nhiều người yêu thích suốt nhiều thập kỷ qua. “Thu, hát cho người” là một bài hát có giai điệu sang trọng, ca từ diễm lệ, hình ảnh chứa đựng nỗi hoài cảm thăm thẳm nơi tâm hồn của chàng tuổi trẻ si tình đến ngây dại.

Thời trẻ, Vũ Đức Sao Biển trọ học ở Hội An, cứ chiều thứ bảy ông về thăm nhà, rồi chủ nhật lại qua Hội An. Đường từ Hội An về Duy Xuyên phải đi qua hai chuyến đò trên sông Thu Bồn. Cùng quê với ông có một cô bé tên Thu học sau hai lớp, thế là hai người quen biết nhau. Chung trường, chung đường nên họ rủ nhau đi và về. Trong 4 năm đi bộ chung đường, Thu luôn giành đi trước ông. Rồi, một tình yêu thầm lặng bắt đầu xuất hiện trong tâm hồn của chàng học trò.

 

Dù không nói với nhau lời nào, nhưng tình cảm trong ông cứ dần lớn lên trong im lặng. Ông nhớ mãi lời cô gái dặn: “Nếu sau này trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát”. Năm 1966, khi 18 tuổi, Vũ Đức Sao Biển vào Sài Gòn thi đại học và ở đây để học nên không còn cơ hội đi chung đường với Thu.

Hai năm sau đó, ông trở về quê nhà nhưng không tìm ra người bạn gái cũ được nữa. Và, danh tác “Thu, hát cho người” đã ra đời ngay sau đó, trong nỗi nhớ khôn nguôi. Sinh thời, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng kể: “Thuở ấy, tôi 20 tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.

Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết Thu, hát cho người”. “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa”.

Bản tình ca thuở đôi mươi của người nhạc sĩ bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và biết rằng không có câu trả lời. Ông bảo, cái tựa ca khúc là Thu, hát cho người thật ra là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông. Bài Hoàng hạc lâu của thi sĩ Thôi Hiệu có câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Hạc vàng bay một lần là không trở lại nữa). Ông lấy ý thơ của người xưa để nói đến bạn mình: “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ”.

Ông bảo, ca từ như một tiên tri định mệnh, giữa ông và người con gái ấy chẳng bao giờ được gặp lại nhau. Ca khúc “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển được thu âm lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1968 qua tiếng hát của hai danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc.

Bài hát sau đó được phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn và trở nên nổi tiếng. Cho đến tận bây giờ, “Thu, hát cho người” vẫn có sức sống bền bỉ, làm say đắm nhiêu thế hệ người yêu nhạc. Nhạc phẩm này đã được đặt tên cho rất nhiều chương trình âm nhạc mùa thu hàng năm.

“Với đời tôi, Thu, hát cho người là một dấu ấn đẹp, thậm chí còn tạo nên những giai thoại, huyền thoại. Tôi thầm nghĩ 143 chữ trong bản tình ca đó là những viên ngọc quý”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng chia sẻ. 

“Nhà Kim Dung học Việt Nam”

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tên thật Võ Hợi, sinh năm 1947 tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Là nhà báo, ông có trên 2.000 bài báo. Là nhà văn, ông có trên 50 quyển sách đã xuất bản. Là nhạc sĩ, ông có trên 300 bản tình ca, trong đó có những nhạc phẩm nổi tiếng như: Thu, hát cho người, Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên…

Ông từng nhận danh hiệu nhạc sĩ Sol vàng. Năm 1999, ông từng phục dựng lại bài “Dạ cổ Hoài Lang” trình diễn lần đầu tiên trên sóng VTV1 và cùng một số nhà báo dịch tiếp bản Dạ cổ Hoài Lang ra ba thứ tiếng Anh, Pháp và Quan thoại. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn được văn giới lẫn bạn đọc trìu mến gọi là “Nhà Kim Dung học Việt Nam”, sau khi NXB Trẻ in bộ Kim Dung giữa đời tôi (gồm 4 tập: thượng, trung, hạ, kết) với gần 100 bài viết của ông năm 1998.

Vũ Đức Sao Biển được đốc giả yêu mến đặt danh xưng là "Nhà Kim Dung học của Việt Nam"
Vũ Đức Sao Biển được đốc giả yêu mến đặt danh xưng là "Nhà Kim Dung học của Việt Nam" 

Sau khi bộ sách được phát hành, nhạc sĩ đã gửi tặng Kim Dung một bộ. Nghiên cứu tác phẩm của Kim Dung, Vũ Đức Sao Biển còn có Kiếm hoàng hoa (1995), Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật (2002), Những vụ án kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung (2003), Tiếu Ngạo Giang Hồ (8 tập, dịch chung với 2 dịch giả khác, 2001)…

Cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng kể rằng, từ thời học phổ thông, ông đã say mê tiểu thuyết của Kim Dung, thường đi thuê sách về đọc. “Đọc đi rồi đọc lại không biết bao nhiêu lần, chỉ biết rằng với tôi, các nhân vật của Kim Dung đã trở nên quen đến thuộc lòng”, cố nhạc sĩ từng chia sẻ. Yêu thích truyện Kim Dung, các bài viết của Vũ Đức Sao Biển thể hiện sự am tường về thế giới võ hiệp.

Ở đó, ông luận giải về phong cách xây dựng nhân vật của Kim Dung, luận về chân dung Nhạc Bất Quần, thấy được khát vọng tự do trong Kiều Phong, chỉ ra sự đau thương của A Tử, chất đại phu của Bình Nhứt Chỉ, nhìn Đào Cốc lục tiên như một đoàn luật sư ngộ nghĩnh…

Vũ Đức Sao Biển bàn từ ngôn ngữ bình dân trong văn Kim Dung tới tính hài hước trong truyện; khảo những bài thơ, âm nhạc đến những vấn đề mang tính tư tưởng, suy niệm siêu hình học trong vũ trụ kiếm hiệp. Ông cũng chọn ra 9 nhân vật anh hùng, bầu thập đại mỹ nhân, tìm ra những nhân vật quái dị trong truyện Kim Dung. Ông chỉ ra những “ông thần si tình”, bọn hào sĩ giang hồ, các hiệp khách…

Vũ Đức Sao Biển cũng viết hết sức hấp dẫn về những khía cạnh văn hóa trong truyện Kim Dung. Ở đó, ông nói về tình yêu, tình dục, sự yêu, sự ghen, những vụ án oan, thời trang trong truyện, nghề kỹ nữ, thức ăn, rượu… trong các trang viết của Kim Dung tiên sinh. Không những thế, bằng cái nhìn hiện đại, Vũ Đức Sao Biển đưa ra những luận giải thú vị về các vấn đề trong thế giới võ hiệp như pháp luật, luật hôn nhân, tố tụng hình sự, dụ ngôn chính trị, gián điệp, con ngoài giá thú…

“Theo tôi, nhà văn Kim Dung đã tạo được một thế giới khác ngoài thế giới hiện thực như cách người Trung Hoa thường nói: “Thiên ngoại hữu thiên” (ngoài bầu trời có một bầu trời khác). Kim Dung đã tạo ra một thế giới riêng của bọn giang hồ hào sĩ với những nhân vật, tình tiết đan xen thoắt trói thoắt mở vượt xa các truyện Tàu kinh điển cũ. Hư cấu nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống hiện thực, rất người, rất nhân bản”, cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng chia sẻ.

Dù trong nghiệp viết và sáng tác nhạc, Vũ Đức Sao Biển xuất hiện với nhiều gương mặt khác nhau, nhưng với cuộc sống, ông vẫn là một thi sĩ: Sống, yêu và tôn vinh với cái đẹp của cuộc đời. Điều đó đã giúp ông làm đẹp cho đời dù với gương mặt nào mà ông thể hiện.

Đọc thêm