Đi tìm quả chuông thiêng Dhammazedi

(PLO) -Trong suốt gần 6 thế kỷ sau khi chiếc chuông lớn nhất thế giới còn được nhìn thấy lần cuối cùng, đã từng có một kế hoạch trục vớt quả chuông thiêng.
Bức vẽ về Đại hồng chung Dhammazedi từng được treo ở chùa vàng Shwedagon trước khi bị đánh cắp và bị chìm.

Định mệnh của quả chuông Dhammazedi - còn được gọi là Đại hồng chung Dhammazedi - là một trong những bí ẩn lớn nhất của xứ Myanmar và người dân đất nước Phật giáo này. 

Niềm kiêu hãnh của người Myanmar

Chuông được đúc vào thế kỷ 15, chính xác là vào ngày 5/2/1484 theo lệnh vua Dhammazedi của kinh thành Hanthawaddy Pegu. Trước khi hạ lệnh đúc chuông, quan chiêm tinh của vua Dhammazedi đã can gián hoàng đế nên trì hoãn ngày đúc chuông vì theo lịch thiên văn, ngày đã định lại rơi vào thời điểm của chòm sao Cá Sấu khiến chuông đúc xong sẽ... không kêu. 

Vua Dhammazedi bỏ ngoài tai lời khuyên và sau khi chuông đúc xong, đúng là không hề phát ra chút âm thanh nào. Theo truyền thuyết dân gian còn lưu lại, Đại hồng chung Dhammazedi được đặt ở ngôi chùa lấp lánh ánh hoàng kim Shwedagon, là địa điểm hành hương Phật giáo linh thiêng nhất ở Myanmar (tên cũ là Miến Điện).

Theo các thư tịch cổ còn lưu lại được, Đại hồng chung Dhammazedi được đúc bằng đồng, vàng và bạc, có trọng lượng gần 300 tấn! Một con số quá kinh khủng, có thể hình dung bằng đúng 25 chiếc xe buýt 2 tầng. 

Năm 1583, một thương nhân buôn bán đá quý người thành Viên (Áo) tên là Gasparo Balbi trong lúc thăm thú Dagon và chùa vàng Shwedagon, đã viết trong nhật ký về chiếc chuông kỳ lạ của vua Dhammazedi.

Đại hồng chung Tharawaddy Min tại chùa vàng Shwedagon chính là bản sao của quả chuông cổ Dhammazedi

Đến năm 1608 thì một thảm họa đã diễn ra. Một tay lính đánh thuê kiêm nhà phiêu lưu mạo hiểm người Bồ Đào Nha tên là Filipe de Brito đã cướp đại hồng chung định nấu chảy để chế tạo ra các khẩu súng thần công. Brito đã bí mật kéo chiếc chuông khổng lồ đến dòng sông Pegu (nay là sông Bago) và cố gắng di chuyển bằng bè, song vì chuông quá to nên nó đã bị chìm.

Vua Anaukpetlun đã hạ lệnh chinh phục hải cảng Syriam (một hải cảng sầm uất của Myanmar thời đó) vào tháng 9 năm 1613 và tên trộm “lớn gan” Filipe de Brito bị xử tử bằng hình thức trói vào cọc gỗ cho đến chết.  

Trong suốt nhiều năm, việc trục vớt Đại hồng chung Dhammazedi đã trở thành niềm hoan hỉ vô biên cho cả các tín đồ Phật giáo nói riêng và niềm tự hào quốc gia Myanmar nói chung. Trong suốt nhiều năm qua, đã có ít nhất 7 nỗ lực trục vớt quả chuông huyền bí. Một số kế hoạch trục vớt còn có sự chung tay của các tổ chức quốc tế với trang thiết bị dưới nước hiện đại, nhưng không tài nào có thể định vị chính xác vị trí có quả Đại hồng chung hiện ở nơi nao.

Đáng chú ý là có cả nhà bơi lặn chuyên nghiệp James Blunt, lặn tổng cộng 115 lần để tìm quả chuông bằng cách dùng hình ảnh định vị âm thanh về các vật thể trong khu vực bị tình nghi. Đại hồng chung được cho là nằm ở độ sâu 7,6m trong bùn dầy, kẹp giữa 2 xác tàu Đông Ấn Hà Lan là Komine và Koning David, cùng với các mảnh nhỏ từ chiếc tàu chiến của Filipe de Brito. Nhưng thông tin này vẫn đang được kiểm chứng. 

Người dân Myanmar hết sức quan tâm đến việc trục vớt đại hồng chung cổ xưa 

Mặc dù khó khăn song sự nhiệt tình hưởng ứng kế hoạch trục vớt từ công chúng Myanmar không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Hơn 250.000 USD tiền quyên góp đã được trao cho nỗ lực trục vớt mới nhất, và mỗi ngày có hàng trăm người tề tựu ven 2 bờ sông Bago để được tận mắt chứng kiến thời khắc quả chuông khổng lồ được vớt lên.

Rất đông người ngồi dưới nắng mặt trời chói chang,  tay cầm tập gấp có in hình ảnh Đại hồng chung Dhammazedi. Một công nhân đường sắt về hưu cho biết: “Tôi không biết chính xác Đại hồng chung Dhammazedi nằm ở đâu, song chiếu theo các tư liệu lịch sử thì nó nằm quanh quẩn ở đây thôi”. Những người khác chăm chú dán mắt vào ống nhòm để nhìn quanh quất dưới mặt bùn dầy đặc.

Htein Lin, một thương gia nở nụ cười mãn nguyện: “Tôi không nhìn thấy nhiều, nhưng nếu chúng tôi tìm thấy được quả chuông thiêng thì đây có lẽ là sự kiện nổi tiếng nhất thế giới. Tôi thật sự rất mong mỏi được tìm thấy nó”.  Những ai muốn nôn nóng tìm ra giữa sông để xem các hoạt động trục vớt thì phải trả 1.000 Kyat (tiền tệ Myanmar tương dương 1 USD/60 phút.

Niềm tin vào...Long vương

Thực ra cái gọi là “công nghệ hiện đại” vẫn còn khá khiêm tốn tại Myanmar. Có một chiếc tàu nạo vét bùn và một nhà thuyền với 2 chiếc thuyền gỗ cũ kỹ đang được các nhóm thợ lặn sử dụng. Những kế hoạch lặn này không sử dụng hệ thống định vị GPS hay các bản đồ tiên tiến, và có một nhà sư đang ngồi chễm chệ trên một trong 2 chiếc thuyền gỗ.

Những thanh niên trẻ khoác những chiếc mặt nạ lặn đơn giản, nhảy ùm xuống sông, bắt đầu một chu trình lặn tìm kiếm. Đây có vẻ là một cuộc lặn tìm kiếm dựa trên tâm linh siêu nhiên hơn là phụ thuộc vào khoa học. Ông San Lin, người đứng đầu nhóm trục vớt, quả quyết: “Lệ thuộc vào công nghệ hiện đại chỉ tổ mang lại rắc rối”.

Một số người đi xuồng để mục kỉnh gần hơn điểm lặn tìm kiếm 

San Lin tin rằng trong Phật giáo có các linh hồn và họ đang tìm cách ngăn cản việc ai đó có ý đồ muốn lấy quả chuông, và rằng chỉ có một niềm tin tâm linh mãnh liệt thì mới có thể nhìn thấy vị trí chính xác để có thể tìm được nó. 

San Lin nhấn mạnh: “Chúng tôi phải làm theo cách truyền thống vì Long vương sẽ nhả quả chuông cho chúng tôi”. Với nhiều học giả Myanmar thì hướng tiếp cận của San Lin có lẽ là không hiệu quả, và họ muốn xem những nhóm thợ lặn với trang thiết bị tốt hơn tham gia vào việc tìm kiếm.

Đã từng có một nhóm thợ lặn đến từ Singapore với ngân sách tới 10 triệu USD và tuyên bố, sẵn sàng tham gia vào cuộc tìm kiếm. Cuối tháng 6/2012, Phòng nghiên cứu lịch sử của Bộ Văn hóa Myanmar và Cty SD Mark International LLP của Singapore đã tổ chức một cuộc hội thảo trong đó nhấn mạnh việc công ty Singapore sẽ chi 10 triệu USD để tìm kiếm. 

Kiệt tác hay huyền thoại

Tại Chùa Vàng Schwedagon, San Lin đang bày những tấm bản đồ trên sàn nhà và nói  về sự thay đổi của dòng sông Bago trong suốt gần 6 thế kỷ qua, nhấn mạnh rằng chắc chắn cuộc tìm kiếm sẽ đi vào bế tắc. Giờ đây, ông đang lo lắng gấp đôi nếu một khi quả chuông huyền bí này không thật sự tồn tại.

Hình ảnh minh họa về Đại hồng chung Dhammazedi 

San Lin nói: “Tôi đang thật sự rất lo lắng về tính xác thực của quả chuông, vì nó đang là niềm kiêu hãnh của người dân Myanmar đối với đất nước họ. Song nếu chúng ta nhìn vào 3 cuốn sách lịch sử về Myanmar được viết trong vòng 200 năm sau khi Đại hồng chung bị chìm thì kỳ lạ chưa, lại không có dòng nào nhắc về nó cả”.

Bất chấp những hoài nghi của các nhà chuyên môn, các nhóm thợ lặn vẫn ngày đêm tìm kiếm Đại hồng chung Dhammazedi với niềm tin nó đang nằm đâu đó dưới bùn lầy của sông Bago.../.

Đọc thêm