Dù thắng hay thua vẫn bị xẻ thịt
Những “ông Cầu” mình đầm đìa máu tươi nhưng vẫn cố gắng dùng những chiếc sừng dài chiến đấu, tung ra những ngón đòn hiểm như móc mắt, thúc hầu, húc đỉnh đầu liên tục để mong hạ gục đối phương. Những trận “thư hùng” càng trở nên máu lửa hơn khi khán giả không ngớt tiếng reo hò cổ vũ cho “ông Cầu” xung trận.
Năm nay, Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu có sự tham gia của 32 trâu đại diện cho các thôn và các đoàn thể trên địa bàn. Các “ông Cầu” đã không phụ lòng mong đợi của hàng vạn khán giả khi cống hiến những trận “thư hùng” quyết liệt, gay cấn, hấp dẫn với cú đánh ngoạn mục.
Có những cuộc đấu nảy lửa khiến các “ông Cầu” phải bỏ mạng giữa “trận tiền” bởi những đòn đánh mạnh mẽ, hóc hiểm của đối phương. Ban tổ chức đã phải nhờ đến máy cẩu để nhanh chóng đưa ông Cầu “tử trận” ra khỏi sới chọi. Kết quả cuối cùng “ông Cầu” mang số 16 của anh Nguyễn Văn Bắc (thôn Đoan Kết xã Hải Lựu) đoạt giải nhất, “ông Cầu” mang số 10 đoạt giải nhì.
Dù thắng hay thua, các "ông Cầu" đều bị xẻ thịt |
Dù thắng hay thua, các “ông Cầu” được đem về gần UBND xã Hải Lựu để xẻ thịt bán phục vụ du khách. Giá “ông Cầu” thua ở vòng loại đã là 500.000 nghìn đồng /1kg, nếu thua ở trận bán kết có giá 700.000 đến 800.000 đồng/kg. Giá của “ông Cầu” đoạt giải nhất lên tới 3-4 triệu/kg tùy vào loại thịt. Nhiều người chen lấn để cố gắng mua cho được một ít thịt mang về. Tuy giá “cắt cổ” nhưng không đủ thịt trâu cho người mua vì theo tục lệ, ai mua được thịt trâu chọi sẽ may mắn, phát tài, phát lộc cả năm.
Hội hay nhưng vẫn nhếch nhác
Lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu đã để lại những dấu ấn nhất định trong lòng các du khách thập phương, tuy nhiên vẫn xuất hiện những hình ảnh không đẹp. Tình trạng “chặt, chém” du khách diễn ra khá phổ biến tại khu vực lễ hội như giá nhà nghỉ ở gần sới chọi trâu tăng giá lên tới 500.000 đồng/1 ngày, ngủ ở nhà dân nằm sàn cũng 100.000 đồng/1 người. Giá một bát bún hoặc phở trâu cũng 50.000-60.000 đồng/1 bát, gửi xe máy 20.000 – 30.000 đồng, gửi ô tô 100.000 đồng, thuê ghế đứng xem, giá cũng 30.000 đồng.
Trâu bị giết thịt và bày bán mất vệ sinh. |
Anh Bình (Bắc Giang) chia sẻ: “Do ở xa mà mình lại muốn xem chọi trâu cả hai ngày nên phải thuê phòng qua đêm ở đây với giá 500.000 đồng/1 phòng. Sáng ra đi ăn bát bún trâu mà cũng mất 50.000 đồng, đã phải trả đắt rồi mà có lèo tèo vài miếng thịt với ít bún”.
Theo tập tục của địa phương, các trâu tham gia chọi dù thắng, thua đều phải giết thịt, tuy việc giết mổ đã được chú trọng hơn so với các năm trước nhưng vẫn còn khá mất vệ sinh. Việc mổ trâu được thực hiện trên một sân bê-tông khoảng 25m2 gần UBND xã Hải Lựu. Việc làm vệ sinh nội tạng của các “ông Cầu” tuy đã được “tế nhị” cho xuống cuối bãi giết mổ nhưng lại làm ở nền đất ẩm ướt trông rất mất vệ sinh. Hầu hết các quán ăn ở gần lễ hội cũng là nơi giết thịt trâu nhộn nhịp nhất, do đó không thể tránh được sự ô nhiễm từ phân, nước tiểu và nội tạng của hàng loạt con trâu bị giết thịt.
Ăn xin vẫn làm xấu hình ảnh lễ hội |
Ngoài ra, ở các tuyến đường chính vào lễ hội, các hàng quán bày bán tràn lan với các đồ ăn, thức uống, trò chơi đỏ đen, thi tài thiện xạ, phi tiêu trúng bóng... khiến cho tình trạng ách tắc giao thông diễn ra triền miên trong thời gian tổ chức. Tình trạng ăn xin khá phức tạp, chủ yếu là các trục đường chính gần nơi tổ chức lễ hội.
Những hình ảnh không đẹp đó rất cần được chấn chỉnh kịp thời để tạo ấn tượng tốt đẹp hơn trong lòng du khách thập phương, nhất là đối với du khách quốc tế khi tìm về những miền tâm linh lễ hội. Mong rằng năm sau Hải Lựu sẽ khắc phục được những điều bất cập này.