Thi hành án xong mới có đơn đòi đất
Vợ chồng chị Trịnh Bích Hải và anh Nguyễn Mạnh Hùng (tổ 3, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) kết hôn năm 1995 và đã có hai con chung. Quá trình sinh sống, đến năm 2008 vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, năm 2010 chị Hải làm đơn xin ly hôn.
Tại Tòa, anh Hùng cho rằng diện tích đất 183m2 (đã được cấp sổ đỏ từ năm 2002 và mang tên chủ hộ là Trịnh Bích Hải) có nguồn gốc do bố mẹ đẻ của anh mua từ năm 1995 và cho vợ chồng anh sau khi kết hôn, sau đó anh chị đã xây nhà mái bằng 165m2 trên diện tích đất này.
“Quyết định 1816 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ba mẹ con tôi”- chị Hải nói. |
Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Bởi vậy, Bản án số 13/2010/DSST ngày 28/9/2010 của TAND huyện Bắc Quang đã quyết định giao cho chị Hải được sử dụng nhà đất trên diện tích 183m2; chị Hải có nghĩa vụ thanh toán cho anh Hùng số tiền chênh lệch hơn 199 triệu đồng.
Hội đồng xét xử cũng tuyên cho chị Hải là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc hai con chung, chị Hải không yêu cầu anh Hùng cấp dưỡng nuôi con. Sau bản án sơ thẩm, anh Hùng kháng cáo. Tuy nhiên, sau hai lần triệu tập hợp lệ, anh Hùng vẫn vắng mặt, vì vậy ngày 16/12/2010 TAND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định số 05 đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án nêu trên. Bản án sơ thẩm số 13 của TAND huyện Bắc Quang có hiệu lực pháp luật.
Tháng 6/2011, Chi cục Thi hành án dân sự huyện này đã tổ chức cưỡng chế giao nhà và đất cho chị Hải quản lý, sử dụng. Điều đáng nói, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, gia đình chồng cũ của chị Hải không có ý kiến gì về mảnh đất mà vợ chồng chị Hải đang sử dụng, nhưng sau khi tổ chức thi hành án xong thì bà Ngô Thị Lựu (mẹ chồng cũ của chị Hải) lại có đơn khiếu nại đòi đất với lý do mảnh đất mà chị Hải đang đứng tên trong sổ đỏ là do bà mua.
Quyết định không đúng thẩm quyền
Giải quyết đơn khiếu nại của bà Lựu, ngày 4/9/2013 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký Quyết định 1816/QĐ-UBND yêu cầu UBND huyện Bắc Quang hủy bỏ Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 5/7/2002 của UBND huyện này về việc cấp Giấy CNQSDĐ cho chị Trịnh Bích Hải; thu hồi Giấy CNQSDĐ mang tên chị Hải. Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu bà Lựu lập các thủ tục cần thiết để UBND huyện Bắc Quang xem xét cấp Giấy CNQSDĐ.
“Đã nhiều lần Thanh tra tỉnh Hà Giang liên tục hối thúc UBND huyện Bắc Quang thực hiện Quyết định 1816 của Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi nội dung của quyết định này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ con tôi. Tôi phải thường xuyên đi lại theo đơn kiện, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế và cuộc sống của ba mẹ con, bản thân tôi lại là phụ nữ một nách nuôi hai con đang tuổi ăn học, tôi không còn tâm trí để làm ăn, các con tôi cũng phân tán tư tưởng rất nhiều” - chị Hải phân trần.
Có thể nói, việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 1816 là không đúng thẩm quyền và không phù hợp với những quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự. Điều 19 Bộ luật này nêu rõ: “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng… Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, TAND và các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó”.
Như vậy, bản án sơ thẩm của TAND huyện Bắc Quang đã có hiệu lực pháp luật và không bị kháng nghị, bản án cũng đã được tổ chức thi hành án xong, nếu UBND tỉnh Hà Giang phát hiện có tình tiết mới cần phải xem xét lại thì phải có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xét xử lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chứ không thể “lấn sân” để ban hành một văn bản hành chính “chen ngang” phủ quyết những quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Chính vì nhận rõ những bất ổn trên nên UBND huyện Bắc Quang đã có Báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong toàn bộ quá trình xác minh vụ việc và nội dung quyết định giải quyết, Đoàn thanh tra đã không xem xét đến nội dung Bản án sơ thẩm số 13 của TAND huyện Bắc Quang đang có hiệu lực thi hành. Từ phân tích này, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Hoàng Quang Phùng nhấn mạnh: “UBND huyện Bắc Quang chưa thể tổ chức thực hiện Quyết định số 1816 theo quy định của pháp luật. Vì nếu thực hiện “hủy bỏ Quyết định số 1216/QĐ-UB ngày 5/7/2002 của UBND huyện Bắc Quang” thì UBND huyện Bắc Quang vi phạm pháp luật”.
Ngoài các báo cáo của UBND huyện Bắc Quang, Công an tỉnh Hà Giang cũng có Công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh nhà: “Khi được cấp Giấy CNQSDĐ từ tháng 7/2002 đến tháng 4/2011 (8 năm 9 tháng) và sau khi Bản án số 13 của TAND huyện Bắc Quang có hiệu lực pháp luật, bà Lựu mới có đơn đề nghị, vì vậy không còn thời hiệu khiếu nại theo quy định của pháp luật”.
Để tránh chồng chéo trong việc thực thi pháp luật, thiết nghĩ UBND tỉnh Hà Giang cần nhanh chóng ban hành văn bản để hủy bỏ Quyết định số 1816 nói trên.
“Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì chỉ có Tòa án cấp trên mới có thẩm quyền sửa hoặc hủy bản án của Tòa án cấp dưới. Khoản 2 Điều 17 của Bộ luật này cũng quy định: “Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của Bộ luật này”. Căn cứ vào quy định trên thì việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định để yêu cầu UBND huyện phải hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho chị Trịnh Bích Hải (theo nội dung đơn khiếu nại của bà Lựu) là không phù hợp với pháp luật, vì phần diện tích đất bà Lựu khiếu nại đã được TAND huyện Bắc Quang giải quyết bằng Bản án số 13 và bản án này đã được thi hành xong”. (Luật sư Lê Thiên- Giám đốc Công ty TNHH Luật Lê và Liên danh)