Khi đại diện của chính quyền nhận tin báo, xuất hiện tại quán thì chủ quán tính lại, giá cho 6 đĩa cơm là 400.000 đồng. Điều lạ lùng là nhóm cán bộ đại diện cho chính quyền địa phương này không có một động thái để thực hiện chức trách của mình như kiểm tra việc niêm yết giá hoặc lập biên bản để xử lý. Khi phóng viên hỏi ông Chủ tịch xã về việc này thì ông nói là bận họp, chưa biết.
Đó là câu chuyện nhỏ, rất nhỏ nhưng đã lột tả phần nào cách ứng xử của chính quyền địa phương trước một sự việc gây mất thể diện, làm xấu hình ảnh cái nơi mà mình có trách nhiệm quản lý và giữ gìn. Họ chỉ làm cho qua chuyện khi việc chẳng đặng đừng hoặc trước áp lực của dư luận mà thôi.
Việc lớn hơn, cũng xảy ra trong tuần: 43ha rừng tự nhiên ở huyện An Lão (Bình Định) bị phá trụi mà chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng không hề hay biết. Tất nhiên, người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ đổ tại là rừng ở nơi hẻo lánh, bọn phá rừng sử dụng công nghệ cao và thủ đoạn tinh vi,... nhưng tất cả những lý do ấy không thể bào chữa cho việc anh quản lý xã hội, phụ trách địa bàn cái gì mà việc tày đình không biết? Nếu như anh không xơ múi hoặc đồng lõa trong chuyện này, tức là còn chút liêm sỷ thì nên từ chức đi, chí ít cũng nêu cái gương cho những người đồng chức của anh!
Rất nhiều hiện tượng trái tai, gai mắt xảy ra giữa thanh thiên, bạch nhật mà người ta không thấy bóng dáng chính quyền ở đâu. Ví dụ, nạn taxi dù hoành hành ở các thành phố, ngang nhiên trấn lột khách hoặc các vụ đánh ghen phi nhân tính, dã man trên đường,... đến những việc lớn, thuộc lĩnh vực quản lý của người đứng đầu như biên chế phình to, lãnh đạo gấp nhiều lần nhân viên mà ông ta cũng không biết, khi bị phanh phui thì tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thế a, để tôi cho kiểm tra lại!”. Ông ta quản lý con người cái kiểu gì vậy?
Thấy rõ nhất sự bàng quan và thờ ơ của người đứng đầu là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên trên địa bàn mà người đó quản lý. Không chỉ để việc xâm hại môi trường trong dân diễn ra tự phát mà còn rước rác công nghiệp ở nơi khác về chôn cất ở địa phương mình, không chỉ làm ngơ cho nạn phá rừng (cả phòng hộ lẫn tự nhiên, cả ven biển đến đầu nguồn) mà còn không biết giữ những nguồn lợi tự nhiên đã ngàn năm nuôi sống người dân bản địa như cho phép chặn suối, xây đập, dẫn nước đi nơi khác, không chỉ “bức tử” một dòng suối mà còn chặn đứng nguồn sống vật chất, văn hóa tinh thần của cả một vùng, đặc biệt đó lại là vùng dân tộc ít người sinh sống!
Người đứng đầu địa phương có thể trở thành tượng đài trong tâm tưởng nhân dân như ông cựu Chủ tịch An Giang trong việc phát triển nghề cá ở tỉnh này nhưng cũng có thể trở thành tội đồ của dân chúng khi kết thúc nhiệm kỳ ông để lại những công trình nước sạch khô cạn, những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật biến thành hoang hóa, những đường trăm tỷ không có người đi, những dòng sông, con suối bị bức tử và những làng xóm tiêu điều vì chất xả thải độc hại và căn bệnh ung thư...