Dịch COVID-19 lan 28 tỉnh thành

0:00 / 0:00
0:00
24 giờ qua, cả nước ghi nhận thêm 183 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân trong 23 ngày lên 1.503, xuất hiện ở 28 tỉnh, thành.

Sơn La hôm qua ghi nhận ca nhiễm là "bệnh nhân 4367". Trước đó một ngày, Tuyên Quang cũng phát hiện ca COVID-19 đầu tiên trên địa bàn là "bệnh nhân 4191". Như vậy, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào ngày 27/4, đến nay 28 địa phương xuất hiện ca bệnh. Bắc Giang ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 517; kế đó là Bắc Ninh 322 và Hà Nội 246 (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 27 ca ở Bệnh viện K)...

Nơi ở của ca nghi nhiễm tại phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM, bị phong toả để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tối 18/5. Ảnh: Hữu Khoa.

Nơi ở của ca nghi nhiễm tại phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM, bị phong toả để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tối 18/5. Ảnh: Hữu Khoa.

Sau 20 không xuất hiện ca nhiễm cộng đồng, hôm nay TP HCM ghi nhận hai ca nghi nhiễm ở TP Thủ Đức và quận 7, làm việc tại công ty kiểm toán. Nhiều khu vực, toà nhà đã bị phong toả; hàng trăm người liên quan được đưa đi cách ly. TP HCM quyết định xét nghiệm thần tốc với khoảng 10.000 mẫu, cố gắng có kết quả trong đêm 18/5 để truy vết, khoanh vùng và dập dịch. Đợt bùng phát dịch này, TP HCM mới ghi nhận một ca nhiễm là "bệnh nhân 2910".

Làm việc trực tuyến với Bắc Giang, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trong tình hình hiện nay, tỉnh cần sử dụng xét nghiệm PCR mẫu gộp. Những đơn vị có kinh nghiệm, chuyên làm mẫu gộp 10 mẫu đơn, mẫu gộp 20 mẫu đơn đang chi viện cho Bắc Giang phải triển khai ngay, qua đó mới giải tỏa nhanh lượng mẫu chưa xét nghiệm.

Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang rà soát lại các khu nhà ở công nhân, các trường, ký túc xá, tiến hành lắp đặt lập tức camera giám sát từng phòng. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải linh hoạt, không nên máy móc, cứng nhắc khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn, trong đó có các khu công nghiệp theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16.

Theo ông Đam, việc ngừng sản xuất, hoạt động các khu công nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, mà trong thời gian công nhân nghỉ việc sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý phòng, chống dịch. Thay vào đó, tỉnh cần có các biện pháp quản lý thật chặt chẽ, thậm chí xét nghiệm hàng ngày đối với các công ty chưa có ca nhiễm để tiếp tục sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với Bắc Giang, sáng 18/5. Ảnh:Võ Hải

Ông Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với Bắc Giang, sáng 18/5. Ảnh:Võ Hải.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá khả năng lây nhiễm trong cộng đồng ở Bắc Giang rất lớn, chưa thể hiện bây giờ nhưng mấy ngày nữa có thể sẽ phát hiện. "Bắc Giang sẽ phải phòng dịch song song mặt trận khu công nghiệp và cộng đồng", ông Long nói.

Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu Bắc Giang huy động tổng lực xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên; nếu phát hiện ca dương tính thì làm xét nghiệm khẳng định RT-PCR, vừa lấy mẫu vừa xét nghiệm nhanh. Ngành y tế địa phương giải tỏa ngay 70.000 mẫu đang tồn đọng, trong chiều 18/5 phải có kết quả.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định cho bốn khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng với 136.000 công nhân, hàng trăm doanh nghiệp tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 18/5 để chặn đà dịch lây lan.

Trong ngày 18/5, 40 cán bộ và học viên Học viện Quân y mang 4 container thiết bị tới Bắc Ninh và 99 người tới Bắc Giang, hỗ trợ chống COVID-19. Đây là đoàn thứ 3 và thứ 4 của Học viện Quân y chi viện hai tỉnh trong ba ngày qua. Trước đó hai ngày, 120 cán bộ, học viên, chia làm hai đoàn, cũng mang theo 4 container thiết bị, tới Bắc Giang.

Cán bộ, học viên Học viện Quân y lên đường tới Bắc Ninh chống dịch sáng 18/5. Ảnh: Văn Phong.

Cán bộ, học viên Học viện Quân y lên đường tới Bắc Ninh chống dịch, sáng 18/5. Ảnh: Văn Phong.

Chiều 18/5, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho VnExpress biết: "Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Công ty Pfizer mua 31 triệu liều vaccine. Hãng dược này cam kết bán vaccine cho Việt Nam với giá thấp nhất, dành cho các nước có thu nhập thấp". Công ty Pfizer sẽ cung cấp 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong quý 3 và 4 năm 2021, đảm bảo đúng lộ trình đã thống nhất.

Vaccine Pfizer do hãng dược Mỹ Pfizer và hãng công nghệ sinh học Đức BioNTech phát triển. Cuối năm 2020, hãng công bố giá bán là 39 USD một liệu trình gồm 2 mũi tiêm (mỗi liều giá 19,5 USD).

Đọc thêm