Dịch được kiểm soát, lực lượng chi viện dần rút khỏi TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau gần 2 tháng, lực lượng chi viện bắt đầu rút khỏi TP Hồ Chí Minh khi nhiều quận, huyện trên địa bàn đã kiểm soát được dịch, bước vào giai đoạn bình thường mới.
UBND phường 1, quận Bình Thạnh tặng khăn rằn kỷ niệm cho quân nhân hỗ trợ chống dịch. (Ảnh Vnexpress.net)
UBND phường 1, quận Bình Thạnh tặng khăn rằn kỷ niệm cho quân nhân hỗ trợ chống dịch. (Ảnh Vnexpress.net)

Quân đội dần rút lực lượng

Tối 6/10, UBND quận Bình Tân đã tổ chức tri ân và chia tay bộ đội từ Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) sau thời gian hỗ trợ địa phương chống dịch. Sáng 7/10, gần 200 chiến sĩ tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân hơn một tháng qua trở về đơn vị ở huyện Long Thành, Đồng Nai. Trong khi đó, UBND phường 1, quận Bình Thạnh tặng những chiếc khăn rằn cho gần 50 chiến sĩ Sư đoàn 5 để tri ân khoảng thời gian giúp địa phương từ lúc “vùng đỏ” đến khi chuyển “vùng xanh”.

Thời gian qua, 780 quân nhân đã hỗ trợ quận từ trực chốt kiểm soát, cung cấp thức ăn cho đến vận hành 47 trạm y tế khám, chữa bệnh cho F0 tại nhà.

Còn tại TP Thủ Đức, khoảng 1.600 chiến sĩ chi viện từ 4 đơn vị gồm Sư đoàn 5, Học viện Quân y, Cao đẳng Hải quân, Trung đoàn Gia Định dự kiến rút dần để tạm cách ly trước khi trở về đơn vị. Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM cho hay, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sẽ rút quân trước, còn các đơn vị thuộc Quân khu 7 sẽ rút quân từ nay cho đến ngày 15/10.

Bộ đội sẽ rút lực lượng ở nơi đã kiểm soát dịch, còn khu vực nào chưa thì sẽ điều chỉnh quân số cho phù hợp.

Nhân lực y tế cũng sắp tiến hành rút

Mới đây trong công văn gửi UBND TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (Trưởng bộ phận đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP HCM) cho biết, từ tháng 7 đến nay, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã huy động gần 20.000 nhân lực từ miền Bắc, miền Trung vào chi viện.

Hiện nay tình hình dịch tại TP HCM đã có những chuyển biến tích cực, TP cũng đã ban hành Chỉ thị 18 và đang từng bước hồi phục kinh tế - xã hội. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ viên chức y tế, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế tại các địa phương, đơn vị, Bộ Y tế đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục cần thiết để các đoàn cán bộ, viên chức y tế của các địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TP HCM được về địa phương, đơn vị công tác chậm nhất trước ngày 15/10.

Tuy nhiên, để phòng ngừa việc dịch có thể diễn biến phức tạp trở lại, UBND TP HCM cũng đã gửi công văn đến Bộ Quốc phòng, đề xuất lực lượng cán bộ, học viên, y, bác sĩ quân y tại trạm y tế lưu động tiếp tục hỗ trợ thành phố đến hết tháng 11 và phối hợp chặt với Sở Y tế TP HCM tham mưu điều chuyển chi viện cho các nơi nguy cơ cao và rất cao.

Thông tin về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Quân y nói rõ, lực lượng quân y sẽ tiếp tục hỗ trợ các trạm y tế lưu động ở TP HCM, chưa rút chi viện. “Quân y tiếp tục làm thật tốt công việc chống dịch ở TP HCM, khi nào hoàn thành nhiệm vụ mới trở về”, Đại tá Nguyễn Văn Giang khẳng định.

Trước đó, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Quốc phòng, hồi cuối tháng 9, Thượng tướng Võ Minh Lương (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cũng khẳng định lực lượng quân y sẽ ở lại thành phố đến hết tháng 11. Hơn 1.600 chiến sĩ quân y từ Hà Nội vào TP HCM, chi viện 531 trạm y tế lưu động tại tất cả quận, huyện của thành phố từ 21/8 đến nay. Gần 1,5 tháng qua, các tổ quân y đã góp phần quan trọng trong việc khống chế dịch, chăm sóc F0 tại nhà, giảm tỷ lệ tử vong…

Ngày 7/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh tại thành phố và trả lời các vấn đề người dân quan tâm. Đánh giá hiệu quả phòng, chống dịch của TP HCM sau 1 tuần bình thường mới, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM Phạm Đức Hải cho biết, người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh; công tác phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều hiệu quả tích cực.

Tính đến 6/10, TP HCM đã có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Riêng quận Bình Tân và Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Riêng UBND quận 7 đề xuất được thí điểm mở cửa các điểm kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ từ ngày 10/10 tới đây, thay vì chỉ bán mang về, trong đó đáp ứng điều kiện: không phục vụ quá 30% công suất và không quá 20 người cùng một thời điểm.

Trả lời vấn đề học sinh TP HCM có thể trở lại trường học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thông tin, Sở đang triển khai dạy và học trực tuyến, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Sở đang lên kế hoạch chuẩn bị cho quá trình kết thúc dịch. Dự kiến đầu tháng 1/2022, học sinh TP HCM có thể đồng loạt trở lại trường.

Về việc lưu thông giữa TP HCM và các tỉnh, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, phương án phụ thuộc vào các tỉnh. TP HCM đã gửi văn bản đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh để thống nhất phương án nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị.

Đến nay, Sở đã nhận góp ý của các tỉnh và đang hoàn chỉnh phương án theo góp ý. Tuy nhiên, do yêu cầu của các tỉnh khác nhau về điều kiện vaccine, xét nghiệm nên đến giờ này chưa thể thống nhất. “TP đang xây dựng phương án đi lại giữa TP HCM và từng tỉnh cụ thể, dự kiến sẽ có phương án trong hôm nay (8/10)”, ông An cho hay

Đọc thêm