Nằm ở Hongcheon, tỉnh Gangwon, cách thủ đô Seoul khoảng 60 km, trung tâm Prison Inside Me ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu lạ lùng này.
Có kết cấu như nhà tù, Prison Inside Me được giới thiệu là "chốn tìm về" của những ai muốn sống chậm và thoát khỏi áp lực công việc, cuộc sống thường nhật.
Tách biệt hoàn toàn với sự ồn ào, náo nhiệt, trung tâm này nổi bật giữa những ngọn đồi bởi màu sơn xám ảm đạm. Có tất cả 28 phòng giam ở đây. Bên trong mỗi phòng gồm một nhà vệ sinh nhỏ, tấm thảm yoga, chiếc bàn con, sổ tay ghi chép, bút viết và ô cửa sổ hướng về ngọn đồi kế bên.
"Nhà tù này mang lại cho tôi cảm giác tự do", Park Hye-ri - nhân viên văn phòng 28 tuổi đã trả 90 USD (hơn 2 triệu VNĐ) để được "nhốt" trong vòng 24 giờ ở buồng giam của trung tâm, cho biết.
Ngồi trong căn phòng chỉ rộng chừng 5m2, cô nói: "Tôi quá bận rộn và biết mình không nên ở đây vào lúc này, vì có nhiều công việc cần tôi làm. Thế nhưng, tôi quyết định tạm dừng mọi thứ, nhìn lại bản thân để tiếp tục cuộc sống tốt đẹp hơn".
Từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, trung tâm này đã đón hơn 2.000 "tù nhân". Giống như Park, đa số đều là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng sẵn sàng chi tiền để được "ở tù".
Ngoài việc nhốt mình trong không gian chật chội, những người này sẽ phải tuân theo một số quy tắc nghiêm ngặt như không điện thoại di động, không đồng hồ, không gương soi, không nói chuyện với những người khác. Thực đơn ở đây bao gồm khoai lang hấp, chuối cho bữa tối và cháo trắng vào bữa sáng.
Tuy nhiên, Prison Inside Me không chỉ là nơi để giam giữ. Các "tù nhân" ở đây có thể tham dự một số lớp học phục hồi tinh thần. Hầu hết đều chọn ngồi thiền trong phòng, nhìn nhận lại bản thân trong không gian yên tĩnh một mình.
"Ban đầu rất ngột ngạt, vì tôi không thể làm gì cả. Nhưng mặt khác, nó lại giúp tôi có thời gian suy nghĩ về chính mình, tự nói chuyện với bản thân", Park Woo-sub, "tù nhân" đã sử dụng dịch vụ này hơn 3 lần, trả lời
Nhà tù giả giúp các "tù nhân" thoát khỏi guồng quay mệt mỏi của cuộc sống và công việc |
Dịch vụ "ở tù" nghe có vẻ kỳ quặc này đang phản ánh thực trạng của xã hội Hàn Quốc hiện đại. Tại sao những người trẻ xứ củ sâm lại chấp nhận chi tiền để nhốt bản thân hàng giờ liền?
Với Park Woo-sub, trong chính sự giam cầm và cô độc của nhà tù, anh mới có thời gian cảm nhận mình đang sống chứ không phải tồn tại.
Noh Ji-Hyang, người đồng sáng lập Prison Inside Me, cho biết việc thành lập trung tâm được lấy ý tưởng từ chính chồng cô, một công tố viên phải làm việc 100 giờ/tuần. "Anh ấy nói rằng muốn bị tống giam trong một tuần để được hoàn toàn nghỉ ngơi. Và đó cũng là khởi đầu cho dự án này", Ji-Hyang kể.
Hàn Quốc vẫn nổi tiếng với văn hóa học tập, làm việc khắt khe và áp lực. Trong những năm gần đây, sự suy thoái nền kinh tế công nghệ cao, xuất khẩu càng khiến môi trường làm việc trở nên cạnh tranh, khốc liệt hơn.
Theo kết quả của cuộc khảo sát tại 36 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 3, sau Mexico và Costa Rica, về số giờ làm việc trong năm 2017, với trung bình 2.024 giờ/người.
Áp lực trong học tập, công việc có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Tự tử là một trong những nguyên nhân tử vong chủ yếu của người Hàn ở độ tuổi 10 - 30. Có khoảng 200 người tự tử mỗi năm ở xứ sở kim chi.
Trước thực trạng đáng báo động, chính phủ nước này đã tăng mức lương tối thiểu và cắt giảm giờ làm việc tối đa từ 68 giờ xuống còn 52 giờ/tuần. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các chính sách có thể phản tác dụng khi người lao động buộc phải làm nhiều công việc, thay vì một công việc như trước đây để đảm bảo thu nhập.
Các chính sách có thể mất thêm thời gian vì những cuộc tranh luận. Vì vậy, trước khi có giải pháp triệt để cho vấn đề, con người cần "cứu cánh" tức thời. Chi một khoản tiền để được "ở tù" trong 24 giờ hay 48 giờ có vẻ vô lý, nhưng nếu với chừng đó tiền có thể tạm thời thoát khỏi những áp lực, mệt mỏi thì cũng không quá khó hiểu.
"Sau khi trải nghiệm nhà tù giả, mọi người đều nói rằng đây không phải nhà tù, nhà tù thực sự là ở bên ngoài kia, nơi họ sẽ phải trở lại", người đồng sáng lập Prison Inside Me nói.