"Điểm danh" những ngôi làng giàu nhưng không sướng

Trái ngược hẳn với sự phát triển kinh tế thì tình trạng môi trường ở các làng nghề Bắc Ninh lại xuống cấp. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân ở những “vùng ô nhiễm” như vậy, mới thấy sự giàu có của những ngôi làng này chẳng có gì là sướng cả.
Trái ngược hẳn với sự phát triển kinh tế thì tình trạng môi trường ở các làng nghề Bắc Ninh lại xuống cấp. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân ở những “vùng ô nhiễm” như vậy, mới thấy sự giàu có của những ngôi làng này chẳng có gì là sướng cả. 
Làng thép Đa Hội
1.Có một làng đúc nhôm nhiều năm nay đã giàu lên, đồng thời cũng ôm lấy những hiểm họa từ nghề. Đó là môi trường ô nhiễm, bệnh tật rình rập. Biết vậy, nhưng người dân vẫn phải nhắm mắt làm ngơ vì đồng tiền bát gạo. Bi kịch này nhìn thấy ở làng đúc nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Đến làng nhôm Mẫn Xá từ đầu làng đã ngửi thấy một mùi khét quện với mùi hôi bốc ra từ những lò nung nhôm khi họ đưa quặng nhôm vào để chế biến. Những chiếc ôtô lớn nhỏ hoặc chở phôi nhôm đã hoàn thiện đem đi xuất khẩu, hoặc chở than, quặng nhôm, nhôm phế liệu để mang về chế biến. Tất cả tạo nên một không khí hết sức khẩn trương và náo nhiệt. 
Những lò nhôm san sát nhau vẫn ngày đên toả nhiệt, đỏ lửa, những người lao động đang làm vịêc bên những cái lò nóng cháy da...tất cả điều đó làm nên bộ mặt một làng nhôm của thời hiện đại với việc chế biến rất đỗi thủ công. 
Vào một nhà có đống vỏ lon chất kín một khoảng sân rộng và lò cũng đang đỏ lửa. Khi đó  những công nhân làm thuê đang múc từng gáo nhôm nung chảy trong lò đổ vào khuôn. Thi thoảng họ lại đảo ra sân hóng gió. Tôi hỏi chuyện anh Điền, một người làm thuê đến từ làng Trác Bút, thị trấn Chờ (Yên Phong).
Ban đầu có vẻ mệt không muốn nói, sau thấy tôi gợi ra được sự vất vả của một người thợ, như tìm thấy người đồng cảm, anh nhiệt tình thổ lộ. Anh Điền nói rằng, một người đúc như anh được trả lương 80 ngàn đồng/ ngày, người có thâm niên làm nhanh có thể được trả 150 ngàn/ ngày. Người lao động cả ngày phải tiếp xúc với lò lửa ở nhiệt độ cao, lại không có bảo hộ lao động cho nên da dẻ cháy xạm, có ăn nhiều cũng không lại được sức nóng. Mùa đông còn đỡ, mùa hè nhiệt độ cao thì đúng là khủng khiếp.
Mẫn Xá có khoảng 530 hộ dân thì có đến 75% dân số theo nghề này. Khoảng 100 lò luyện của 100 ông chủ, còn những người khác hoặc làm thuê, đi thu mua nhôm phế thải, vỏ lon bia, nước ngọt, người khác làm công việc chuyên chở, kinh doanh...Khoảng  20 năm nay, công việc này đã tạo nên bộ mặt mới cho làng, nhiều ông chủ giàu có bứt lên.
Cùng với sự phát triển kinh tế, làm nên bộ mặt mới của làng quê, nhưng Mẫn Xá cũng phải gánh chịu hậu quả từ môi trường. Đây là một hậu quả của phần lớn những làng nghề không chú ý đến vấn đề xử lý chất thải và làm trong sạch nguồn không khí. Người chịu hậu quả trước hết là những công nhân làm thuê, trực tiếp tiếp xúc cả ngày trong lò, những khối quặng và chất thải. Nhiều người làm thuê đã mắc bệnh về đường hô hấp và nhiều người khác nhiễm bệnh ung thư mà nguyên nhân được xác định là do nhiều năm đi đúc thuê tại những xưởng đúc lớn. 
2. Khu công nghiệp (KCN) Phong Khê (Tp Bắc Ninh) tràn ngập rác thải, nước thải và những cỗ máy lạnh lùng nằm xen với những ngôi nhà cao tầng. Ngày hè nắng gắt gao, mùi phế thải và bụi cùng nhau “hành” người dân. Ngôi làng chật chội này lại ít cây xanh, nhà cửa san sát như những bao diêm khổng lồ xếp lại; những cỗ máy của 267 doanh nghiệp tiêu tốn mỗi ngày hơn 500 tấn củi - được ví như những hỏa diệm sơn “nhả” ra nhiệt, khói, bụi càng làm không khí nơi đây ngột ngạt đáng sợ.
Qua tìm hiểu tôi được biết, bình quân mỗi ngày riêng KCN I đã “tiêu” 1.000 tấn giấy phế liệu qua sử dụng, thậm chí có cả loại rác thải của nước ngoài cũng được dân buôn thu gom về bán cho các chủ sản xuất, để họ đưa vào tái chế thành đủ các loại giấy như giấy vệ sinh, giấy ăn, giấy Kráp, vở học sinh... đáp ứng nhu cầu thị trường miền Bắc. Trước tình trạng tái chế rác thải bừa bãi theo kiểu “trăm hoa đua nở”, các chủ doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận, công nhân kém về trình độ nên các công đoạn sản xuất đều góp phần đầu độc môi trường.
Các chủ doanh nghiệp có biết hành động của mình? Xin thưa là có nhưng họ cố tình làm ngơ. Người ta cứ sản xuất, cứ đút túi nhiều trăm triệu mỗi năm và cứ không quan tâm đến chuyện mình đã tàn ác với môi trường thế nào. Cứ như thế, người dân ở xã đang lâm vào tình trạng “ba cùng với rác”. Cống rãnh chỗ nào cũng tắc nghẽn, nước thải sền sệt một màu đen đặc. Ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm 2006 Chi cục về thanh tra, phát hiện 100% số doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Chi cục phối hợp với Thanh tra của Sở TN&MT xử lý, đưa 137 giấy xử phạt, nhưng chỉ 20 doanh nghiệp đến nộp phạt. Ngay cả phí bảo vệ môi trường cũng chỉ có 20% số doanh nghiệp, cơ sở đến nộp.
3.Làng thép Đa Hội (xã Châu Khê, Từ Sơn) vốn là làng nghề sắt thép truyền thống có từ cách đây trên 400 năm, mỗi ngày cho ra lò hàng trăm tấn sắt thép. Nơi đây hiện có trên 1.000 hộ sản xuất. Trong đó, khoảng 160 hộ sản xuất ở quy mô lớn. Không thể phủ nhận sự đóng góp của làng sắt Đa Hội vào nền kinh tế, tuy nhiên, sự ô nhiễm ở ngôi làng có nhiều “nông dân tỷ phú” cũng đang ở mức báo động. Đến đây, chúng tôi thấy người dân phải sống trong cảnh đường làng lúc nào cũng lầy lội, đấy bùn nước, xỉ than, xỉ sắt thép. Mỗi khi trời mưa, đường làng có hàng trăm vũng nước lớn bé gây trở ngại rất nhiều cho người đi đường. Đó là chưa kể đến những âm thanh rầm rầm của công việc làm thép và mùi than đốt đến nồng nặc...  
Dân Đa Hội gốc ít người tham gia trực tiếp sản xuất bởi họ biết rằng công việc vất vả ấy không chỉ làm sức khỏe bị ảnh hưởng mà luôn tiềm ẩn những tai nạn khó lường. Vì vậy, đa phần chủ xưởng đều giao việc này cho cai thầu. Cai thầu là người đứng ra thuê công nhân từ các địa phương khác và chỉ đạo họ làm việc. Mỗi năm Đa Hội năm nào cũng xảy ra 3 đến 4 vụ tai nạn gây chết người mà nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự coi thường các quy định về an toàn lao động. Với những gì đang diễn ra, thì theo tôi người dân ở đây có giàu có đến mấy cũng không có gì sung sướng.
4.Bắc Ninh còn nhiều làng nghề nữa có giàu không có sướng. Vấn đề xử lý nước thải, chất thải đã bắt đầu được quan tâm tại các làng nghề, nhưng việc lựa chọn một công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện địa phương cũng đang là một vấn đề cần phải xem xét. Các cơ quan chức năng và người dân những làng nghề Bắc Ninh cần xác định và tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế an toàn. Đó là việc gìn giữ môi sinh, để đảm bảo sức khỏe và cuộc sống, có như vậy, sự giàu có mới ý nghĩa và các thế hệ sau cũng khỏi phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.
A Khoa

Đọc thêm