Từ ngày 13/3 tức là ngày Việt Minh đặt được những khẩu pháo 105 trong các hầm pháo khoét vào sườn núi, không một chiếc máy bay nào dám liều chết hạ cánh vì rất dễ tan xác. Tướng Giáp đã đánh vào cái dạ dày mềm của Điện Biên Phủ.
Dấu hiệu bi quan lan tỏa
Cần phải chở gấp những người bị thương nặng về Hà Nội. Nhưng sau khi Việt Minh chiếm được Gabrielle đặt trên đồi Độc Lập, sân bay đã nằm ngay dưới tầm đạn súng cối. Hơn nữa, thời tiết xấu cũng không cho phép máy bay liều lĩnh hạ cánh.
Thiếu tá Thimonier, chỉ huy tiểu đoàn lính Thái số 3 tại cụm cứ điểm Anne Marie đặt ở Bản Kéo phát hiện thấy những hoang mang dao động trong đám lính. Có ai đó đã rải những tờ rơi kêu gọi binh lính đào ngũ.
Trong tiểu đoàn này hầu hết binh sĩ đều là người dân tộc Thái ở Sơn La và Nghĩa Lộ, từ hơn một năm nay nằm dưới sự kiểm soát của Việt Minh.
Những người lính Thái này muốn trở về làng bản của mình. Hơn nữa, có lẽ họ cũng đã cảm thấy những làn sóng tuyệt vọng đang tràn ngập Điện Biên Phủ trước sự tiến công của Việt Minh.
Những đám mây đen nặng nề, hình thành từ những đám cháy do bom napalm tạo ra hoà nhập với những đám mây tự nhiên, toả khắp vùng trời thung lũng.
Buổi chiều, một cơn dông ập xuống, sấm chớp hoà trong những tiếng nổ của đạn pháo Việt Minh vẫn đang bắn phá không ngừng Điện Biên Phủ.
Hệ thống chiến hào của bộ đội Việt Minh tại Điện Biên Phủ có tầm vóc rất đáng kể và ảnh hưởng còn lớn hơn pháo binh |
Cuộc hoảng loạn tại cụm cứ điểm Anne Marie ở Bản Kéo đã bùng nổ như thế nào? Vào lúc nào? Trạng thái tinh thần binh lính ra sao tới mức toàn đơn vị đều bỏ chạy? Ngồi trong sở chỉ huy của mình, đại tá De Castries không phải lần đầu tiên chứng kiến tình trạng như vậy.
Tháng 5/1940, khi còn là trung úy, ông đã nhìn thấy tận mắt các sư đoàn trong trung đoàn của ông hoảng loạn như thế nào trước sự tiến công của quân Đức. Lúc này ông đang chỉ huy một đại đội kỵ binh được phân công bố trí phía sau sư đoàn. Đại đội của ông đã bị các xe tăng và xe bọc thép của Đức bao vây.
Trong nhiều ngày, cùng với các chiến binh trên mình ngựa ông đã chiến đấu chống lại những cuộc tiến công và chống cả sự tuyệt vọng. Nhưng rồi cuối cùng ông đã phải cầu may, vượt qua lưới bao vây của đối phương trở về các phòng tuyến của Pháp trước khi ký kết hiệp định ngừng bắn ít ngày.
Trước mắt mọi người, giờ đây ông vẫn phải cố giữ vẻ bình tĩnh. Nhưng khi ngồi một mình trong hầm chỉ huy, ông lại suy tưởng tới sự kiện ở Anne Marie. Nếu Việt Minh tiếp tục đà thắng lợi, từ phía bắc đánh xuống Anne Marie trong đêm nay thì cụm cứ điểm này sẽ tan biến. De Castries vốn không tin cậy tiểu đoàn lính Thái này (ông đã từng nói như vậy với Cogny).
Chính vì lẽ đó ông đã bố trí tiểu đoàn này ở cứ điểm Anne Marie tại Bản Kéo nằm ở phía sau Béatrice (Him Lam) và Gabrielle (đồi Độc Lập) nhưng bây giờ cả hai cụm cứ điểm Béatrice và Gabrielle đều đã bị mất, Anne Marie đang ở tuyến sau vụt trở thành tiền tuyến.
Ở mặt phía Đông, lính Angiêri và Marốc đang trên các cụm cứ điểm Dominique và Eliane, liệu có đẩy lùi được cuộc tiến công của Việt Minh, trong khi bộ đội Việt Minh chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã hoàn toàn tiêu diệt được Béatrice có lính lê dương đóng giữ?
Do thiếu quân, Pháp cho cả những lính chưa được đào tạo nhảy dù xuống Điện Biên, và gãy chân tay ngay khi chưa tham chiến |
Hiện chỉ còn lại hai tiểu đoàn bộ binh lê dương và hai tiểu đoàn dù lê dương đang đóng ở phần sau trung tâm. Liệu lực lượng này có thể cố thủ liều chết trong vinh dự, hay là cố chọc thủng vòng vây rút chạy, bỏ lại những binh sĩ bị thương và hàng ngàn tấn đạn dược?
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có vẻ đang sống trong những giờ phút cuối cùng. De Castries gửi điện báo cáo với tướng Cogny: “Có thể, chúng tôi sẽ bị đánh tan trong cuộc tiến công sắp tới”.
Cogny cũng nghĩ như vậy. Trước đó ông đã rất ngạc nhiên, cũng như tất cả mọi người chung quanh, khi được tin Béatrice chỉ chống cự được có vài giờ. Ông còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy pháo binh của Piroth không bắn trả có hiệu quả dù có những khẩu pháo cỡ 155 mm.
Tình hình đang nguy kịch và tướng Cogny dự tính sẽ phải nói những lời dè dặt, không huênh hoang như trước, để dự phòng cho những ngày sau. Tướng Cogny tuyên bố: “Từ nhiều tháng trước, tôi đã nhắc lại với tướng Navarre rằng Điện Biên Phủ là cái bẫy chuột”.
Chiều ngày 15/3, khi đi gặp Tổng tư lệnh Navarre, tướng Cogny mang theo trong túi bức điện của De Castries và nói:
- Castries không phải là người bi quan. Vì vậy phải tính trước sự quỵ đổ của Điện Biên Phủ nếu Việt Minh vẫn giữ cường độ tiến công và tiếp tục đánh trong đêm nay.
Navarre hỏi lại:
- Thế lực lượng tăng viện để đâu?
Cogny trả lời:
- Hôm nay, chúng tôi không thể tăng viện cho Điện Biên Phủ một người nào vì tất cả máy bay đều phải huy động để thả dù đạn dược đã tiêu phí rất nhiều trong những trận vừa qua. Nhưng, tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 đã sẵn sàng, có thể nhảy ngay xuống Điện Biên Phủ sáng mai, nếu…
Cogny không nói hết câu.
Trước khi vào Sài Gòn, tướng Navarre tự tay viết bức điện gửi chính phủ Pháp: “Tại Điện Biên Phủ, tình hình đã trở nên rất nguy kịch. Vòng vây của Việt Minh đang siết chặt chung quanh khu vực có các trung tâm đề kháng Claudine, Eliane, Dominique, Huguette và Anne Marie. Tôi có cảm giác Việt Minh sẽ mở cuộc tổng tiến công ngay trong đêm nay”.
Khoảng lặng giữa chiến dịch
Cũng trong giờ phút này các tiểu đoàn Việt Minh, chưa xuất trận và đang hăng hái, bắt đầu từ những đỉnh núi tiến xuống thung lũng lòng chảo.
Một trung đoàn đưa các đại đội đi đầu tiến sát dãy đồi hình trăng lưỡi liềm là nơi đặt cụm cứ điểm Anne Marie có lính Thái đóng giữ. Lính trinh sát của cứ điểm Dominique 2 phát hiện sự vận chuyển và tập trung của Việt Minh trong những thung lũng có nhiều bụi rậm ở mặt Đông Nam.
Tiếp tế bằng đường hàng không cho lính Pháp tại Điện Biên |
5h chiều, pháo bắn thẳng, pháo không giật và súng cối của Việt Minh bắt đầu chuẩn bị trước khi bộ binh xung phong vào cứ điểm Dominique 2. Lính Angiêri đóng giữ quả đồi này nghĩ rằng cuộc chống cự của họ cũng sẽ vô ích như những người anh em của họ đã bị tiêu diệt tại Gabrielle.
Tất cả binh lính Điện Biên Phủ đều chuẩn bị chiến đấu, lính dù, lính lê dương, lính Angiêri, lính Marốc đã sẵn sàng tại các vị trí phòng ngự.
Những tổ tuần tiễu và báo động được lệnh đi ra ngoài cứ điểm để phát hiện địch. Cho tới khi trời tối hẳn, mọi người vẫn không biết tướng Giáp đã cho ngừng việc tiến công liên tục. Có thể lúc này, tướng Giáp đang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Sáng 16/3, thi hài các vị trung tá pháo binh Pháp chết trận đã được chôn cất tại một góc nào đó mà sau này không ai còn nhớ nữa. Các đội tuần tiễu và báo động không gặp đối phương đã quay trở lại căn cứ. Trên trời cao, những chiếc máy bay đầu tiên đang thả dù tăng viện. Khoảng 11h đơn vị dù đầu tiên đặt chân tới bãi Simone ở phía Nam trung tâm và phía Bắc cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm).
Những đại đội thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 do Bigeard chỉ huy đã tiếp đất, đang đi bộ tiến về phía sau núi có đặt cứ điểm Eliane 1 và bắt đầu đào công sự, xây dựng một cứ điểm mới, đặt tên là Eliane 4.
Các pháo thủ cũng được bổ sung quân số. Đó là những lính pháo binh thuộc trung đoàn pháo binh nhẹ đổ bộ đường không đưa từ Tây Nguyên tới. Mới cách đây 48 tiếng, trung đoàn pháo binh nhảy dù số 35 này đang còn tham dự chiến dịch khác có tên Atlante.
Bác sĩ Grauwin cũng không bi quan lắm như số binh sĩ bị thương. Ông vừa nhận được một trạm phẫu thuật dã chiến với đầy đủ các thiết bị, dĩ nhiên chỉ thiếu các nữ y tá. Ngoài ra, một số máy bay lên thẳng từ Mường Sài tới đã hạ xuống một mẩu đất vuông ngay bên cạnh bệnh viện, mang đi sáu thương binh trong tổng số 150 người bị thương. Chả bõ bèn gì, nhưng dù sao cũng để lại chút hy vọng cho người còn lại.
Bầu trời cũng đã quang đãng. Sức nóng của mặt trời cộng với gió đã quét sạch những đám mây đen từ những đám cháy vì ném bom napalm.
Ngày 16 tháng 3, không thấy Việt Minh tiếp tục tiến công, tinh thần mọi người tại Điện Biên Phủ mới đầu phức tạp, dễ tan vỡ như pha lê nay đã cô động và cứng rắn không còn nghe thấy những tiếng kêu “Việt Minh đến đấy” như thời kỳ trước ở Béatrice.
Tối nay, mặc dù pháo Việt Minh vẫn còn bắn tiêu hao, những người lính Pháp gặp nhau trong các chiến hào, tuy dáng đi chậm chạp, cặp mắt chú ý quan sát, nhưng những thớ thịt dưới cằm đã rắn chắc.
Đêm nay và cả ngày mai, có thể những lính Thái thuộc tiểu đoàn 3 đóng ở Anne Marie sẽ bỏ chạy hết… “Mặc xác chúng! Cứ để cho chúng đi!”. Những người lính Pháp ở Điện Biên Phủ đã nghĩ như vậy.
Dù sao, Điện Biên Phủ cũng không còn là một trung tâm để đánh rộng ra khắp vùng như tướng Cogny tưởng tượng; cũng không còn là căn cứ lục - không quân bảo vệ cho kinh đô Lào Luang Prabang như tướng Navarre nghĩ. Cái thành trì pháo đài bị vây hãm cũng không còn là màu cờ của thế giới tự do như Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles cố làm mọi người tin tưởng.
Quân Pháp có sức mạnh vượt trội về không quân |
Cuộc chiến tại Điện Biên Phủ đã trở thành một lời giải thích kín đáo giữa hai phía Việt và Pháp. Với người lính Việt Minh đó là những người không chịu khuất phục. Đối với phía Pháp, đó là những người lính thuộc mọi chủng tộc, những lính lê dương đủ mọi quốc tịch những lính dù của mọi tỉnh thành nước Pháp, sát cánh chung quanh một địa điểm mà đôi lúc họ đã quên và chỉ còn là sự tiêu biểu cho kỷ niệm của bổn phận đè nặng lên họ…
Sự vây ép chậm chạp đè nặng thêm từng giờ
Những ngày trong hai tuần cuối tháng 3 trôi đi tương tự như nhau. Những bản báo cáo gửi về Hà Nội đều ghi: “Đêm yên tĩnh. Pháo bắn tiêu hao”. Những buổi sáng nhiều sương mù có thể coi như những giờ ngừng bắn. Đó cũng là giờ thay phiên những cả gác đêm.
Những pháo thử bọc vải vào nòng súng và những lính bộ binh rời cứ điểm đi ra sông tàm. Một đoàn tuần tiễu có xe tăng dẫn đầu tung đầy bụi, tiến về cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) ở phía Nam phân khu Trung tâm.
Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu đã hút hết những giọt sương trắng trên cánh đồng và trong thung lũng, cũng là lúc hai bên giáp mặt. Những quả đạn 105 đầu tiên, bắn để thông nòng pháo bao giờ cũng rơi chung quanh ăng-ten các sở chỉ huy.
Từ trong hố ngụy trang kỹ không sao nhìn thấy được, một khẩu súng máy Việt Minh đặt trên một đỉnh đồi nhả hai, ba loạt đạn vào một lính gác đãng trí trên cụm Eliane. Những đội nhặt dù trên bãi thả cũng là mục tiêu nhằm bắn của khẩu pháo 75 của Việt Minh.
Lính Pháp đã có thói quen ăn cơm trưa từ sớm. Các bếp ăn của đơn vị tiểu đoàn đã ngừng hoạt động. Từng người tự nấu ăn lấy. Thông thường vẫn là gạo nấu thành cơm, trộn lẫn với thức ăn trong đồ hộp khẩu phần cá nhân.
Một máy bay Pháp bị cao xạ bắn rơi |
Bóng đêm ập xuống sau khi trận bắn phá cuối cùng chấm dứt vài phút. Những trận bắn pháo này thường bắt đầu lúc 17h chiều, kéo dài suốt một giờ, nhằm vào các vị trí pháo của Pháp. Trong bản báo cáo hồi 17h30 phút gửi về Hà Nội, đại úy Drouin, sĩ quan Ban 3 (tác chiến) thường viết:
“Pháo bắn tập trung vào phân khu Trung tâm 1”. Các cứ điểm vành ngoài lập tức náu mình sau những lớp rào dây kẽm gai sau khi đã cử các tổ “báo động ban đêm” ra ngoài sục sạo phát hiện đối phương.
Những tổ báo động này được gọi là những cái “chuông”. Mỗi chuông báo động gồm ít nhất ba người và một cái chăn. Khi bóng tối đã vừa đủ che khuất, họ luồn ra ngoài hàng rào rồi mò mẫm đi trong đêm tối, cố tranh thủ một quả đạn pháo vừa nổ hoặc một tia chớp để định hướng. Tiếp đó, họ chọn một bãi đất trống, một bụi cây, một hố đạn pháo, một cái rãnh, một góc bờ làm vị trí quan sát.
Họ ngồi nép sát vào nhau, cùng khoác chung một chiếc chăn, chỉ để một người luân phiên nghe ngóng, phát hiện những tiếng động nguy hiểm, mở to mắt nhìn những bóng đen khả nghi lay động trong ánh sáng của đàn đom đóm.
Khi đôi tai đã nhức nhối vì nghe những bước chân của các tiểu đoàn hành quân, cặp mắt mỏi như vì quan sát những hình bóng vận chuyển, sắp nhíu lại, người gác thứ nhất liền đánh thức người thứ hai dậy rồi ngủ gục bên khẩu súng trường vẫn cầm chắc trong tay.
Có nhiều cách báo động. Thông thường nhất là dùng dây điện thoại vừa đi vừa rải nối liền từ vị trí đặt “chuông” đến căn cứ ở phía sau. Đó là phương tiện bảo đảm bí mật nhất.
Khi nào nói thì chùm chăn kín đầu, báo cáo về sở chỉ huy:
- Chuông đặt ở núi Hói phát hiện có tiếng động khả nghi từ phía Tây Nam thung lũng. Đề nghị cử trinh sát đi thăm dò cách vị trí 400m.
Đôi khi, từ tiếng chuông báo về nghe thấy cả tiếng nổ của các loại vũ khí. Thông thường sự cố này xảy ra rất nhanh, chỉ có vài loạt đạn và một hoặc hai tiếng nổ của lựu đạn. Sĩ quan trực chiến liền báo cáo ngay với chỉ huy cứ điểm.
Người ta không bao giờ cho quân đi cứu một tổ báo động. Nếu sớm hôm sau, tổ này trở về căn cứ thì càng tốt. Nếu không thì ghi trong báo cáo: “Chuông báo động trên núi Hói bị mất tích”. Chuông đã làm tròn nhiệm vụ, đã kêu khi tiếp xúc với đối phương.
Trong những ngày này, không điều gì có thể làm cho thế giới bên ngoài đoán được sự vây ép chậm chạp từng giờ đè nặng lên tập đoàn cứ điểm.
Nỗi sợ của không quân Pháp
Bóp nghẹt Điện Biên Phủ xuất phát từ nguyên tắc “tiến chắc, đánh chắc” của tướng Giáp. Mục đích của ông là dần dần tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công. Để nhằm mục đích này ông đã áp dụng hai hình thức tác chiến khác nhau hoặc hai chiến thuật.
Thứ nhất là, làm cho đối phương suy nhược bằng cách cản trở tiếp tế và cắt đứt mọi đường ra, vào.
Thứ hai là, siết chặt bao vây các cứ điểm bằng việc cấu trúc trận địa chiến hào cổ điển nhưng phát triển sáng tạo để có thể tiến sát các vị trí đối phương nhất.
Phi trường Mường Thanh bị hỏa lực Việt Minh bắn tan nát |
Chỗ yếu nhất của Điện Biên Phủ rõ ràng là đường băng sân bay, nơi tiếp nhận lương thực, đạn dược, thuốc men và cũng là con đường duy nhất có thể đưa lính bị thương về các bệnh viện Hà Nội cứu chữa.
Từ ngày 13/3 tức là ngày Việt Minh đặt được những khẩu pháo 105 trong các hầm pháo khoét vào sườn núi, không một chiếc máy bay nào dám liều chết hạ cánh vì rất dễ tan xác. Tướng Giáp đã đánh vào cái dạ dầy mềm của Điện Biên Phủ.
Trong những giờ đầu tiên của trận đánh, các máy bay vận tải đã từ chối hạ cánh. Những chiếc Dakota và C119 mới đầu thả dù xuống đám ruộng phía Đông con đường dẫn đi Isabelle (Hồng Cúm) rồi sau đó mới dám thả dù xuống thẳng trung tâm cứ điểm.
Để "bóp chết" các cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ, dĩ nhiên Việt Minh phải tính đến chuyện ngăn chặn thả dù tiếp tế. Trung đoàn phòng không của Việt Minh tại Điện Biên Phủ có hàng trăm súng trọng liên 12,7 mm và pháo 37mm có tầm bắn cao tới 3000m.
Những cỗ pháo này được bố trí tại các vị trí xa tầm bắn của pháo binh Pháp, tại các hầm được ngụy trang kỹ vây quanh thung lũng lòng chảo. Ngay trong những ngày đầu tiên đã có một số máy bay bị bắn hạ, buộc các phi công phải bay cao hơn một cách thận trọng và do đó việc thả dù tiếp tế không thật chính xác, không rơi đúng các địa điểm ấn định.
Trong giai đoạn cuối của chiến dịch, lực lượng phòng không của Việt Minh được tăng cường gấp bốn lần khi mới bắt đầu nổ súng.
Nếu sự tăng viện được tiến hành bằng cách nhảy dù và thả các kiện hàng tiếp tế thì các binh lính bị thương lại không thể đi theo con đường đó được Máy bay có cánh cố định hoặc máy bay lên thẳng chỉ có thể hạ cánh được vài phút rồi lại phải bốc lên để kịp tránh đạn pháo của Việt Minh. Ngay từ những ngày đầu tiên vấn đề thương binh đã trở thành cực kỳ quan trọng.
Từ ngày 19/3, Bộ tư lệnh không quân Đông Dương đã cho phép thử hạ cánh ban đêm xuống sân bay Điện Biên Phủ. Đêm hôm đó, thời tiết tốt, trời quang, trăng tròn soi rõ đường băng.
Những chiếc Dakota tắt hết đèn để các pháo thủ cao xạ Việt Minh không nhìn thấy đã hạ cánh xuống sân bay được năm chuyến. Từ hôm đó, Bộ tư lệnh không quân quyết định, máy bay Dakota sẽ hạ cánh ban đêm, máy bay lên thẳng sẽ đáp xuống ban ngày tại sân bay Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, những đêm sau, nhiều chiếc Dakota vẫn bị bắn.
Lính Pháp cố thủ trong những công sự chật hẹp |
Cao xạ Việt Minh đã dò theo tiếng động cơ của máy bay để nổ súng. Nhưng đến ngày 5/4 thì đường băng và sân bay đều bị phá hoại, không một hoại máy bay nào có thể đáp xuống được nữa.
“Vũ khí” mạnh hơn cả pháo binh
Trong khi đó, những công việc đào hào của Việt Minh vẫn tiếp tục. Việc bao vây cứ điểm không còn là chuyện gay go lắm nữa, bởi vì rừng và núi cũng đã là những chướng ngại vật thiên nhiên mà quân Pháp khó vượt qua được nếu tháo chạy. Còn việc đào hào là một phương thức chiến thuật tiến công phù hợp với những điều kiện của trận đánh.
Hệ thống chiến hào của Việt Minh tại Điện Biên Phủ có tầm vóc rất đáng kể và ảnh hưởng của nó nhất định còn lớn hơn pháo binh. Để vô hiệu hoá hai chủ bài của Pháp là xe thiết giáp và máy bay, để tự bảo vệ chống lại xung lực và hoả lực, bộ binh Việt Minh từ lâu đã có thói quen náu mình trong những chiến hào.
Tại Điện Biên Phủ có những hệ thống hào giao thông và hào tiếp cận cùng với những chiến hào xuất phát xung phong. Những chiến hào này, cùng với nhiều công sự khác đã trở thành một loại vũ khí tiến công, một loại công cụ tiến đánh các thành lũy từ thời Trung Cổ.
Ngay trong quân đội Pháp những nguyên tắc đào hào bao vây được biên soạn từ trước năm 1911, tức trước khi bùng nổ chiến tranh thế giới thứ nhất, đã ghi rõ:
1/ Lấn dần trận địa, làm cho bên phòng ngự mất dần khả năng tăng viện về người và vật chất.
2/ Thiết lập, trước khi tiến công chính diện, một cụm pháo đủ mạnh để phá hủy hoặc tiêu diệt các phương tiện chiến đấu và các hầm trú ẩn của bên phòng ngự.
3/ Tuần tự nhịp theo sự phá hoại và hủy diệt bằng pháo binh đặt trong trận địa chiến hào, cho bộ binh tiến lên từng bước, mỗi bước tiến là một bước thiết lập các chiến hào ngày càng sát gần vị trí đối phương, để phòng thủ và bảo vệ lực lượng của mình.
4/ Sau khi đã hình thành thế trận vững chắc trên toàn trận địa tiến công, sẽ chuyển sang giai đoạn xung phong, tiến công quyết định.
Hàng chục ngàn dân công đang được Việt Minh huy động để thiết lập mạng lưới chiến hào rộng lớn tại Điện Biên Phủ.
Bộ đội xung phong diệt cứ điểm Pháp |
Hai chiến hào lớn mà tướng Giáp gọi là “đường hào trục” từ phía Bắc tiến xuống, đã ôm lấy phân khu Trung tâm ở mặt Đông và Tây, đồng thời cô lập phân khu này với cụm cứ điểm Isabelle ở phía Nam.
Trục thứ nhất tiến từ bản Him Lam dưới chân cứ điểm Béatrice. Một nhánh của trục hào giao thông này vượt qua sông Nậm Rốm đi về phía Dominique 4 và đường băng sân bay. Những nhánh nhỏ hơn, gọi là hào “chân rết” như rất nhiều chiếc với bạch tuộc từ chân đồi leo lên tận các cứ điểm đặt trên những điểm cao, ngược sườn núi lên đến tận đỉnh. Trong khi đó trục chính của giao thông hào tiếp tục lấn dần xuống phía Nam.
Trục thứ hai tạo thành một đường cánh cung rộng trên những cánh đồng phía Tây rồi ngoặt xuống phía Nam tới khu Trung tâm và cụm cứ điểm Isabelle, và cũng toả nhiều với bạch tuộc ôm lấy các cụm cứ điểm Huguette và Claudine.
Khoảng nửa đêm 21 rạng ngày 22/3, hai đường hào trục này của Việt Minh đã nối liền với nhau. Hồi 7h30 sáng 22/3, một đội tuần tiễu của Isabelle đã phát hiện thấy một nhánh đường hào ngăn cản đường tiến quân của Pháp từ cụm cứ điểm Isabelle tới bản Kho Lai.
Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương được lệnh cử một lực lượng có ba xe tăng yểm trợ tiến ra lấp hào. Đường hào của Việt Minh rất vững chắc. Thêm một tiểu đoàn nữa cũng có xe tăng yểm trợ, được huy động tiến ra chặn địch ở phía Bắc. Một trận giao chiến giữa lính lê dương với bộ đội Việt Minh đã diễn ra suốt gần một ngày, mãi tới 16h mới chấm dứt.
Nhưng đến sáng hôm sau và cả nhiều buổi sáng tiếp theo mỗi lần thức dậy lính trên đồn lại phát hiện thấy chiến hào Việt Minh đào trong đêm đang nhích lên các vị trí của mình. Pháo lại bắn, máy bay lại ném bom, xe tăng lại yểm trợ cho bộ binh tiến ra lấp hào.
Mặc dù vậy, chiến hào cửa Việt Minh vẫn lấn dần, uy hiếp các vị trí Pháp nhất là ở mặt phía Tây. Có những đoạn hào chỉ cách trung tâm cứ điểm 1.500m, tại đó Việt Minh đã đào hầm hố để đặt súng phòng không được ngụy trang rất kỹ.
Đây là những công sự kiên cố và bí mật, pháo binh và máy bay không thể nào tiêu diệt được. Đêm tối, từ những địa điểm này, cao xạ Việt Minh vẫn bắn lên những máy bay Pháp tới thả dù tăng viện cho Điện Biên Phủ.
Một “chiến công” tưởng tượng
Ngày 27/3, Castries cho gọi Bigeard tới, ra lệnh:
- Anh dẫn một tiểu đoàn lê dương và xe tăng yểm trợ. Tôi sẽ cho toàn bộ pháo binh chi viện và đề nghị Hà Nội cho máy bay ném bom ồ ạt. Tôi muốn anh sẽ dập được các vị trí pháo cao xạ Việt Minh đang làm cho chúng ta không sống nổi.
Hồi đó, Bruno Bigeard đã là một sĩ quan có uy tín được binh sĩ tuyệt đối phục tùng. Ông quyết định chỉ trong một nháy mắt, chỉ huy chỉ bằng một khẩu lệnh, lôi cuốn đơn vị chỉ do một cử chỉ. Nhận được lệnh của đại tá Castries, đại úy Bruno Bigeard lập tức chạy ngay về đơn vị.
Tướng De Castrie trong hầm chỉ huy |
Đêm hôm đó, Bigeard triệu tập các sĩ quan chỉ huy, các tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng đại đội xe tăng, chỉ huy pháo binh và viên phi công điều hành mặt đất. Cuộc họp rất ngắn. Bigeard vẫn có thói quen chỉ nói những điểm thiết yếu.
Ông truyền đạt lại những mệnh lệnh của cấp trên, lấy tay ra hiệu hoặc chỉ trên bản đồ. Nhiệm vụ là dập các khẩu pháo cao xạ Việt Minh đặt ở bản Ong Pet và bản Nậm Bố. Đối phương có hầm hào vững chắc. Địa hình bằng phẳng. Tóm lại để hoàn thành nhiệm vụ, phải thọc sâu, tiến nhanh đằng sau lưới lửa pháo bắn yểm trợ như giã giò.
Vừa nói câu đó, Bigeard vừa nhìn viên chỉ huy pháo binh đang hí hoáy ghi chép. Bigeard nắm chặt tay đập xuống như kiểu thợ rèn đập búa, nhịp với câu “giã giò” rồi nói tiếp: “Vậy là, phải nã pháo cả gói. Không cần bắn lâu. Nhưng phải bắn dày đặc.
Anh hiểu không? Tốt. Lúc lui quân cũng bắn như thế. Tất cả sẽ theo lệnh tôi. Tiến thật nhanh theo sau đạn pháo và bom yểm trợ của máy bay. Mọi người đã rõ cả chứ? Bây giờ, nghe phân công: Đại đội 6 đánh bản Nậm Bố, đại đội 8 đánh bản Ong Pet, tiểu đoàn dù lê dương làm dự bị chờ lệnh của tôi”.
Bigeard dùng ngón tay chỉ vào bản đồ: vị trí xuất phát, các đường tiến quân, mục tiêu tiến đánh, rồi kết luận: “Đúng 5h30 chuẩn bị xong. 6h xuất phát”.
Sáng sớm hôm sau giữa lúc tất cả các nòng pháo đều nhả đạn và máy bay cùng đến với mặt trời mọc trút bom xuống các trận địa tiến công, các trung úy dưới quyền chỉ huy của Bigeard dẫn các đại đội của mình bám sát hàng rào lửa bằng đạn pháo và bom.
Sương mù, khói và bụi che lấp mục tiêu. Binh lính chỉ còn cách ước lượng theo tầm bắn phá. Để lấy đà xung phong, họ tính toán trước khoảng cách, máy điện đàm, sẵn sàng xông lên khi có lệnh. Bigeard lần lượt gọi tên từng đại đội trưởng, như muốn nắm chặt tay từng sĩ quan chỉ huy dưới quyền.
Chiếc đồng hồ đeo tay chỉ đúng 6h. Cuộc bắn phá ngừng bặt. Bigeard hô to: “Tiến lên”.
Các đơn vị dưới quyền chỉ huy của Bruno Bigeard đã phải mất bảy hoặc tám giờ giao tranh với đối phương. Khoảng sau buổi trưa, Bigeard ra lệnh rút lui.
Các máy bay lại gầm rú bổ nhào xuống ném bom bắn phá các bản làng đã bị thiêu cháy, lính Pháp phải chạy về căn cứ, mang theo các đồng đội bị chết và những binh lính bị thương đang đau đớn.
Buổi tối hôm đó, Castries báo cáo có tới “nhiều bộ đội Việt Minh bị chết, mười khẩu pháo cao xạ, mười lăm khẩu súng phòng không bị phá hủy”. Có điều, đúng trong lúc các đơn vị được cử đi tiến công đang phải rút chạy trở về thì chiếc máy bay cuối cùng trên đường băng sân bay Điện Biên Phủ đã bị pháo Việt Minh bắn trúng, bốc cháy trên đường băng. Những ngày sau, pháo cao xạ Việt Minh vẫn tiếp tục hoạt động bắn lên các máy bay Pháp.
(Còn tiếp)