Đầu năm 2018, bà Phụng bất ngờ gặp tai nạn tử vong, để lại khối di sản một số nhà đất. Hai tháng sau khi bạn gái mất, ông Tiến đâm đơn kiện chính người con ngoài giá thú của mình và những người thừa kế của bạn gái, đòi chia đôi tài sản bà Phụng để lại.
Hai cấp tòa nhận định ông Tiến vi phạm điều cấm Luật Hôn nhân và Gia đình, bác yêu cầu của ông Tiến đòi công nhận quan hệ hôn nhân thực tế. Tòa cũng nhận định không có chứng cứ thể hiện việc ông Tiến có tài sản chung với bạn gái. Thế nhưng, tòa vẫn tuyên cho ông Tiến được hưởng 20% giá trị tài sản của bạn gái.
Phán quyết này bị đánh giá vừa không có căn cứ pháp lý, vừa thiếu thực tế. Bị đơn đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xem xét giám đốc thẩm vụ kiện. TAND Cấp cao đã có văn bản yêu cầu và mới đây, TAND tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ cho TAND Cấp cao.
Trong thời gian này, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện có các quyết định THA với bản án. Phía bị đơn cho hay đã có ý kiến đến một số lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng, Ban Chỉ đạo THADS huyện Dầu Tiếng, đề nghị: Vụ kiện đã được TAND Cấp cao có ý kiến, và TAND tỉnh đã chuyển hồ sơ lên TAND Cấp cao để xem xét ra quyết định giám đốc thẩm; vì vậy đề nghị có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng lùi lại thời hạn.
Bất thường sau đó xảy ra khi sáng ngày 8/3, theo bà Uyên, có một người tự xưng công an tên Bình được một dân phòng dẫn đến gặp bà. Người tự xưng công an này nói là “công an huyện đi xác minh về vụ thi hành án sắp diễn ra”. Nhưng người này không xuất trình bất cứ giấy tờ nào về việc được phân công, giao nhiệm vụ đến làm việc. Tôi càng khó hiểu là anh này đến Công ty Hồng Phi để tìm tôi, trong khi nhà tôi có địa chỉ ở nơi khác”, bà Uyên nói.
“Người tự xưng công an này mời tôi làm việc, tiến hành lập biên bản. Quá bất ngờ nên tôi gọi cho con gái. Qua điện thoại, khi con gái tôi hỏi “anh đến có việc gì?” thì anh ta tự giới thiệu là “cảnh sát hỗ trợ tư pháp thuộc Công an huyện Dầu Tiếng, đến để “xác minh là bà Uyên có nhận được các quyết định, thông báo thi hành án hay chưa? Xác minh ủy quyền của những người khác cho bà Uyên và ý kiến của bên phải thi hành án về buổi làm việc sắp tới”, bà Uyên kể.
Theo bà Uyên, khi bà đề nghị đưa giấy tờ tùy thân ra thì người này nghe điện thoại của ai đó và ra về mà không đưa biên bản để bà ký. “Anh ta hẹn chiều quay lại lấy giấy ủy quyền của tôi nhưng không thấy đâu”, bà Uyên kể.
LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) giải thích: “Trong vụ án dân sự, kể cả việc THADS, cảnh sát hỗ trợ tư pháp không có bất cứ chức năng, nhiệm vụ nào. Nếu người đàn ông đó tự xưng là cảnh sát hỗ trợ tư pháp và xuống làm việc với đương sự là trái quy định pháp luật, cần phải điều tra làm rõ động cơ, mục đích, đó là ai. Cơ quan công an chỉ có nhiệm vụ trong THADS khi có trong thành phần của quyết định thành lập hội đồng cưỡng chế tài sản. Tuy nhiên, giai đoạn này chưa phải là giai đoạn cưỡng chế tài sản. Tôi cho rằng đây là sự việc rất bất thường, đó có thể là đối tượng giả danh. Còn nếu đó là công an thật thì đã lạm quyền, phải xử lý nghiêm”.
Quy trình THADS được LS Thanh nêu như sau: “Sau khi có đơn đề nghị THA, cơ quan THA ra quyết định THA. Trường hợp của vụ án trên, trước tiên bên phải THA tự nguyện giao nộp tài sản để THA. Cơ quan THA sẽ ra văn bản trả lời có đồng ý việc giao nộp tài sản hay không? Nếu đồng ý thì thực hiện việc kê biên, định giá tài sản tiến hành bán đấu giá. Nếu tài sản không đủ thì tiếp tục kê biên thêm tài sản khác và tiến hành bán đấu giá. Nếu không đồng ý thì nêu lý do”.
“Việc tự nguyện giao nộp tài sản THA phải được ưu tiên giải quyết trước. Theo luật, phải trả lời đương sự về việc chấp nhận hay không chấp nhận sự tự nguyện của họ trước; sau đó cơ quan THA mới tự quyết định tài sản nào sẽ THA”.