"Trời đất như sụp xuống trong tích tắc. Sắt thép đè tức ngực, cánh tay đau như bị cắt lìa, tôi lịm đi", ông Phạm Thanh Phú (44 tuổi, quê Vĩnh Long) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trảng Bom nhớ lại khoảnh khắc bức tường cao 12 m, dài 109 m đổ sập xuống. Ngồi trên giường bệnh với đầy vết thương ở đầu, tay trái bị gãy, ông Phú thi thoảng nhìn sang hỏi han vợ Lê Thị Tuyết Linh (41 tuổi) mặt mày bị trầy xước.
Chiều 14/5, vợ chồng ông làm việc gần giữa bức tường, trên giàn giáo. Ông trát tường, vợ phụ hồ. Họ nói cười giữa tiết trời nóng bức. Bà nhớ rằng vụ tai nạn xảy ra rất nhanh, không kịp phản ứng gì và họ may mắn vì bức tường không sập về phía giàn giáo. "Giàn giáo được gá vào tường nên không bị gạch đè, vì thế chúng tôi được sống", bà Linh nói.
Khi bị vùi dưới đống đổ nát, không cử động được, bà Linh hoảng loạn. Hy vọng sống được thắp lên khi bà nghe đồng nghiệp, cứu hộ gọi cách đó vài chục mét, rồi tiến lại thật gần và thúc giục tháo dỡ giàn giáo. Cả hai được cứu ra cùng lúc. Gọi không thấy chồng trả lời, bà Linh chỉ còn biết cầu nguyện. "Khi tỉnh dậy ở phòng cấp cứu, thấy chồng nằm cạnh đó đã cử động được, tôi mừng ứa nước mắt", bà Linh nhớ lại.
Ông Phú lên Đồng Nai làm thợ hồ được chừng hai tháng, tiền công 400 nghìn đồng mỗi ngày. Mười ngày trước, nghe cai thầu bảo cần người phụ hồ mức lương 290 nghìn đồng mỗi ngày, ông gọi về bà Linh hôm sau đưa hai con thuê nhà trọ ở làm cùng. "Vì ở quê không làm gì ra tiền, hơn nữa có vợ con bên cạnh mỗi ngày bảo bọc nhau, cùng cơm nước vừa vui, mà đỡ tốn kém", ông Phú nói. Điều ông kỳ vọng nhất là chấn thương có thể hồi phục để theo đuổi công việc, còn không sẽ phải chịu "cảnh dắt díu vợ con về quê".
Ngồi chăm vợ cách hai giường bệnh, quần áo còn bám đầy bụi vữa, ông Võ Văn Bắc (45 tuổi, quê An Giang) cho biết, đang hì hục đào đất xây hố ga sát bức tường, bỗng gió mạnh nổi lên, xoáy mù mịt. Ông cứ nghĩ bình thường vì mọi ngày nơi này có vài trận gió to rồi dứt nhanh. Sau tiếng gạch và giàn giáo đổ ào ào, ông vứt xẻng chạy được vài mét thì bức tường đã trùm lên. "May mắn chạy tới vị trí có thanh đà bêtông cản bức tường nên tôi thoát chết", ông nói.
Ông Bắc mô tả khoảnh khắc đó "thật khủng khiếp", người bị tường đè "chỉ còn lòi đầu". Những người thoát nạn cùng hô hào đào bới đống đổ nát, vừa khóc, vừa cầm điện thoại gọi cảnh sát cứu hộ. Hai chân ông Bắc dường như không bước nổi vì gọi mãi vợ Đặng Thị Suốt (44 tuổi) không trả lời. Sau một hồi trấn tĩnh, ông được đồng nghiệp trợ giúp tìm được nơi vợ bị nạn, rồi dốc hết sức lực đào bới. "Dỡ hết đống sắt, gạch đá, tôi thấy vợ nằm bất động. Hai chân bị giàn giáo đè máu chảy nhiều", ông kể.
Đặt vợ ở bãi đất trống chờ xe cứu thương tới, ông tất tả chạy đi tìm cứu cô họ Trương Thị Lan Thanh (51 tuổi) bị nạn cách đó vài chục mét. Bà Thanh gương mặt bị bầm dập, sưng vù, tay chân chi chít vết thương, trong khi chồng bà may mắn không gặp nạn.
Hai gia đình ông Bắc, bà Thanh rủ nhau lên Đồng Nai làm việc nhiều tháng nay, khi khô hạn khiến đất vườn không thể canh tác. Họ đến làm tại công trình xây nhà xưởng Công ty AV Healthcare (Hàn Quốc, chuyên sản xuất băng vệ sinh, tã lót, bình sữa...) chừng 10 ngày, sau thời gian nghỉ dịch bệnh. "Qua tai nạn này sợ quá rồi, ít bữa tụi tui cho hai bả dắt con về quê sống", ông Bắc dự tính.
Đứng theo dõi công tác cứu hộ, anh Bùi Chí Cường, quê Cà Mau, công nhân làm việc tại đây vẫn không hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh tượng xảy ra chỉ cách mình 5 m. Lúc đó hàng chục công nhân làm ở nhiều khu vực, với nhiều công đoạn khác nhau. Cường phụ hồ, vừa mới đi ra khỏi khu vực chừng 10 phút. Đột nhiên, anh nghe tiếng động mạnh, nhìn qua thì thấy tường "sập kéo dài như domino", theo hướng gió từ ngoài đường vào trong công ty. "Bụi bay mịt mù, không thấy gì hết, chỉ nghe tiếng la hét kêu cứu. Tôi cùng một số người sau đó chạy lại, dùng tay đào bới, đưa được 4-5 người ra ngoài", anh Cường kể.
Tối qua, cảnh u buồn tại nhà xác Bệnh viện đa khoa Đồng Nai bao trùm lên những người lao động miền Tây. Cùng rủ nhau lên làm hồ, xóm nghèo ở huyện Thới Bình, Cà Mau cùng chờ nhau để đưa thi thể ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi) và anh Nguyễn Văn Điệp (37 tuổi) về quê.
Vẻ mặt mệt mỏi ngồi trên xe để đưa chồng về nhà, bà Sương (55 tuổi) khóc nghẹn khi chứng kiến cảnh ông Cường bị hàng tấn đất đá đè lên sau khi bức tường bị sập. Bà kể quê nhà hạn mặn nhiều tháng nay, việc nuôi trồng thủy hải sản gặp nhiều khó khăn. Hai tháng trước, hai vợ chồng dắt díu nhau lên Đồng Nai thuê trọ, làm phụ hồ tại Khu công nghiệp Giang Điền.
Hàng ngày, ông Cường phụ trách gác giàn giáo, còn người phụ nữ 60 tuổi phụ trộn hồ. Bức tường cao đang tô vữa nên giàn giáo cũng được dựng cao hơn giúp thợ hồ làm việc. "Đã đến giờ nghỉ, tôi kêu chồng xuống uống nước mà ổng bảo để gác tấm ván cuối cho thợ nó xây. Ai ngờ, chỉ chừng 3 phút là bức tường sập đổ, ông rơi xuống đất bị gạch đá đè lên", bà Sương kể.
Bà bình thường cũng đưa vữa đến cho thợ xây sát bức tường, dưới chân giàn giáo nhưng lúc ấy vừa đi ra xa chừng 2 m, nghe tiếng la hét bà liền tháo chạy. "Lúc quay lại không thấy chồng đâu, tôi cùng anh em đào bới mới tìm thấy ổng nhưng không cứu được", bà Sương nghẹn giọng.
Cùng đi chuyến xe với bà Sương là thân nhân gia đình anh Điệp. Lễ 30/4 vừa qua, thấy tôm thiệt hại nặng, không có tiền nên Điệp bỏ lại vợ và hai con nhỏ theo bạn bè lên Đồng Nai kiếm việc. Anh vừa mới làm phụ hồ tại công trình được hai tuần.
Chị Quách Thu Anh (40 tuổi), dì vợ của Điệp hốt hoảng khi nghe cháu gái báo tin chồng mất liền chạy từ Bình Dương qua. Bà Anh cho biết, Điệp hiền lành, ít nói, chịu khó làm ăn. "Chủ nhật vừa rồi nó qua Bình Dương khoe có việc làm ổn định, dự định nhận tháng lương đầu tiên sẽ gửi về cho vợ trả nợ, trang trải cuộc sống, thế mà ai ngờ", bà Anh nói. Quẹt nước mắt, bà Anh cùng bạn bè, hàng xóm gom góp ít tiền để thuê xe đưa Điệp về quê hương. Chuyến xe chở những nạn nhân vụ sập tường đi về trong đêm, hun hút, nặng trĩu của người tha phương.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, 15 người đang điều trị tại viện Trảng Bom, Thống Nhất trong tình trạng bị thương phần mềm, gãy xương sườn, xương đòn, gãy tay... ổn định, không ảnh hưởng đến tính mạng.
Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn lao động, đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó giám đốc Công an Đồng Nai cho biết, theo điều tra ban đầu, trước khi xảy ra vụ sập tường có 60-70 công nhân đang làm việc tại công trình. 8 người chết tại chỗ và 2 người không qua khỏi tại bệnh viện, trong đó có một nữ. Các nạn nhân đa số quê miền Tây.
Có 35 người thoát nạn, không bị thương trong vụ tai nạn đã được cơ quan chức năng phỏng vấn trực tiếp để lấy lời khai, phục vụ công tác điều tra. Đối chiếu với số lượng công nhân làm việc tại công trình xây dựng này, tổng số người thoát nạn, bị thương, tử vong khá khớp nên đến 19h15 cùng ngày, lực lượng cứu hộ tạm ngưng công tác tìm kiếm.