Diện kiến chủ mỏ người Trung Quốc tại “rốn” vàng Quảng Nam

(PLO) - Được giới thiệu là người quen, nhưng cuộc gặp giữa phóng viên và chủ - tớ bãi vàng vẫn như một trận chiến, nhất là khi vệ sĩ của chủ bãi kiêm tổng quản trông coi 40 phu vàng là một võ sĩ Thiếu Lâm có hạng, luôn kè kè sau lưng.
Tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với 120 doanh nghiệp khai thác khoáng sản phía Nam, ông Nguyễn Văn Thuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đặt câu hỏi: Trung Quốc có rất nhiều mỏ, nhưng tại sao các doanh nghiệp Trung Quốc lại chán không làm mà tràn sang Việt Nam? Thực - hư ra sao tại rốn vàng Quảng Nam? Phóng viên đã ghé vào một bãi vàng do người Trung Quốc làm chủ. 
“Tổng hành dinh” trên sườn núi
Từ thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn), chúng tôi ngược lên vùng núi Quảng Nam bằng quốc lộ 14E, đến huyện Hiệp Đức, một vùng bán sơn địa. Nơi đây, từ nhiều năm trước, giấc mơ vàng đã nhuốm màu trên đất đai, cây cỏ và con người. Đi qua thị trấn Tân An, ngay trên quốc lộ lại rẽ vào một con đường be đất đỏ vào bãi vàng. Về danh nghĩa, đây là bãi khai thác được chính quyền cấp phép nhưng người đứng tên giấy phép đã “bán” lại cho người khác sau mấy năm đào đãi không kiếm được bao nhiêu. Leo dốc chừng nửa cây số là đến cổng vào bãi, có chốt canh, biển cấm và barie ngăn xe. 
Đón chúng tôi là một bầy chó hơn chục con, lao vào gầm rú. Thêm vài cuộc điện thoại mới có hai thanh niên ra dẹp chó, để mọi người có thể bước vào “vùng cấm”. Đi thêm một cây số nữa, qua các lán trại, hầm lò mới đến “tổng hành dinh” của bãi vàng. Chủ bãi, một người đàn ông trung niên, dáng vóc to cao nhưng gọn ghẽ, săn chắc, bước nhanh từ lán chỉ huy ở lưng chừng núi xuống đón khách. Ông tên S., người Quảng Đông (Trung Quốc), khoảng 45 tuổi. 
Vẻ e dè ban đầu giữa chủ và khách được xóa nhanh vì chúng tôi được giới thiệu là người thân quen, nhưng thái độ cảnh giác không vơi chút nào. Như bao bãi vàng khác ở vùng núi, rừng bị đào bới lỗ chỗ, nhìn từ trên cao, đất đỏ, vàng đùn ra như hang chuột, dòng suối ở chân núi, chảy từ các khe, đục ngầu, hôi thối. 
Cái lán trung tâm khá rộng, có bếp ăn, một cô gái trẻ người ở thị trấn được giới thiệu là kế toán, thủ quỹ kiêm đầu bếp. Bên cạnh, leo chừng ba chục bước chân là lán ngủ của chủ bãi. Luôn đi sát sau lưng ông S. là một người đàn ông khoảng 35 tuổi, dáng người nhanh nhẹn, cẩn trọng và kín miệng. Ông tên Sơn, người Tam Kỳ, một võ sĩ Thiếu Lâm có hạng, được ông S. thuê lên đây. Ở bãi vàng này, ông Sơn là tổng quản, trông coi các khâu và theo dõi khoảng 40 phu mỏ đào đãi.
Kiếp chủ - tớ
Phải đánh lạc hướng mãi và nhân lúc Sơn về thị trấn mua rượu đãi khách, chúng tôi mới có cơ hội mục sở thị bãi vàng. Tại một cửa miệng hầm lưng chừng đồi, năm công nhân đang hì hục kéo đất đá và quặng lên mặt đất. Gọi là hầm nhưng giống như cái giếng, một thợ đào vàng cho chúng tôi hay: 
“Căn hầm này sâu khoảng 100m”. Ở phía gần miệng hầm thẳng đứng, sâu hút xuống độ chừng 15m thì hầm không còn dốc đứng, chia làm mấy nhánh ngang, dọc dưới lòng đất. Muốn xuống hầm, phải đu dây, thả tời. Trong nhóm luân phiên, cứ hai người nhảy xuống đào chừng khoảng một tiếng thì ngoi lên, ở trên dùng tời kéo đất đá. Tại một điểm khác là nơi lọc quặng, bên cạnh gần chục công nhân là một dãy sàng chạy ầm ầm, nước và hóa chất phun thẳng xuống khe. 
Mỗi lần xuống hầm thẳng đứng, sâu hút, phu vàng phải đu dây, thả tời.
Mỗi lần xuống hầm thẳng đứng, sâu hút, phu vàng phải đu dây, thả tời.
Thợ đào vàng, gần như không có người địa phương, ông S. thuê từ Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh phía Bắc vào đây làm công ăn lương. Mỗi tháng, ngoài tiền ăn, uống, hút, mỗi người được trả 3 triệu đồng. Thọ, một công nhân trẻ thỉnh thoảng lại ôm ngực ho khan. Năm nay 25 tuổi, quê ở Nghệ An, cậu ta vừa đầu quân cho bãi vàng chưa đầy nửa năm. Nửa tháng trước, một lần chủ quan, dây đứt, cậu rơi xuống giếng khi đang trèo lên. May mà không làm sao, chỉ phần lưng bị nội thương vì rơi trúng cục đá. Những cơn ho khan bắt đầu sau cú ngã ấy. Nhìn những nhóm thợ cặm cụi đào bới, ai cũng một màu da ngai ngái, môi xám xịt. 
Ngoài tiền ăn, uống, hút, mỗi phu vàng được trả 3 triệu đồng/tháng. Họ sống trong những lán trại tạm bợ, lụp xụp.
Ngoài tiền ăn, uống, hút, mỗi phu vàng được trả 3 triệu đồng/tháng. Họ sống trong những lán trại tạm bợ, lụp xụp.
Bữa rượu trưa dọn ra, một nồi cơm khổng lồ, một bọc thịt kho và chừng 10 lít rượu cho sáu con người. Như để thử khách, ông S. không cho ai ăn trước, rượu rót ra bát ăn cơm thay ly. Sáu con người ở trần, đánh vật với can rượu, hết bát này đến bát khác. Cả hai phía đều muốn “khai thác” nhau nên bữa ăn trở thành cuộc đấu, nhất là khi uống được nửa chừng, chủ - tớ bãi vàng bước ra giữa nhà đứng tấn, thay nhau biểu diễn công phu. 
Ông S. đã có mặt ở Việt Nam từ gần hai chục năm trước. Trải qua đủ thứ nghề, lúc đầu đi mua gom sản vật trên biển Đông, chủ yếu là cá mú tươi sống. Ban đầu làm mướn, sau có tiền tự sắm thuyền bè, chạy trên những vùng biển Hoàng Sa của người Việt đánh bắt hải sản, ông vừa mua cá, vừa bán cho ngư dân nước đá, xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác cho ngư dân. Loại cá mú này rất đắt, ông mua gom rồi bán cho mối xuất sang Hồng Kông. Sau này cá ít đi, ông bỏ lên bờ, vào Chợ Lớn (TP.HCM) đi buôn vải vóc. Và bây giờ, chuyển qua nghề đào vàng. 
Mỏ vàng này, ông S. mua lại từ một công ty của người Việt. Tuy nhiên, sau gần hai năm đào bới, trữ lượng vàng ở đây thấp. Điều này đồng nghĩa với việc thua lỗ. Tuy vẫn kín miệng nhưng hồi giữa năm ngoái, ông S. thông báo đã bỏ bãi vàng đang khai thác. Dù không hé miệng sẽ làm gì tiếp, nhưng chúng tôi biết chắc ông chưa hề từ bỏ “giấc mộng vàng”. 
Khai thác vàng, nhưng bán… “lúa non”
Theo thông tin từ ông Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ riêng phía Bắc đã có khoảng 60% doanh nghiệp bán mỏ khai thác tài nguyên khoáng sản cho doanh nhân Trung Quốc, dưới nhiều hình thức như: hợp tác, núp bóng, bán giấy phép chui… Mang thông tin này hỏi một cán bộ quản lý chuyên ngành của tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được vị này cho biết có nghe tình trạng người Trung Quốc tham gia khai thác vàng nhưng con số cụ thể bao nhiêu, ở đâu… thì không rõ. 
Một thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động khai thác, sau đó bán giấy phép theo kiểu bán “lúa non”, dù ai cũng biết việc bán chác là vi phạm Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, ngay như những qui định về chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản trong luật vẫn còn không ít sơ hở và đầy bất cập. Điều dễ thấy, từ khâu cấp phép đến khâu giám sát thực hiện hình như đều bị buông lỏng. 
Với con số 60% giấy phép bị bán chui, có thể đặt nghi vấn sự không minh bạch khi các đối tượng được cấp phép không có năng lực về kinh tế, chuyên môn. Thành thử, sau khi có phép, chủ giấy phép phải nhanh chóng bán cho người ngoài, đó là cách hoàn vốn nhanh và dễ nhất. Đây là sự thật sống động đã và đang diễn ra tại bãi vàng của ông S. nhiều năm qua. 
(Còn tiếp)

Đọc thêm