Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông trong đó người ta đi lại, dạo chơi, chuyện trò, ong ong tiếng của số người gấp bội số ngày thường vốn đã đông như kiến. Việc họp chợ chẳng tốn kém gì, chỉ cần thời tiết tốt. Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải hoặc trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Ngày xưa, mặt phố tràn ngập người”.
Trong mô tả của những tác giả người nước ngoài miêu tả lại, Hà Nội thời gian cuối thế kỷ 19, ở buổi giao thời khi sắp chịu ách thực dân châu Âu, có một diện mạo vô cùng khác. PL4P xin biên soạn, giới thiệu loạt bài “Vẽ lại diện mạo Hà Nội cuối thế kỷ 19”.
Nằm ở phía Đông của Hà Nội, im lìm ngủ yên sau các tháp canh và pháo đài, là khu phố buôn bán, “khu cư dân đông đúc” theo cách nói của viên sĩ quan Pháp Rivière từng chỉ huy cuộc tấn công chiếm thành Hà Nội. Khu phố có dạng tam giác, đáy dựa vào bờ Bắc Hồ Hoàn Kiếm, một cạnh dựa vào sông Hồng và một cạnh dựa vào thành Hà Nội.
Điểm đặc biệt các cửa ô “bảo vệ”
“Khu phố khéo tay và đông đúc này phần nào giữ được vẻ đẹp xưa kia của nó với những đường phố quanh co lên xuống và vẻ cổ lỗ của những người thợ thủ công cúi mình bên công việc trong các cửa hàng. Trong thành phố này, mỗi thứ hàng có phố quy định riêng để bán, y hệt kiểu các công ty hay hợp tác xã ở các thành phố châu Âu”, một tác giả viết.
Quang cảnh hiện nay của các phố cổ Hà Nội khác rất xa quang cảnh cách đây hơn một thế kỷ. Bức tranh do những người nước ngoài phác họa Hà Nội là sự chật hẹp của các đường phố, sự bẩn thỉu, sự chen chúc, những khó khăn trong lưu thông.
|
Cảnh tổng quát khu phố cổ, hay Kẻ Chợ, thủ phủ của Bắc Kỳ |
Điểm làm Hà Nội cuối thế kỷ 19 khác biệt trước hết là ở những công trình bảo vệ. Đó là những tường vây hoặc các cổng chia cắt nhỏ các phố. Khu phố buôn bán được bảo vệ bằng nhiều cổng, trong đó sau này chỉ còn cổng Jean Dupuis (nay là cổng Ô Quan Chưởng). Cổng này có nguy cơ bị phá vào năm 1906 nhưng may mắn được Trường Viễn Đông Bác Cổ cứu thoát.
Theo ghi chép, cổng được xây dựng năm 1749 để phòng thủ kinh thành ở mặt sông Hồng trước sự nổi dậy của cuộc khởi nghĩa nông dân Nguyễn Hữu Cầu. Cổng có một cửa chính trên có tháp canh và hai cửa phụ ở hai bên, phía trên để trống nhưng có lan can trang trí. Trên tường cửa chính gắn một tấm bia đề năm Tự Đức thứ 34 (1882) cấm lính gác đòi tiền người qua lại.
Các cổng quay ra sông của khu phố thương mại nằm tại ngã tư Hàng Đậu - Duranton (nay là Nguyễn Thiếp), ở phố Hàng Chĩnh tại chỗ giao cắt phố Cờ Đen (nay là Mã Mây) và bến sông, ở phố Hàng Mắm tại chỗ giao cắt phố Thống chế Pétain (nay là Nguyễn Hữu Huân), ở phố Fellonneau (nay là Hàm Tử Quan) giao cắt đại lộ Đô đốc Courbet (nay là Lý Thái Tổ).
Các cổng trong khu phố buôn bán đã được mô tả nhiều lần, bác sĩ quân y Pháp Hocquard đưa ra những chi tiết đặc biệt quý về những cổng này: “Các phố Hà Nội hoàn toàn ngăn cách nhau bởi những chiếc cổng lớn choán hết chiều ngang phố và được đóng lại vào ban đêm. Hai bên cổng dán các thông báo của lính tuần và lệnh của tổng đốc”.
Cổng ngăn các phố với nhau và có cách đóng mở rất độc đáo: Một bức tường đá chạy ngang từ bên này sang bên kia phố. Trên bức tường đó trổ ra một chiếc cửa hình chữ nhật bao quanh bởi bốn thanh gỗ vững chắc đẽo vuông. Thanh trên và thanh dưới của chiếc khung đó khoét những lỗ cách đều nhau dùng để tra những thanh gỗ tròn thẳng đứng song song nhau. Các lỗ ở trên khá sâu để đầu dưới thoát ra lấy lối cho mọi người qua. Cách đóng mở cho phép mở to hay mở nhỏ tùy theo số gióng bị tháo ra.
Hai bên các cổng vào phố người Hoa được khoét lỗ châu mai giống như ở các tường thành. Các cổng này cực kỳ vững chắc và người ta bố trí ở phía trên một hành lang nhỏ cho người canh gác. Một khi các cổng này đóng lại thì không thể nào vào được các phố này.
Người ta còn giữ được những hình ảnh cũ về cổng Phố Hàng Gai và cổng phố Hàng Ngang (rue des Cantonnais). Cổng phố Hàng Gai chỉ là một chiếc cửa hình chữ nhật trổ ra từ một bức trang trí và đỡ hai chiếc cột. Cổng phố Hàng Ngang mang một tính cách nhất định của công trình kiến trúc. Ngoài một số cổng chính được xây dựng bằng vật liệu vững chắc, người ta cũng gặp những rào dậu đơn giản dựng trên các hành lang ngoài để phục vụ việc tuần canh.
Luật lạ không xây cửa sổ mặt trước
Sau này, cùng với việc dỡ bỏ những chiếc cổng rào cản trong nội đô, một việc đóng góp nhiều cho việc biến đổi cảnh quan khu phố buôn bán, là những tiến bộ thu được trong lĩnh vực đường xá. Sự chật hẹp và bảo trì kém của các đường phố làm cho lưu thông rất khó khăn. Tuy nhiên cần phân biệt giữa phố có người Hoa ở với phố có người Việt ở.
Phần lớn các phố người Hoa được lát ở giữa bằng các tấm đá thô. Vì thế có thể tới những phố này trong những ngày mưa. Những nhà này chỉ cao ngang mặt đường nên nước chảy ở hai bên thường làm ngập các gian thấp hai bên phố.
|
Không có một cái chợ có mái che, Hà Nội được người Pháp ví như “một cái chợ khổng lồ ngoài trời) |
Các phố còn lại thường không được lát đá. Chỉ hơi mưa một chút là đã ngập hàng tấc bùn, trong đó pha trộn đủ loại rác rưởi dân chúng vứt ra. Các căn nhà không bằng nhau được xây dựng theo những hàng khác nhau làm cho mặt phố lồi ra thụt vào.
Mi của những mái rạ rủ xuống quá thấp. Gian trông ra phố, nói chung chỉ là những chiếc khung di động gắn với phần trước nhà và được nâng lên nghiêng nghiêng vào ban ngày nhờ hai que chống. Hàng được bày bán dưới chiếc lều ứng biến đó với cả mưa lẫn nắng.
Hồi ký của R.Bonnal, trú sứ đầu tiên ở Hà Nôi, khẳng định tính chính xác của những mô tả trên: “Các phố, nói chung khá hẹp, được lát theo kiểu người Hoa, tức là chỉ lát phần giữa đường trên một chiều rộng khoảng một mét và những viên gạch lát vuông bằng đất nung phần lớn bị vỡ hoặc bong ra.
Cũng chính trong khu phố cổ, Pháp đã thành lập nhà in đầu tiên (ở phố Hàng Bông), trường học đầu tiên (ở phố Hàng Bè, sau đó ở phố Hàng Bồ). Nói chung, các nhà buôn lớn đều ở khu này. Tại đây họ có lợi thế là gần bến tàu hàng.
Theo một tài liệu “trong nhiều năm khu phố buôn bán là nơi duy nhất của thành phố có một địa điểm đủ lớn cho những cuộc tụ hội hoặc tiệc tùng. Địa điểm đó là đền Quảng Đông, ở nhà số 22 phố Hàng Buồm. Chính tại đây đã diễn ra bốn phiên họp đầu tiên của ủy ban nghiên cứu công thương nghiệp Bắc kỳ do Paul Bert thành lập năm 1886. Theo quy định, ngày 14/7 hàng năm có một bữa tiệc lớn tại đây. Nhiều bữa tiệc kèm theo khiêu vũ đã được tổ chức tại đây nhiều lần, nhất là bữa tiệc mừng tướng Munier vào tháng 8/1887. Nhân dịp này, tờ Tương lai Bắc kỳ mô tả quang cảnh huyền ảo của ngôi đền cổ được chiếu sáng “bằng 1200 ngọn đèn dầu, ngoài đuốc, đèn lồng và đèn chùm””.
Hai bên đường là những rãnh nước bẩn tù đọng. Ngoài ra, những mái hiên rạ che hàng hóa còn làm hẹp lối đi làm khách đi lại khó khăn và cáng hoặc người đi ngựa phải bì bõm trong bùn có chỗ sâu hơn 30cm”.
Paul Bourde, thông tin viên Thời báo (leTemps) ở Bắc kỳ năm 1883, thêm một chi tiết kỳ lạ về phố Hà Nội: “Theo nghi lễ An Nam, các phố cổ Hà Nội duy trì một diện mạo rất đặc biệt. Luật đặt vua quan cao hơn tất cả mọi người. Luật đó làm cho một người thiêng liêng đến độ chỉ cần nhìn vào người đó đã phạm tội.
Luật còn đi tới chỗ cấm trổ cửa sổ quay ra những phố trong hoàng thành vì một ngày nào đó con người thiêng liêng sẽ đi qua. Người ta không chỉ để mặt trước nhà không có cửa sổ, mà còn che chắn nó bằng những cái chái bán mái làm giảm độ rộng của mặt đường, chỉ còn lại một con đường nhỏ hẹp thắt nghẽn làm người ùn lại, đôi khi ngựa khó đi qua”.
Trên những con đường nhỏ hẹp gập ghềnh như vậy, sự náo nhiệt vốn đã rất lớn vào ngày thường lại càng lớn hơn vào những ngày phiên chợ. Trước khi người Pháp đến, Hà Nội không có chợ mái che, cũng không có nơi quy định để họp chợ.
“Cả thành phố biến thành một cái chợ mênh mông ở ngoài trời. Cứ sáu ngày lại có một phiên chợ Hà Nội. Lái buôn và thợ thủ công đủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán tơ lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm mũ tới phố Hàng Mũ, tóm lại, thợ gì thì tới phố dành cho thợ ấy.
Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông trong đó người ta đi lại, dạo chơi, chuyện trò, ong ong tiếng của số người gấp bội số ngày thường vốn đã đông như kiến. Việc họp chợ chẳng tốn kém gì, chỉ cần thời tiết tốt.
Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải hoặc trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Ngày xưa, mặt phố tràn ngập người”.
Nỗi sợ hãi của những tiểu thương
Điều lý thú là dòng người trong phiên chợ Hà Nội ngày xưa đã hiện ra và đập vào mắt Baron, một du khách người Anh ngay từ thế kỷ 17: “Thành phố Ca-Cho (thành phố chợ) là thủ phủ của Đàng Ngoài... Nó hơn nhiều thành phố khác về mặt dân số, đặc biệt vào ngày 1 và 15 âm lịch là những ngày phiên chợ chính khi dân các làng lân cận cùng với hàng hóa đổ tới đông không tưởng tượng được”.
|
Phố Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Đồng |
Cái chợ mênh mông giữa trời này chạy dài trong cái phố chính tới hai cây số. Trong ngày phiên chợ, không thể nào đi qua được các đường phố đó từ bảy giờ sáng tới hai giờ chiều. Để rẽ được đám đông dày đặc đó ít ra phải có một ông quan đi qua. Labarthe, người đã có một mô tả lớn về chợ Hà Nội trong thời kỳ lãnh sự, kết thúc như sau:
“Đột nhiên ở đầu phố, theo bước chân chạy đều của hai lính mặc quần áo đỏ và trong tiếng trống, người ta thấy dãn ra một lối đi. Ngay lập tức mọi tiếng động ngừng hẳn. Những người bán hoa quả, thịt lợn, hàng khô, thuốc tễ, đồ gốm, hàng cá... cùng với hàng hóa biến mất như có phép lạ. Mọi người chen nhau vào những nhà xung quanh. Những người không tìm được chỗ thì quỳ rạp xuống, hai tay chắp lại, đầu cúi gằm. Tất cả thể hiện sự khiếp sợ cùng cực.
Viên quan uể oải nằm dài trên võng theo bước chân chạy đều của phu khiêng. Người ta có thể thấy trên nét mặt ông ta sự ủ ê buồn phiền, một vẻ mặt vờ vịt và che giấu dường như tính cách riêng của những người cầm quyền. Viên quan đi qua rồi, chợ trở lại bình thường.
Chiều tối, khi đám đông đã giải tán, có thể nói phố như bị một đạo quân đi qua: Nền đất bị các bàn chân nhào trộn với hoa quả nát, cua c hư, mảnh chum vại vỡ. Giữa những thứ đó là những người nghèo khổ đang tìm kiếm những đồng tiền người mua bán có thể đánh rơi”.
Để dựng lại đầy đủ bức tranh của khu phố cổ cuối thế kỷ 19, cần điểm thêm những nét, may thay, ngày nay đã biến mất: “Những vũng nước hôi thối ở giữa những cụm nhà cộng thêm các băng cướp hình thành trong thời kỳ đói kém, bất chấp canh gác, thỉnh thoảng lại đốt cả một khu phố vào ban đêm để cướp phá...”.
Theo các tài liệu, diện mạo khu phố cổ sau đó thay đổi, có một phần từ nhà thám hiểm Jean Dupuis, người đã biến khu phố cổ từ tháng 12/1872 – 1/1874 thành trung tâm tiếp tế cho đoàn thám hiểm của ông ta.
Rời Hong Kong ngày 26/10/1872 với hai pháo hạm, một chiếc tàu hơi nước, một thuyền buồm lớn cùng 25 người châu Âu, 150 người châu Á và một lượng vũ khí đáng kể, Jean Dupuis bỏ neo ở Hà Nội ngày 22/12/1872. Sáng hôm sau, ông ta được các thương gia lớn người Hoa tiếp trong hội quán “Kouei-kuang” ở phố Hàng Buồm.
Để hai pháo hạm ở lại Hà Nội, ngày 18/1/1873 Jean Dupuis thực hiện chuyến đi Vân Nam đầu tiên. Ngày 30/4, ông ta quay về Hà Nội, được 150 người Hoa trong đội cận vệ đi theo hộ tống. Đó là những tay hoạt bát khỏe mạnh, trang bị súng trường chassepot (tên một loại súng do Chassepot sáng chế được quân đội Pháp dùng từ 1866 - 1874) và mặc đồng phục màu da cam nẹp nhung đen.
Cách trang phục này gây ấn tượng mạnh cho người Việt. Ngày 2/5/1873, Jean Dupuis bố trí cho số cận vệ này ở phố Thanh Hà (nay là Hàng Chiếu). Nhật ký hành trình của Jean Dupuis không nói rõ vị trí các ngôi nhà đã ở nhưng qua một số chi tiết cho phép xác định các ngôi nhà này nằm gần chỗ giao nhau phố Hàng Giày - Nguyễn Thiện Thuật.
|
Phố Huế |
Theo mô tả, “các ngôi nhà này nằm ở đầu một ngõ nhỏ thông với một phố song song với phố của chúng tôi và bị chúng tôi đóng lại vào ban đêm để tránh mọi bất ngờ”. Ngôi nhà chính nằm giữa phố Nguyễn Siêu và Ngõ Gạch. Nó chứa tạm 200.000 viên đạn, thuốc súng và hỏa pháo của đoàn thám hiểm vì trong phố khi đó có một con rạch, có thể chữa lửa nếu xảy ra những “âm mưu đốt kho súng”. Jean Dupuis dựng một vọng lâu khống chế tất cả các nhà cửa xung quanh. Ban đêm có hai người gác trên vọng lâu.
Ở đầu phố bị Jean Dupuis chiếm, phía ngoài chiếc cổng là bến tàu buôn. Đây chính là nơi Francis Garnier đổ bộ lên Hà Nội ngày 5/11/1873.
Đống đổ nát sau cuộc “quậy phá” quân Cờ Đen
Đội quân của Jean Dupuis đã phối hợp với Garnier trong việc chiếm thành Hà Nội và sau đó được trao nhiệm vụ tuần canh trong khu phố buôn bán. Jean Dupuis sau đó đi Sài Gòn ngày 20/1/1874, để lại phần lớn nhân viên và vật dụng. Các ngôi nhà của ông ta để cho Rheinart ở. Rheinart nguyên là thanh tra Vụ các vấn đề Bản xứ, được bổ nhiệm là Trú sứ Bắc kỳ.
Về mặt vật chất, thoạt đầu cơ sở để lại khá tốt. Ngày 21/3/1874, Rheinart viết: “Chúng tôi ở bốn căn nhà rưỡi. Số người được chia ra ở trong cửa sập hoặc thang tre. Tôi cho làm cầu thang. Các sàn khá tồi nhưng chúng tôi không sửa được. Một số người phải ở tầng trệt. Tôi mua một số giường cá nhân nhưng độ ẩm rất cao.
Nếu không phải chịu đựng độ ẩm đó thì thật là sướng. Khi nước cao chắc chắn những ngôi nhà như thế này sẽ bị ngập. Gần như năm nào nước cũng ngập khoảng ba tầng. Các sĩ quan cũng phải chịu cảnh tồi tệ, cứ hai sĩ quan một được một chiếc gác xép rộng mỗi chiều bốn mét được chiếu sáng bằng hai chiếc cửa sổ con”.
Về mặt tinh thần, đại diện của nước Pháp bị sợ hãi bởi những biểu hiện thù địch của viên kinh lược và vị thân vương tên là Tuyết (nguyên văn Prince Tuyet). Họ tập hợp khoảng mười hai nghìn người ở các cửa ô Hà Nội. Để đương đầu với nguy hiểm, Rheinart cho gọi từ Hải Phòng lên đơn vị của Dujardin có quân số 210 người.
Nhưng việc Testard tới Hải Phòng nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng Bắc kỳ đã buộc Rheinart phải trả đơn vị này về và chỉ giữ lại 40 người. Thật là thiếu thận trọng khi ở lại Hà Nội với một quân số hạn chế như vậy. Vì thế Rheinart phải quay về Hải Phòng ngày 21/5/1874. Mấy hôm sau, người và tàu của Dupuis cũng phải sợ hãi quay về Hải Phòng.
Những sự kiện năm 1883 dẫn tới những đảo lộn sâu sắc trong khu phố cổ, trong đó có việc quân Cờ Đen đốt khu phố vào tháng năm. Bức thư của tướng Bouet gửi thống đốc Nam kỳ cho biết tầm cỡ thảm họa: “Tới Hà Nội vào chiều ngày 15/6, tôi thấy thành phố trong tình trạng tan hoang. Tất cả cháy rụi, trừ một phần nhỏ của khu người Hoa. Chiều nào bọn cướp cũng tới cướp những thứ còn dùng được. Dân chúng hầu như bỏ đi hết và không ló mặt ra nữa”.
|
Bản đồ Hà Nội 1891 |
Sau khi quân Pháp vào cuộc can thiệp, tiểu thương quay trở về và những công trình sửa sang tu bổ lập tức được tiến hành. Trong hồi ký của trú sứ Hà Nội Raymond Bonnal, ông này đã kể lại các giai đoạn chính. Điều đặc biệt gay go cho nhiệm vụ của Bonnal là ông ta gần như không có một khoản tín dụng nào.
Ông bổ khuyết sự thiếu hụt đó bằng cách sử dụng các tù nhân có án nhẹ và nhân công do các trưởng phố cung cấp và buộc các chủ nhà phải làm rãnh và lát hè bằng gạch trước cửa nhà họ. Vật liệu để lát lòng đường phố, ông cho phá các ngôi nhà bị quân Cờ Đen đốt ở phố Thừa Sai (nay là phố Nhà Chung) và ven bờ Hồ Hoàn Kiếm để lấy.
Số gạch lấy từ các ngôi nhà này cho phép lát vững chắc 150 phố và ngõ của thành phố. Để mở rộng các phố, ông cho các chái lấn ra đường công cộng và bắt thu ngắn mái che và chỗ bày hàng hóa trước nhà.
Nhờ các hoạt động của Bonnal, chỉ cần một năm thành phố đã đứng dậy từ những đổ nát. Từ tháng 1/1885, một trong những số đầu tiên của tờ báo Tương lai Bắc kỳ ghi nhận: “Vì dân chúng kéo tới luôn luôn gia tăng, thành phố cũ được xây dựng lại trở nên quá nhỏ. Cả người châu Âu lẫn người bản xứ không tìm được chỗ ở nữa và hàng ngày có khoảng một hay hai nhà của người Việt được xây dựng. Việc sửa chữa và mở rộng các phố bắt đầu. Công tác làm sạch thành phố đang tiếp tục”.
Trong những năm tiếp theo, nhiều sự cải thiện mới được thực hiện trong đó đáng chú ý là việc xây dựng theo một quy định năm 1888, khiến Hà Nội không còn cảnh là “một cái chợ ngoài trời mênh mông”. Các chợ có mái che bắt đầu được xây ở phố Hàng Tre (nay không còn), phố Hàng Gạo (nay là chợ Đồng Xuân), phố Đường Thành (nay là chợ Hàng Da) và đại lộ Đồng Khánh (tại đầu phố Hàng Bài, hiện nay không còn).