Hoa Kỳ siết chặt quản lý mua bán ĐTDĐ
Ngày 24/01/2007, Tổng thống George W. Bush ký Mệnh lệnh hành chính số 13423, yêu cầu tất cả các bang áp dụng Tiêu chuẩn EPEAT đối với toàn bộ giao dịch mua bán hệ thống máy tính. Mệnh lệnh hành chính số 13423 đã tác động trực tiếp đến Quy định Mua sắm của Liên bang (F.A.R), trong đó hầu hết các thiết bị máy tính trên thị trường đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.
Đến năm 2018, Hội đồng Điện tử Xanh bổ sung thiết bị ĐTDĐ trong danh mục các thiết bị điện tử sẽ được kiểm nghiệm, chứng nhận tính bền vững của sản phẩm dựa trên Tiêu chuẩn UL110. Cùng năm, Tổng thống Donald Trump ký mệnh lệnh hành chính số 13834, trong đó ghi rằng: “Việc mua bán, sử dụng, thải bỏ các sản phẩm, dịch vụ điện tử (bao gồm cả thiết bị điện tử), tuân theo các quy định pháp luật về hàng hoá ưu tiên, Quy định Mua sắm của Liên bang và các chính sách mua sắm hiện hành khác của Liên bang”.
Theo đó, các giao dịch mua bán, thuê và cho thuê máy tính, ti vi, thiết bị hình ảnh, ĐTDĐ và bất kỳ sản phẩm điện tử nào khác đều phải đăng ký EPEAT (tức đạt hạng đồng trở lên) trước khi phát hành ra thị trường.
|
Tích EPEAT gồm Đồng, Bạc, Vàng |
Chính sách này đã tác động rất lớn đến các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng ĐTDĐ tại Mỹ. Theo đó có thể thấy các điều khoản như sau xuất hiện thường xuyên hơn trong các hợp đồng giữa các nhà cung cấp và nhà phân phối, tiêu dùng sản phẩm thiết bị điện tử.
Đó là: “Các nhà cung cấp không được đưa các sản phẩm chưa đăng ký EPEAT lên danh mục các mặt hàng mà khách hàng có thể mua thông qua hợp đồng này” hoặc “Các nhà cung cấp phải báo cáo hàng quý số lượng sản phẩm đã đăng ký EPEAT được mua theo hợp đồng này”. Nếu bên cung cấp vi phạm thoả thuận trên, điều này có thể được coi là một vi phạm cơ bản để huỷ hợp đồng vì hàng hoá không đảm bảo chất lượng.
Việc luật hoá tiêu chuẩn EPEAT nhằm phục vụ định hướng phát triển bền vững của chính phủ Hoa Kỳ đối với ngành công nghệ điện tử nói chung, lĩnh vực sản xuất ĐTDĐ nói riêng.
Xu hướng toàn cầu
Không chỉ ở Mỹ, ngành ĐTDĐ trên toàn cầu đã cam kết thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc từ năm 2016, trong đó có các mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm khí nhà kính, đảm bảo đa dạng sinh học…, theo báo cáo của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA). Với hơn 5 tỷ thuê bao và 7 tỷ người được bao phủ bởi mạng di động (số liệu năm 2018), ngành ĐTDĐ có trách nhiệm đóng góp và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy mục tiêu phát triển môi trường bền vững.
Cũng theo GSMA, mặc dù so với các lĩnh vực khác, ngành ĐTDĐ không phải là ngành đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải các-bon ra môi trường, nhưng ngành này có thể hỗ trợ các ngành kinh tế khác (ví như nông nghiệp, y tế, xây dựng hạ tầng…) tối ưu hoá năng lượng, giảm thiểu tác động lên môi trường.
Đơn cử là các ứng dụng trên điện thoại về quản lý giao thông thông minh, chiếu sáng đô thị thông minh, bãi đậu xe thông minh, hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà, làm việc từ xa, phân phối điện, theo dõi bệnh nhân từ xa, giám sát cây trồng từ xa….
Để thực hiện được điều này cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế của các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Đơn cử, chương trình “Dữ liệu lớn vì lợi ích xã hội” (BD4SG) của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy khả năng thu thập, tích hợp và lưu trữ các dữ liệu từ các nhà sản xuất và kinh doanh điện thoại di động nói chung thành một hệ thống lớn. Hệ thống này sẽ cập nhật thông tin cho chính phủ các nước nhằm giúp họ đưa ra các định hướng, chính sách, kế hoạch phù hợp, hiệu quả hơn.
|
Dữ liệu lớn vì lợi ích xã hội” (BD4SG) cung cấp thông tin cho các Chính phủ đưa ra quyết định của mình |
Bên cạnh đó, quỹ GSMA Mobile for Development (M4D) được lập ra nhằm huy động dòng tiền đầu tư vào các giải pháp công nghệ mới về ĐTDĐ trên toàn cầu có tính bền vững. Các nhà tài trợ hiện nay đang là Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Mastercard, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển, và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Ngoài ra, Chương trình đối thoại quốc gia của GSMA được hỗ trợ bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung & Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) đang kêu gọi sự quan tâm của các chính phủ tại các nước Uganda, Pakistan, Bangladesh and Ghana. Theo đó, chương trình này tạo ra một động lực tích cực cho các chính phủ, doanh nghiệp và người dân chung tay xây dựng một thị trường mua bán điện thoại di động xanh và bền vững.
Có tầm ảnh hưởng không kém, chương trình “We Care” kêu gọi các nhà sản xuất và kinh doanh điện thoại di động ở các quốc gia hợp lực để cung cấp và thực hiện các giải pháp có tác động tích cực đến môi trường và xã hội.
Theo đó, 64 doanh nghiệp kinh doanh di động trên 19 quốc gia ở Mỹ Latinh và Châu Phi đã cam kết cung cấp các giải pháp với chủ đề đa dạng như: hòa nhập kỹ thuật số, bảo vệ môi trường, ứng phó với thảm họa, quyền riêng tư, triển khai cơ sở hạ tầng và vấn nạn trộm cắp thiết bị di động….Các đại diện các chính phủ, các tổ chức và các cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc cũng được kêu gọi tham gia đóng góp ý kiến để có nhiều góc nhìn đa chiều, đa ngành.
ĐTDĐ xanh: Việt Nam còn băn khoăn?
Thời đại công nghệ số, ĐTDĐ trở nên phổ biến trên toàn cầu và trở thành vật bất ly thân của hầu hết người Việt Nam. Tại Việt Nam, số thuê bao di động năm 2017 là 124,7 triệu so với dân số 92,7 triệu người (theo Tổng cục Thống kê Việt Nam). Theo National Media Habits Survey (tạm dịch: Khảo sát về thói quen truyền thông quốc gia) được thực hiện bởi Kantar Media vào năm 2016, hầu hết các hộ gia đình đều sở hữu ít nhất một chiếc ĐTDĐ.
|
Chương trình đối thoại quốc gia ở Urganda |
Dù vậy, khái niệm ĐTDĐ bền vững vẫn còn tương đối mới trong nước ta. Nếu nói về nỗ lực hướng tới một thị trường ĐTDĐ bền vững, có thể kể tới công ty Vsmart đã đưa ra và áp dụng một số sáng kiến “xanh hoá” sản phẩm ĐTDĐ của mình.
Ví như, phát động chiến dịch thu hồi điện thoại cũ hỏng, thay thế bao bì bằng vật liệu thân thiệt với môi trường, tăng cường vật liệu thay thế trong quy trình sản xuất… Tuy nhiên, những ví dụ như vậy vẫn chưa nhiều trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Thiết nghĩ, để thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững cần nỗ lực chung của toàn xã hội, trong đó chính phủ có vai trò “đầu tàu” trong việc đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình phát triển thực tế của xã hội. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định pháp lý cụ thể nào quy định, hướng dẫn về sự phát triển bền vững của ngành ĐTDĐ trong nước. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là bài toán nan giải cho các nhà làm luật của Việt Nam trong tương lai gần nhất.