Điện thoại và smartphone

(PLO) -Tất nhiên, smartphone là điện thoại di động (ĐTDĐ) nhưng người viết bài này đặt tiêu đề bài báo như thế để nói cả loại điện thoại “cục gạch”. ĐTDĐ là phương tiện thông tin liên lạc thiết yếu, ngày càng phổ cập. Nhưng dùng ĐTDĐ không đúng cách nhiều khi (và thực tế đã, đang và sẽ) gây ra thảm họa.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trở lại với câu chuyện “hết hồn” chiếc xe khách Thanh Hóa lao thẳng đường ray trưa 19/8/2018 thì đúng là kinh hãi. Theo Công an huyện Hà Trung, vào khoảng 12h30 trưa 19/8, xe khách BKS 36B-022.97 do lái xe Lê Văn Phi (SN 1974, trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) lái trên QL1A theo hướng Bắc - Nam. Khi đi đến km 301 - khu vực ngã ba giao nhau giữa đường sắt và QL 217 thì tài xế cúi xuống nghe ĐTDĐ. Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu hai nhân viên gác chắn tàu hỏa hôm ấy không phản xạ kịp thời.

Đáng tiếc, vụ này không phải là duy nhất. Đáng tiếc, tai nạn giao thông đường bộ do lái xe ngủ gật, nghe  (ĐTDĐ) đã và đang xảy ra đe dọa tính mạng và tài sản của hành khách.

Tại hội thảo công bố nghiên cứu ảnh hưởng của việc sử dụng ĐTDĐ trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông gần đây, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức đã thực hiện quan sát trên 210.000 người điều khiển phương tiện có hành vi sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe tại 9 địa điểm tại TP HCM và Bình Dương. Kết quả cho thấy, hình thức sử dụng phổ biến là gọi và nhắn tin. Đối tượng điều khiển xe đạp điện có tỷ lệ sử dụng (ĐTDĐ đặc biệt cao, gấp khoảng 32-38 lần so với tỷ lệ vi phạm ở đối tượng đi xe máy và xe đạp.

Trong những người sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện thì chỉ có khoảng 6% dừng hẳn xe vào lề đường, 33% chuyển vào làn giáp lề và đi chậm lại, còn khoảng 61% vẫn giữ tốc độ xe chạy như các xe khác trên đường. Kinh không? 

Theo nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên Cứu Giao thông vận tải Việt Đức, tỷ lệ người được hỏi bị TNGT  trong 2 năm qua chiếm khoảng 24%, trong đó sử dụng ĐTDĐ trong khi điều khiển phương tiện đóng góp 6-8% tổng số vụ TNGT. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện hàng ngày cao nhất rơi vào nhóm đối tượng lái xe tải (50%), tiếp đến là nhóm đối tượng lái xe con (39%), nhóm lái xe khách/xe buýt (37%) và thấp nhất là nhóm đối tượng lái xe máy (8%).

Hàng ngày đi trên đường phố Hà Nội, không khó nhận ra người điều khiển phương tiện thản nhiên vừa đi vừa nghe ĐTDĐ. Thậm chí, nhiều nam thanh, nữ tú vừa diễu xe trên phố bằng một tay, tay kia nhắn tin “sành điệu”.

Nói về luật pháp, hiện nay Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) lại chưa cấm sử dụng ĐTDĐ trên ôtô mà mới chỉ cấm với người đi xe máy, nhưng với người sử dụng xe máy cũng chẳng bị “tuýt còi” bao giờ. Trông chờ vào “văn hóa giao thông” thì có lẽ trăm năm nữa may ra mới hình thành, trông chờ vào ý thức của từng người thì còn đang như trên đã nói.

Làm sao bây giờ? Không thể không hoàn thiện quy định pháp luật, hạ tầng kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục và kiểm tra giám sát, cưỡng chế thực thi.