Điệp khúc “không biết”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Điệp khúc "không biết" lại cất lên trong vụ việc khó tin khi bệnh nhân thiết lập "động bay lắc" truy hoan trụy lạc, tàng trữ và buôn bán ma túy ngay trong phòng bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. 
Bệnh nhân lập "động bay lắc" nhưng ban lãnh đạo bệnh viện Tâm thần Trung ương I khẳng định không biết.
Bệnh nhân lập "động bay lắc" nhưng ban lãnh đạo bệnh viện Tâm thần Trung ương I khẳng định không biết.

Cả Ban Giám đốc Bệnh viện, cả người phụ trách khoa, trong giải trình bằng miệng hay báo cáo bằng văn bản đều cho rằng mình "không biết" và thậm chí, ông Giám đốc còn khẳng định: "Nếu tôi biết, tình trạng này đã không xảy ra!".

Điệp khúc này đã trở nên quá quen thuộc trong các trường hợp cơ quan, đơn vị hoặc trong ngành mình phụ trách xảy ra những sai phạm lớn nhỏ nhưng người đứng đầu nói rằng mình "không biết" hoặc quan liêu hơn, khó nghe hơn: "Chưa nghe cấp dưới báo cáo".

Việc thuộc phạm vi mình quản lý, có trách nhiệm buộc phải biết mà không biết thì đó chính là sự vô trách nhiệm và anh phải chịu trách nhiệm về việc đó, thế mà, sự vô trách nhiệm này lại thể hiện bằng chính phát ngôn "không biết" của mình thì là sự thể hiện vô trách nhiệm đến vô cùng.

Trong đại dịch Covid, lợi dụng việc mua sắm thiết bị y tế cho phòng chống bệnh và trong lúc cả nước phải căng mình ra chống dịch thì nhiều cán bộ y tế đã thông đồng "thổi giá" thiết bị, chỉ một "phi vụ" làm ăn đã tham nhũng hàng tỷ đồng. Thế mà, khi dư luận tỏ ý nghi ngờ, khi bị chất vấn bởi cơ quan quyền lực nhà nước, các vị có trách nhiệm trả lời là "không biết", thậm chí "nhà thầu tôi còn chưa biết mặt họ" rồi "tiền chưa trả một đồng nào" và ra sức bao biện cho sự vô can của mình.

Có vị Giám đốc Sở Y tế của tỉnh nọ còn khóc trước cử tọa của Hội nghị chứng minh cho sự oan uổng của mình. Để chạy tội, đơn vị bán hàng còn ngỏ ý rất thiện chí là "tặng" máy, không lấy tiền cho cơ sở y tế. Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ vụ tham nhũng nghiêm trọng, vi phạm pháp luật và xâm hại đạo lý thì sự "không biết" kia mới trở thành "có biết", thậm chí người “không biết” lại là thủ phạm chính của việc "thổi giá" này!

Ở một phương diện khác của "không biết", không ít lần, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vai trò giám sát của các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ này. Những câu hỏi của phần nhức nhối đặt ra nhưng dường như chưa có câu trả lời xác đáng hoặc không trả lời.

Ví dụ, "Hội đồng nhân dân là cơ quan giám sát mà trong địa phương mình để xảy ra nhiều sai phạm nhưng không biết là sao?". Sai phạm xảy ra, có chuyện tày đình, người phụ trách "không biết", cơ quan giám sát càng "không biết" thì dĩ nhiên, sai phạm còn dài dài và khó chữa, chưa kể đến việc bao che sai phạm cho nhau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu của mình ở nhiều hội nghị thường nhấn mạnh đến việc cán bộ phải biết trọng liêm sỷ, biết xấu hổ, biết giữ gìn danh dự của gia đình, bản thân. Vậy, những người "không biết" kia có biết trọng liêm sỷ không và có biết đến văn hóa ứng xử không? Câu trả lời chắc chắn là "không"!