Điều chỉnh mức sinh để tránh tình trạng nghèo đẻ nhiều, giàu đẻ ít

(PLVN) -Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam do Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tê tổ chức ngày 11/11/2020 nhằm cung cấp thông tin về thành tựu của công tác dân số về quy mô dân số và mức sinh, cơ cấu và chất lượng dân số, đồng thời đưa ra những hạn chế và tồn tại, thách thức trong giai đoạn 2021-2030, đồng thời định hướng điều chỉnh mức sinh và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ trong thời gian tới.
Cân bằng mức sinh giữa các vùng miền là bài toán cần sớm có lời giải - ảnh minh họa

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được về chất lượng dân số, tuổi thọ trung bình, phân bố dân số… thì công tác DS- KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế như: mức sinh giữa các vùng miền còn chênh lệch đáng kể, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn nên công tác dân số cần chuyển hướng từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương…

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ cho biết, Cụ thể, có 33 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có mức sinh cao (mức sinh > 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số. Đây hầu hết là các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên.

21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (mức sinh < 2,0 con), chiếm 39% quy mô dân số. Tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng nói, mức sinh ở TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, lại ở nhóm thấp nhất cả nước (mức sinh: 1,39 con).

“Do đó cần vận động người dân ở vùng có mức sinh cao sinh ít con và sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp để tránh tình trạng chênh lệnh, nghèo đẻ nhiều, giàu đẻ ít”– ông Sơn nêu quan điểm. 

Cũng theo ông Sơn, tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam là 7,7% tức là cứ 100 cặp vợ chồng thì có 8 cặp vô sinh; 42/100 phụ nữ đã từng trải qua thủ thuật phá thai trong đời để lại hệ lụy như vô sinh, ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ và trẻ em...

Bên cạnh đó, do nguồn lực của chương trình DS-KHHGĐ sụt giảm, từ năm 2011 nhà nước không còn cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này còn hạn chế nên dẫn đến sự kém đa dạng sản phẩm tránh thai… khiến người dân không dễ tiếp cận trên thị trường phương tiện tránh thai hoặc tiếp cận nhưng không có nhiều sự lựa chọn về phương pháp sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mang thai ngoài ý muốn trở nên phổ biến, đẩy mức sinh tăng nhanh. 

Đọc thêm