Điều chỉnh quy hoạch nhìn từ một số dự án ở Hà Nội: Từ quy hoạch đất quốc phòng trở thành cao ốc như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mục đích sử dụng ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là “xây dựng văn phòng”. Thế nhưng sau một quá trình điều chỉnh nơi đây đã trở thành tòa nhà cao 25 tầng với chức năng hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và căn hộ.

Điều chỉnh “còn tùy tiện”

Tháng 10/2021, báo cáo của Chính phủ với Quốc hội, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, qua công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, báo cáo cho rằng: quy định pháp luật đã quy định chặt chẽ về điều kiện, nội dung và trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Tuy nhiên, trong triển khai thực tế, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời, nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo. Chưa làm rõ ảnh hưởng, tác động của việc điều chỉnh quy hoạch đến kinh tế - xã hội của địa phương, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung điều chỉnh quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc về đối tượng lấy ý kiến, nội dung ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư.

Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.

Ngoài ra, các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng… dẫn tới gia tăng dân số.

Tại một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm.

Với chức năng quản lý ngành, Bộ Xây dựng (qua văn bản số 4832/BXD-QHKT) cũng đã yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; rà soát, đánh giá và xử lý các quy hoạch bị điều chỉnh sai quy định; Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng và xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.

Qua thực tế tìm hiểu của PV PLVN cho thấy, mặc dù cho đến nay các quy định của pháp luật trong việc quy hoạch - điều chỉnh quy hoạch, đầu tư – điều chỉnh đầu tư, đất đai… đã khá đầy đủ và chặt chẽ, tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn những bất cập. Những tồn tại này dễ trở thành “kẻ hở”, tạo “cơ hội” trục lợi chính sách, dẫn đến phá vỡ quy hoạch và thất thoát ngân sách.

Do đó, loạt bài này nhằm góp thêm những góc nhìn thông qua thực tiễn quá trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ ở một số dự án đã và đang triển khai trên địa bàn TP.Hà Nội.

Thêm tầng, bổ sung căn hộ ở

Theo thông tin thu thập, về quy hoạch của khu đất này (thuộc khu Gò Ba xã, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), tại QĐ số 112/1999/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết Quận Thanh Xuân tỷ lệ 1/2000, khu đất nằm trong ô quy hoạch số 23, chức năng sử dụng đất được xác định là đất quốc phòng và giao thông khu vực.

Tới năm 2005, HTX Thành Công có các văn bản xin thuê đất để triển khai hoạt động kinh doanh, xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất.

Ngày 4/6/2008, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi 2.758m2 đất (chủ yếu là đất nông nghiệp do UBND phường quản lý, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng sản xuất nông nghiệp) với mục đích cho HTX Thành Công thuê để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Văn phòng làm việc và trụ sở giao dịch, theo dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư 01121000100 ngày 5/11/2007.

Đáng lưu ý, mặc dù quyết định này nêu rõ: “Sau 12 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa, nếu HTX Thành Công không sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư và sử dụng đất không đúng nội dung thì Giám đốc Sở TN&MT trình UBND TP quyết định thu hồi đất đã giao” thế nhưng cho đến năm 2014, hiện trạng khu đất mới chỉ có một phần được sử dụng làm nhà xưởng và nhà sàn.

Cũng năm này, UBND TP Hà Nội có QĐ số 4021 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất, từ chức năng văn phòng làm việc sang chức năng văn phòng, dịch vụ thương mại kết hợp phòng ở tập thể thay ca và khách đến giao dịch với Hợp tác xã. Tới ngày 14/3/2016, Hà Nội có QĐ số 1219/QĐ-UBND Quyết định Chủ trương đầu tư dự án Tòa nhà hợp tác xã Thành Công. Tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành quý III/2019.

Điều đáng nói, tại quyết định điều chỉnh cục bộ chức năng khu đất và quyết định chủ trương đầu tư nói trên đều nêu rõ công trình tại khu đất này “chỉ ở tạm trú, không làm nhà ở cố định và căn hộ”.

Thế nhưng, 2 năm sau, ngày 04/10/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Hùng (người mới bị kỷ luật vào tháng 10/2021) lại ký quyết định số 5295/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Theo đó, mục tiêu dự án từ dịch vụ, văn phòng, ở thay ca, nhà bếp, ăn tập thể đã biến thành dịch vụ thương mại, văn phòng, nhà ở và nhà trẻ với 117 căn hộ ở từ tầng 13-25, dân số 300 người; từ tầng 5-12 là văn phòng “có lưu trú”.

Không chỉ thay đổi chức năng khu đất, số tầng cao của công trình cũng được “gia tăng” từ 14 tầng (1 tầng hầm) lên 25 tầng (3 tầng hầm). Mật độ xây dựng tăng từ 46,8% lên xấp xỉ 50%. Trong khi đó, diện tích đất cây xanh thì lại vô cùng “tí hon” chỉ có vỏn vẹn 25m2.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm