Để sở hữu tên gọi “Đào Nhật Tân” hay nói theo cách mà bà con làng Nhật Tân thường gọi là “đào xịn”, người trồng nó phải thực hiện và hoàn thành một bộ tiêu chí hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật cũng như điều kiện thổ nhưỡng.
Hoa đào Nhật Tân phải có màu đỏ thắm, nhụy vàng, mỗi bông có từ 16 cánh hoa trở lên... |
Đào chuẩn: 16 cánh/bông
“Bộ tiêu chí’ này được HTX Nông nghiệp Nhật Tân ban hành từ năm 2006 quy định tiêu chuẩn sản phẩm hoa đào được gắn nhãn hiệu “Hoa đào Nhật Tân”. Theo đó, đã là đào Nhật Tân phải trồng trên đất Nhật Tân mới đảm bảo độ thắm sắc của hoa.
Tuy nhiên, không phải cây nào trồng trên đất Nhật Tân đều được gắn loại tem đảm bảo chất lượng này. Chỉ những cây đáp ứng được những tiêu chí hết sức ngặt nghèo mới được gắn tem.
Đó là, hoa phải có màu đỏ thắm, nhụy vàng, mỗi bông có từ 16 cánh hoa trở lên, đường kính ngoài tối thiểu 2cm, cánh hoa dày; nụ hoa mập, được phân bố đều trên dăm; trên đầu dăm có lộc (chồi), tỷ lệ số dăm có lộc phải đạt 15-20%.
Quy ước nói trên được tất cả các xã viên của HTX (khoảng hơn 700 hộ ) cam kết thực hiện.
Để thực hiện quy ước một cách hiệu quả, nghiêm túc, HTX Nhật Tân có hẳn một ban kiểm soát nội bộ, theo dõi việc trồng, chăm bón cây từ lúc bắt đầu trồng đến lúc ra hoa.
Đến kỳ thu hoạch, ban kiểm soát sẽ đi gắn tem lên cây coi như đó là lần kiểm định chất lượng cuối cho những cây đạt chuẩn. “Năm ngoái chỉ có khoảng 1.800 cây được gắn tem trên tổng số 45 héc ta trồng đào, điều đó cho thấy qui trình kiểm định rất nghiêm túc và thực chất”, Chủ nhiệm HTX Nhật Tân Nguyễn Thị Mai Lan cho biết.
Quy ước cũng chống gian lận bằng việc phạt rất nghiêm khắc. Những hành vi như ghi chép lịch trình cây sinh trưởng sai, từ chối không cho ban kiểm soát nội bộ kiểm tra, hay nhầm lẫn treo tem đảm bảo chất lượng, treo nhầm cây đều có thể bị truất quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đặc biệt này từ 1 năm đến vô thời hạn hoặc loại ra khỏi danh sách xã viên. Tuy nhiên, được biết đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm.
Cần quảng bá thương hiệu
Với một quy ước nghiêm ngặt được thực hiện nghiêm túc như vậy, có lẽ, hiếm có sản phẩm truyền thống nào có được sự cam kết bảo đảm chất lượng như đào Nhật Tân.
Những người trồng đào làng Nhật Tân cũng thẳng thắn cho phóng viên biết, kể cả đào trồng trên đất làng bên cạnh là Phú Thượng cũng không gọi là đào Nhật Tân.
Hay những năm gần đây, người dân Nhật Tân chạy sang đất Tứ Liên, Đông Anh, Thạch Thất, Ba Vì… trồng đào thì vẫn không được công nhận là đào Nhật Tân, đó một phần do đất và kỹ thuật trồng không giống nhau.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cách làm thương hiệu nói trên chưa đến được với người tiêu dùng vì công tác tuyên truyền chưa có. Nhiều người mua hoa, chơi hoa chưa hề biết đến tem chất lượng nói trên để thưởng thức “đệ nhất” hoa đào Nhật Tân, thậm chí để kiểm chứng, đối sánh với những cây đào trồng trên đất khác.
Chuyện nghe thật buồn nhưng là sự thật, những cây đào gắn tem lại bị người mua lầm tưởng là đào đã có chủ, thành ra nhiều cây bị “ế khách”. Người trồng đào quanh năm chỉ lo đào bung nụ có trúng Tết hay không nay mới sực tỉnh chuyện quảng bá thương hiệu cũng cũng quan trọng không kém.
Thiết nghĩ, UBND quận Tây Hồ và UBND phường Nhật Tân cần có sự quan tâm, hỗ trợ trong công tác quảng bá sản vật của riêng của địa phương. Nếu cứ cách làm như hiện nay thì mọi nỗ lực của những người trồng đào cũng khó nâng cao được giá trị thương mại của sản phẩm.
TQ - TA