Điều hành xuất khẩu gạo: Lúng túng đến bao giờ?

(PLVN) - Văn phòng Chính phủ hôm 15/4 đã có Công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng về việc quá trình đăng ký xuất khẩu (XK) 400.000 tấn gạo trong hạn ngạch tháng 4 trước ngày 18/4… Đây không phải lần đầu Chính phủ có ý kiến về vấn đề này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo trước ngày 18/4

Theo văn bản trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép XK tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp (DN), thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo XK của từng DN đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và Văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai Văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Các nội dung trên báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 18/4/2020.

Trước đó, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng ký mở tờ khai XK gạo của cơ quan Hải quan và việc các DN XK gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai XK gạo, dẫn đến gây khó khăn cho DN.

Lúng túng về gạo nếp

Liên quan đến XK gạo, ngày 15/4, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị cho ý kiến về việc gạo nếp có được tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không? (!?). Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến của gạo nếp tại từng tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ cũng như ý kiến của Bộ đối với việc XK gạo nếp.

Ngay hôm sau, Bộ NN&PTNT có văn bản phúc đáp Bộ Công Thương nhưng không trả lời trực tiếp “có” hay “không” mà cho biết: “Danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia (DTQG) và phân công cơ quan quản lý hàng DTQG được quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật DTQG”.

Trong văn bản này, Bộ NN&PTNT cũng thông tin cụ thể về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến của gạo nếp tại tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ. Đồng thời kiến nghị tiếp tục cho phép XK lượng gạo nếp hàng hóa của vụ đông xuân 2019-2020 và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình XK, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Được biết, tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP, tại mục 1 Điều 7 chương 3, Danh mục chi tiết hàng DTQG thuộc Danh mục hàng DTQG và phân công bộ, ngành quản lý được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định. Trong phần Phụ lục nêu rõ: Lương thực DTQG gồm “thóc tẻ” và “gạo tẻ.” 

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?

Từ trước đến nay, việc các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong điều hành cũng không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, liên quan đến XK gạo, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có những ý kiến khác nhau, thậm chí mâu thuẫn trong chính đề xuất của mình khiến Chính phủ phải có ý kiến.

Trước việc Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) không mua đủ số gạo DTQG theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành XK gạo, tại Công văn 4355/BTC-QLG ngày 10/4/2020 gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép XK gạo với những DN đã trúng thầu với các Cục DTNN khu vực và phải ký Hợp đồng, giao gạo xong cho các Cục DTNN khu vực và cũng chỉ được thực hiện XK gạo sau ngày 15/6/2020. 

Tuy nhiên, trước đó, ngày 6/4, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc XK gạo, trong đó đề nghị có thể cho phép tiếp tục XK gạo, trước mắt trong tháng 4 XK 400 nghìn tấn gạo. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý theo Thông báo ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ…

Còn nhớ, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 23/3/2020, Bộ Công Thương đã đề nghị tạm dừng XK gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành XK gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Tuy nhiên, ngay hôm sau, khi cơ quan hải quan thực hiện việc tạm dừng XK gạo, chính Bộ Công Thương lại có Văn bản hỏa tốc 2101/BCT-XNK đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng việc tạm dừng XK gạo với lý do “để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế vụ đông xuân, lượng Hợp đồng đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế tại các DN”.

Sau trục trặc này, tại Công văn hỏa tốc 2280/VPCP-NN ngày 25/3 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua. Đồng thời nhấn mạnh: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay…

Không biết các Bộ còn lúng túng đến bao giờ?