Bắt bớ
Pháp đã cử mật thám thăm dò, theo dõi để bắt bớ những người dân yêu nước cố tìm cách tiếp xúc, trao đổi tin tức với Phái đoàn Việt Nam (VN). Sau khi thấy một số đại biểu của Phái đoàn VN tiếp xúc với nhân dân Đà Lạt, Pháp đã đặt ra hai cái lệ để cản trở: Phát tín bài cho nhân viên Phái bộ VN khi tiếp xúc với đồng bào của mình với một lý do hết sức phi lý: Tránh tình trạng những người không có chân trong Phái đoàn đến quấy rối hội nghị! Tiếp theo là hạn chế việc sử dụng ô tô vốn đã cho Phái đoàn VN mượn.
Nhà đương cục Pháp đối xử với nhân dân Đà Lạt lúc đó ra sao? Hãy nghe cụ Phạm Khắc Hoè kể: “Tất cả những người bị thực dân Pháp cho là có cảm tình với Việt Minh đều có thể bị bắt giam, bị khủng bố hoặc bị trục xuất khỏi Đà Lạt bất cứ lúc nào, cho nên bề ngoài đồng bào nói chung có vẻ dè dặt đối với Phái đoàn ta. Mỗi khi gặp người trong Phái đoàn đi dạo phố hoặc vào cửa hàng, bà con chỉ tỏ cảm tình bằng những cặp mắt trìu mến và những nụ cười thân mật chứ không dám vồn vã, hỏi han. Nhưng nhiều người vẫn tìm gặp cho được những người ở Đà Lạt hoặc lên Đà Lạt như các anh Trần Đăng Khoa, Dương Bạch Mai và tôi để bày tỏ cảm tình và cho biết tin tức”.
Trưa 23/4, Pháp cho mật thám bắt bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - một đại biểu chính thức có tên trong danh sách của Phái đoàn VN đã đăng ký từ trước, nhưng do bận chiến đấu ở Nam bộ nên về dự hội nghị trễ. Trước đó, ít ai tin rằng Bác sĩ Thạch có thể tham dự hội nghị. Ấy thế mà chỉ ba ngày sau khi khai mạc, ông đã cùng với hai người bạn là Bác sĩ Bùi Quang Tung và Nguyễn Văn Sâm mạo hiểm vượt hàng trăm cây số tìm đường lên Đà Lạt để kịp tham gia bàn việc nước.
Khi họ vừa đặt chân tới khách sạn Lang Bian gặp Dương Bạch Mai và đi ra khỏi phòng báo chí của Khách sạn Du Parc thì bất ngờ hai tên mật thám và một viên Đại uý người Pháp ập đến bắt bác sĩ Thạch đưa về Sở Liêm phóng! Bác sĩ Thạch dùng kế “hoãn binh” song bọn chúng vẫn không nghe. Cuối cùng, Bác sĩ Thạch nổi nóng và lớn tiếng: “Được, muốn dùng vũ lực thì dùng, nhưng các ông và Chính phủ Pháp sẽ phải trả giá cho hành vi côn đồ và thiếu văn hoá của mình!”. Thế là bọn chúng lôi Bác sĩ Thạch lên xe và chở thẳng xuống Sài Gòn! Tiếp theo, nhà đương cục Pháp còn ra lệnh trục xuất cả Bác sĩ Tung và Nguyễn Văn Sâm khỏi Đà Lạt.
Những ngày sau đó, Chính phủ VN đã kịch liệt phản đối việc làm trái phép nói trên của thực dân Pháp. Đồng bào nhiều nơi mít tinh đòi Pháp phải trả tự do ngay cho cho Bác sĩ Thạch. Cuối cùng, thực dân Pháp đã phải nhượng bộ, thả Bác sĩ Thạch ra và đưa về Hà Nội.
|
Chợ Đà Lạt năm 1946 |
Chèn ép
Một sự kiện đáng chú ý khác là cũng trong ngày 23/4, Cao ủy Pháp lại cho người đến Khách sạn Lang Bian yêu cầu Phái đoàn VN không được sử dụng máy vô tuyến điện thu phát tin tức về Hà Nội.
Không thể chịu đựng mãi sự chèn ép quá quắt của đối phương, trong phiên họp toàn thể lần thứ hai do phía Pháp chủ tọa vào sáng ngày 24/4, sau khi Max André đọc chương trình nghị sự và trao lời cho Pignon thì Trưởng Phái đoàn VN Nguyễn Tường Tam đã đứng lên trịnh trọng nói về chuyện Bác sĩ Thạch bị bắt, kể lại khá chi tiết sự kiện đã xảy ra và nhấn mạnh: “Việc làm đó là trái với tục lệ quốc tế. Là người phụ trách an toàn cho đại biểu Việt, tôi phản kháng!”.
Max André giải thích: “Nghe nói không phải ông Thạch đã bị bắt. Vì Thạch đã lên Đà Lạt một cách ngấm ngầm, cho nên đã bị đưa về” (?!). Sau đó, Max André xoa dịu bằng cách đề nghị Phái đoàn VN trở lại bàn về việc đình chiến mà trước đây Uỷ ban Chính trị đã tạm gác lại để chờ phiên họp toàn thể. Thấy vậy, Phó trưởng đoàn VN Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chúng tôi sẽ nêu vấn đề ấy sau này. Nay xin bàn qua vấn đề khác” rồi đem bài diễn văn ra đọc.
Tại phiên họp nói trên, một lần nữa Phó trưởng đoàn VN kịch liệt lên án thái độ của Phái đoàn Pháp trong việc lảng tránh vấn đề đình chiến. Ông đề cập đến lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần bất khuất, ngoan cường của các chiến sĩ VN trong cuộc kháng chiến cứu nước hiện nay, cũng như các chiến sĩ Pháp trong cuộc kháng chiến chống phát xít nhằm giải phóng cho nước Pháp trước kia khiến người nghe ai nấy đều xúc cảm. Riêng các phái viên Pháp thì tỏ vẻ khó chịu vì cuộc họp này có sự xuất hiện của khá đông các nhà báo.
Đáp lại, Pignon đã đọc một bản phúc trình của Phái đoàn Pháp kiến nghị với 2 Chính phủ Pháp và VN nội dung tóm tắt như sau: Hai Phái đoàn đề nghị lên hai Chính phủ thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm những người không dính gì đến Hội nghị Đà Lạt, nhưng cũng làm việc ở Đà Lạt, để giải quyết gấp vấn đề đình chiến và tạo không khí hoà hảo ở cả năm xứ Đông Dương”. Phía VN liền đề nghị tạm ngưng họp một giờ để bàn bạc nội bộ.
Sau khi thảo luận, Phái đoàn VN nhận thấy đề nghị của Pháp chẳng qua là một sự “xuống thang” về hình thức chứ không có tác dụng thiết thực. Điều khiến nhiều đại biểu lưu ý hơn là cụm từ “năm xứ Đông Dương” được dùng trong bản phúc trình cho thấy ý đồ của thực dân Pháp vẫn muốn tiếp tục chia cắt Việt Nam, nuôi tham vọng cướp nước ta một lần nữa và không muốn thực hiện Hiệp định ngày 6 tháng 3, bằng cách chia VN ra làm 3 nước: Nam kỳ là nước tự trị, Bắc kỳ từ Vĩ tuyến 16 trở ra là VNDCCH, còn Trung kỳ là nước… chưa có tên !
Trở lại phòng họp, các đại biểu Pháp tưởng Phái đoàn VN đã trúng kế “điệu hổ ly sơn”, nhưng không ngờ Trưởng đoàn VN lại đứng lên tuyên bố: “Vì phía Pháp thiếu thiện ý nên phía Việt Nam đề nghị đình chỉ cuộc họp vô thời hạn!” khiến Phái đoàn Pháp ai nấy đều chưng hửng! Một số đại biểu Pháp đề nghị phía VN cho biết hôm nào thì nhóm họp lại nhưng không nhận được câu trả lời, đành lặng lẽ ra về.
Tuy vậy, chiều 24/4 và những ngày sau đó, các đại biểu trong Uỷ ban Văn hoá và các Uỷ ban khác của Phái đoàn VN vẫn đi dự họp bình thường để bày tỏ rằng: Mặc dù không đồng tình về chính trị với Pháp song vẫn muốn hợp tác về văn hoá và các lĩnh vực khác. Bên ngoài các cuộc đàm phán còn có các cuộc tiếp xúc cá nhân, trao đổi ý kiến không chính thức giữa các đại biểu 2 Phái đoàn Pháp-Việt. D’Argenlieu cũng có nhiều lần tham dự các cuộc trao đổi này. Song, đáng tiếc là kết quả chẳng đi tới đâu và hai bên quyết định tạm dừng hội nghị./.