Điều kỳ diệu và điều khủng khiếp đều khó phai trong tâm hồn con trẻ

(PLVN) - Viết về trẻ em là một “kênh” rất quan trọng đối với việc tuyên truyền nếp sống, nhân phẩm cho thế hệ trẻ. Bởi vì, trẻ em trong sáng, dễ đọc, dễ tin, dễ để những ấn tượng ban đầu hằn sâu trong tâm hồn và có thể hướng cách sống cách nghĩ sau này theo những ấn tượng ban đầu ấy. Điều kỳ diệu và điều khủng khiếp có thể đều khó phai trong tâm hồn mỗi bạn đọc nhỏ tuổi.
 Đưa tin về các vụ bạo hành hoặc xâm hại tình dục trẻ em, báo chí cần tránh  tạo ra "nạn nhân kép".
Đưa tin về các vụ bạo hành hoặc xâm hại tình dục trẻ em, báo chí cần tránh tạo ra "nạn nhân kép".

Còn nhớ cũng tại Hội thảo “Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thị Nga (Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu) đã kể một câu chuyện về nghề: “Khi thực hiện phóng sự về cuộc sống trẻ có HIV, tôi đã phỏng vấn người phụ nữ có lòng nhân ái nhận nuôi cháu bé có HIV. Chị tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc sống, hoàn cảnh hiện tại của hai mẹ con và chị giấu điều này với mọi người xung quanh.

Chị đã tâm sự tất cả, chỉ có một đề nghị duy nhất là không phát băng ghi âm lời nói của chị lên sóng. Tuy nhiên, để phóng sự chân thực, sinh động, tôi đã sử dụng một đoạn ghi âm của chị, mặc dù đã giấu tên, địa chỉ của họ. Hơn tháng sau, tôi gọi điện hỏi thăm, được biết họ đã chuyển đi chỗ khác sinh sống vì hàng xóm biết cháu bé có HIV. Tôi vô cùng day dứt và hiểu ra rằng, thông tin là cần thiết, nhưng đạo đức của người làm báo cần phải đặt lên hàng đầu khi viết về trẻ em”.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội (Codes) trên 5 tờ báo mạng điện tử được xếp vào top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam trong năm 2012 cho thấy trong các bài báo có nội dung không bảo đảm sự riêng tư của trẻ em, thì các em nữ là đối tượng chủ yếu (74%); 79% số trẻ em ở vùng khó khăn như miền núi và nông thôn; 39% số bài báo đăng ảnh của trẻ em trực diện khuôn mặt, vùng bị tổn thương, cùng với gia đình hoặc nhà cửa/trường học; 47% số bài báo cung cấp thông tin về bố mẹ hoặc người giám hộ. Thông tin về nơi ở của trẻ em được cung cấp cụ thể đến địa danh xã/phường/thị trấn (30%) và đến địa chỉ rõ ràng có thể tìm thấy được (thôn/xóm/đường: 41%)…

Trên thực tế, với sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet, hệ thống báo mạng điện tử và mạng xã hội đã làm thay đổi thói quen đọc báo của công chúng và cách làm báo truyền thống. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc đưa tin về trẻ em của nhà báo, khiến vấn đề đạo đức người làm báo trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Thực tiễn từ đời sống báo chí hiện nay cho thấy, thông tin tràn ngập trên Internet đôi khi đã lấy mất sự tỉnh táo cần thiết của nhà báo. Từ đó, vô hình trung các tác giả của bài báo đã vi phạm Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà nhiều người không hay biết.

Trong khi đó, viết về trẻ em là một “kênh” rất quan trọng đối với việc tuyên truyền nếp sống, nhân phẩm cho thế hệ trẻ. Bởi vì, trẻ em trong sáng, dễ đọc, dễ tin, dễ để những ấn tượng ban đầu hằn sâu trong tâm hồn và có thể hướng cách sống cách nghĩ sau này theo những ấn tượng ban đầu ấy. Điều kỳ diệu và điều khủng khiếp có thể đều khó phai trong tâm hồn mỗi bạn đọc nhỏ tuổi.

Do đó, đưa tin về trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với giới truyền thông. Câu hỏi được đặt ra là, khi đưa tin về trẻ em, các nhà báo cần tuân thủ những nguyên tắc gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các em? Đây không còn là câu hỏi mới, song nó luôn là thách thức lớn đối với các nhà báo.

Chính vì vậy, trong bất kỳ tình huống nào, nhà báo cần phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và phải có cái tâm khi hành nghề. “Nếu như khi chúng ta viết về trường hợp nào đó liên quan đến bạo lực tình dục mà trẻ em là nạn nhân thì hãy đặt vị trí em đó là con em chúng ta để thận trọng, không làm tổn thương nạn nhân thêm nữa. Viết về trẻ em – hãy thận trọng như viết cho chính con, em mình!”, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA nhấn mạnh.

Đọc thêm