Điều phi thường của yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có những hy sinh, khó khăn chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu được. Trong những ngày dịch COVID-19 đầy khó khăn, rất nhiều gia đình y bác sĩ, quân đội, công an phải tạm gác hạnh phúc riêng để xông pha nơi tuyến đầu.
Đại diện 20 gia đình trẻ tiêu biểu năm 2021 nơi tuyến đầu chống dịch.
Đại diện 20 gia đình trẻ tiêu biểu năm 2021 nơi tuyến đầu chống dịch.

“Bao giờ hết dịch, ba mẹ sẽ kể cho con những tháng ngày thanh xuân ấy”

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1990) và anh Lê Thanh Sang (SN 1994) đã cùng nhau tham gia tình nguyện chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh suốt một thời gian dài. Chị Tâm làm cán bộ phường Hiệp Bình Chánh (TP HCM), còn anh Sáng làm phó bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Phường Bến Nghé. Vợ chồng chị hiện có một cậu con trai nhỏ. Công việc bình thường của hai vợ chồng vốn đã rất bận, ít thời gian để có thể chăm sóc cho con cái.

Vào tháng 8/2021, đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp, dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh bùng phát mạnh. Hơn bao giờ hết cần lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch thì khắp mọi miền Tổ quốc, các bạn trẻ tình nguyện viên đều hăng hái đăng ký tham gia vào Sài Gòn để chống dịch. Với mong muốn làm một chút gì đó góp sức cho nơi mình đang sinh sống, vợ chồng chị Tâm đã tham gia đội ngũ tình nguyện viên chống dịch COVID-19. Nghĩ là làm, anh chị gửi con nhỏ còn chưa dứt sữa cho ông bà nội chăm sóc để mình an tâm tham gia “chiến tuyến”.

“Khỏi phải nói những ngày đầu tham gia tình nguyện viên đối với tôi nó lạ lẫm như thế nào, lần đầu tôi được chỉ “cấp tốc” cách phòng chống dịch và cũng là lần đầu tôi được khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ, kính chắn, găng tay bảo vệ là cồn, là nước sát khuẩn... mà trước đến nay tôi chỉ thấy đặc thù của ngành y tế mới có”, chị Tâm chia sẻ.

Công việc của tình nguyện viên như vợ chồng chị Tâm là hỗ trợ tham gia lấy mẫu tầm soát cộng đồng, là lực lượng hỗ trợ tại các khu thu dung, hỗ trợ các điểm tiêm vaccine trong khu dân cư hay là đi trao những nhu yếu phẩm cho bà con tại các khu phong tỏa, khu cách ly có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm trong cộng đồng...

Chị Tâm nhớ lại: “Những ngày đầu đó đối với tôi thực sự là rất mệt mỏi, thêm vào đó là nỗi nhớ con, nhớ chồng và là những ngày căng sữa mẹ, áp lực khi làm việc liên tục… làm tôi thực sự đuối và muốn “từ bỏ” công việc. May mắn được sự động viên của chồng và các anh chị em đồng nghiệp lại tiếp thêm động lực cho tôi để vượt qua những e ngại và khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1990) và anh Lê Thanh Sang (SN 1994).

Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1990) và anh Lê Thanh Sang (SN 1994).

Những ngày tham gia công tác tình nguyện phòng chống dịch, vợ chồng chị Tâm gần như không được gặp nhau trực tiếp. Hơn 2 tháng chống dịch đã trôi qua, họ vẫn cùng nhau tích cực tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19. Một ngày bận bịu từ tờ mờ sáng, đến khi xong công việc màn đêm buông xuống, gia đình chị lại chỉ được gặp mặt nhau đơn thuần là qua zalo, facebook…

Thế nhưng chị bảo, điều đó cũng đủ an ủi, là niềm hạnh phúc lắm rồi, để kể cho nhau nghe hôm nay làm được những gì, gặp những ai... hay chỉ là tiếng con trẻ bi bô tập nói gọi ba gọi mẹ. Nhưng sau đó chỉ biết cười “ừ thì khi nào hết dịch ba mẹ sẽ kể cho con nghe những ngày thanh xuân ấy”.

Trong cuộc sống nhiều cặp vợ chồng trẻ thiếu sự thấu hiểu, sẻ chia. Không ít cặp đôi “đứt gánh” khi vừa mới bước vào cuộc hôn nhân không lâu. Còn với chị Tâm, chị bảo: “Tôi không biết đối với mọi người định nghĩa về gia đình như thế nào, có thể là được ăn cơm, sum họp cùng nhau... nhưng đối với tôi, gia đình là được “gặp mặt nhau mỗi ngày là đủ hạnh phúc lắm rồi”. Có đi qua những thử thách của cuộc sống, những khó khăn mà bệnh dịch gây ra, mới thấy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn được đoàn tụ bên gia đình.

“Thiết yếu của chúng tôi lúc ấy là cái hơi ấm của con, của vợ, của chồng, của người thân mà vì “tuyến đầu” nên cả tháng chưa được về nhà. Tôi mong rằng vào thời điểm bệnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, các bạn hãy tuân thủ chỉ dẫn phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, của thành phố để những hy sinh của những lực lượng tuyến đầu như chúng tôi không còn vô nghĩa, để trả lại sự bình yên cho thành phố này”, chị Tâm xúc động chia sẻ.

Đó là những tháng ngày rất khó khăn

Câu chuyện đi chống dịch của chị Tâm, anh Sang cũng là đại diện cho 20 gia đình tiêu biểu năm 2021 “Điều phi thường của yêu thương” nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021 -2025, hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.

Lễ vinh danh năm nay có ý nghĩa hết sức đặc biệt khi chọn lọc, tôn vinh những gia đình trẻ đã có những nỗ lực phi thường, vượt qua nhiều khó khăn trong đời sống, khó khăn do đại dịch, vượt qua khoảng cách địa lý và bất đồng ngôn ngữ, không chỉ xây dựng gia đình gắn kết, hạnh phúc, tràn ngập yêu thương, mà còn góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp gia đình Việt, đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là công cuộc phòng, chống đại dịch, bảo vệ và dựng xây đất nước.

Trong đó, có những gia đình mà cả 2 vợ chồng đều là nhân viên y tế và đang căng mình ở tuyến đầu chống dịch, như gia đình anh Trần Thanh Phúc - chị Lê Thị Bé Tưởng ở Kiên Giang, anh Nguyễn Quang Mạnh - chị Nguyễn Thị Hải Ly ở Thái Nguyên.

Đó là gia đình anh Đỗ Văn Chung (Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Ninh Thuận) và chị Lê Thị Trang (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận). Với anh chị, để gia đình hạnh phúc thì việc cùng nhau nuôi dạy con cái là điều vô cùng quan trọng. Ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng anh Chung đã dạy cho con ý thức tự giác học tập, kiên trì kèm cặp, uốn nắn để việc học hành của các con đi vào nề nếp. “Nghiêm khắc” một cách đúng mực chứ không cứng nhắc, không để sự kỳ vọng của bố mẹ trở thành áp lực đối với con cái.

Cả hai vợ chồng anh đều ý thức rất rõ: bố mẹ chính là người ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành nhân cách của con cái, nên vợ chồng anh luôn ý thức sống hòa hợp hạnh phúc, đùm bọc, yêu thương, ứng xử với mọi người xung quanh hòa nhã, đúng mực để làm gương cho các con. Đối với các con, phải luôn trò chuyện thân tình như những người bạn để các con sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình, thấy được nỗi vất vả của ba mẹ, từ đó nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Trước tính hình đại dịch COVID-19 đang tác động rất lớn đến xã hội, cả hai vợ chồng anh Chung đều tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Hằng ngày, chị Trang cùng với các y, bác sĩ bệnh viện tham gia xét nghiệm, điều trị và tiêm vaccine cho người dân, anh Chung thì tham gia công tác thường trực chiến đấu tại cơ quan dài ngày. Hai con nhỏ phải ở nhà tự chăm sóc nhau, tuy thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ nhưng rất ngoan ngoãn, nghe lời, biết tự chăm sóc lẫn nhau những lúc bố mẹ đi làm.

Ở một hoàn cảnh khác, tại gia đình anh Lù Văn Thắng - chị Hoàng Thị Hoan ở Sơn La và gia đình anh Trần Khánh Tiên - chị Hoàng Thị Biên ở Cao Bằng, chồng hiện đang công tác trong lực lượng công an, lực lượng biên phòng, thường xuyên làm nhiệm vụ xa nhà. Mọi gánh nặng gia đình đều dồn lên vai người vợ. Nhưng với sự yêu thương, họ đã cùng nhau vượt qua tất cả để giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc.

Gia đình anh Thắng - chị Hoan (Sơn La).

Gia đình anh Thắng - chị Hoan (Sơn La).

Gia đình anh Trần Quang Tín - chị Nguyễn Thị Bé Na ở Thừa Thiên - Huế và gia đình anh Đào Đình Lợi - chị Phan Thị Phương ở Hà Tĩnh, cùng nhiều gia đình khác đã nỗ lực phát triển kinh tế, không chỉ cải thiện đời sống gia đình mà còn mang lại việc làm, thu nhập cho lao động địa phương.

Đặc biệt, gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn - chị Hà Thảo Ngân ở Hòa Bình có chồng là dân tộc Mường, vợ dân tộc Thái. Họ đã cùng nhau từng bước xóa bỏ rào cản về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ... để xây dựng nên gia đình trẻ đầm ấm, hạnh phúc. Chính điều đó đã làm đời sống gia đình trẻ Việt Nam thêm nhiều màu sắc hơn.

“Tôi nhớ những ngày đó rất mệt, cả hai vợ chồng cùng tham gia chống dịch. Thật sự chúng tôi không dám bước về với gia đình để có những bữa cơm thân mật, có hơi ấm gia đình” - chị Trần Thị Thu Hảo (ở quận 6, TP.HCM) nhớ lại.

Dù con nhỏ mới 16 tháng tuổi, nữ cán bộ công an đành gửi con cho ông bà chăm sóc, cùng chồng là anh Trần Hải Đoàn (cán bộ Đoàn) xông pha cùng thành phố chống dịch. Có những ngày nhớ con thật nhiều, mà về nhà chỉ dám nhìn con từ xa hoặc trò chuyện với con cái qua lớp cửa kính.

Gia đình anh Quang Mạnh- chị Hải Ly.

Gia đình anh Quang Mạnh- chị Hải Ly.

“Con nhớ bố không? Nín đi, ngoan, bố sắp về với con rồi”. Qua chiếc điện thoại, anh Nguyễn Quang Mạnh, bác sĩ nơi tuyến đầu không thể ngăn được xúc động khi nhìn thấy con đang khóc đòi bố sớm về. “Đó là những tháng ngày rất khó khăn, bản thân tôi là một nhân viên y tế nên thấu hiểu được phần nào sự vất vả của anh đang nơi tâm dịch”, chị Nguyễn Thị Hải Ly (vợ anh Mạnh) giãi bày…

Đọc thêm