Điều trị bệnh “loạn liên thông” trong ngành giáo dục

Theo quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học vừa được Bộ GD-ĐT công bố, những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng khi thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học hệ chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh cùng với học sinh phổ thông.

Những ngày gần đây, câu chuyện đào tạo liên thông đang gây nhiều tranh cãi trên cộng đồng mạng. Nhiều sinh viên học năm cuối hệ ĐH liên thông dở khóc, dở mếu khi tấm bằng ĐH sẽ không được chính quy như mong đợi.

Liên thông CĐ lên ĐH sẽ phải thi với học sinh phổ thông
Liên thông CĐ lên ĐH sẽ phải thi với học sinh phổ thông

Liên thông đã bị biến tướng

Quy định mới về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học vừa được Bộ GD-ĐT công bố, có hiệu lực từ ngày 7/2/2013. Một trong những yêu cầu đáng chú ý của quy định này là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng khi thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học hệ chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh cùng với học sinh phổ thông.

Trước thông tin quá đột ngột về quy định mới, mở ra rồi “siết” lại, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT giải thích: Trước đây đào tạo liên thông thực hiện theo quyết định 06, đây là văn bản đầu tiên quy định về liên thông. Sau thời gian thực hiện, quyết định 06 đã nảy sinh nhiều khiếm khuyết, chưa nói đúng được bản chất của đào tạo liên thông vì liên thông là hình thức đào tạo bảo lưu kết quả của giai đoạn trước để học ở giai đoạn sau, rút ngắn thời gian học tập, giảm được kinh phí đào tạo.

Thêm nữa, khi thực hiện quyết định 06, nhiều trường không thực hiện đúng tinh thần 06 mà xây dựng chương trình đào tạo riêng cho liên thông như từ xa, liên kết, vừa học vừa làm, rút ngắn thời gian đào tạo để cấp bằng chính quy như vậy là sai bản chất. Bên cạnh đó, theo quy định từ trung cấp liên thông lên đại học phải được Bộ cho phép nhưng nhiều trường không đủ điều kiện để thực hiện và đào tạo chui.

Khi Bộ GD-ĐT công khai danh sách 16 trường được đào tạo liên thông từ cao đẳng nghề lên đại học thì báo chí đã giúp Bộ phát hiện thêm nhiều trường sai phạm như chương trình đào tạo bị cắt xén, kém chất lượng dẫn đến chất lượng đào tạo không cao, dư luận xã hội bức xúc. Các cơ quan, doanh nghiệp đã từ chối người có bằng liên thông.

Bên cạnh đó, xuất phát từ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nên tinh thần thông tư bám sát tinh thần Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Đào tạo đại học chỉ gồm 3 hệ: chính quy, từ xa, vừa học vừa làm. Liên thông chỉ là một hình thức đào tạo. Bộ đã tăng tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo nên bộ chỉ quan tâm đến tiêu chí và điều kiện đảm bảo chất lượng.

Ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ đưa ra quy định để ràng buộc các trường ở chỉ tiêu và chất lượng. Trong cùng một trường không thể song song tồn tại hai hệ chính quy và chính quy liên thông.

Mỗi trường học có sứ mệnh đóng vai trò nhất định trong thị trường lao động. Cánh cửa liên thông không đóng nhưng hẹp hơn. Thi chung đầu vào nhưng học lại khác nhau, các em không phải học lại từ đầu các môn học, được rút ngắn thời gian học vì bằng liên thông là bằng chính quy.

10 năm… loạn liên thông

Từ năm 2002 Bộ GD- ĐT lần đầu tiên triển khai thí điểm đào tạo liên thông, với một số ít trường được tham gia. Năm 2008, sau khi Bộ GD- ĐT ban hành Quy chế đào tạo liên thông với việc giao tự chủ cho Hiệu trưởng các trường có thẩm quyền đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH, thì “phong trào” liên thông càng trở nên rầm rộ.

Đến năm 2010, Bộ GD- ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mở rộng thêm cơ hội cho đối tượng dạy nghề, khi ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề lên trình độ CĐ và ĐH.

Được xem là con đường vòng để lấy bằng ĐH và nâng cấp bằng nên các trường đã không ngừng đưa ra các chương trình liên thông nhằm hút thí sinh. Không khó để thấy trên thông tin tuyển sinh của các trường như: ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), CĐ Nghề kinh tế và công nghệ Hà Nội, ĐH Tây Đô (Cần Thơ)... dù chưa có phép liên thông cũng ra thông báo tuyển sinh.

Hàng loạt trường sau khi “chạy” được giấy phép đào tạo nghề do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cấp, đã có tên gọi không giống ai “cao đẳng thực hành”, “câu” thí sinh bằng việc khẳng định “được liên thông lên ĐH chính quy”.

Đỉnh điểm của sự thả nổi về liên thông đó chính là sự kiện Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đào tạo “chui” từ hệ CĐ nghề lên ĐH. Từ năm 2010, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM (HUI) đã âm thầm tổ chức tuyển sinh liên thông cho sinh viên tốt nghiệp CĐ nghề tại trường lên ĐH chính quy.

Thông tư mới liên thông vừa được ban hành sẽ mở cơ hội học tập cho mọi người như nhau, không phân biệt Khá, Giỏi. Kéo dài thời gian cũng để tránh việc gian lận.

Uyên Na

Đọc thêm