Hàng loạt di chứng hậu COVID-19
Tại Hội nghị khoa học Điều trị chứng hậu COVID-19 bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 30/3, ông Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, COVID-19 để lại 203 di chứng ở nhiều người mắc. Trong đó, có 80% người gặp di chứng hậu COVID-19 thấy mệt mỏi, 61% có xơ phổi, 52% gặp vấn đề về trí nhớ, 45% mất ngủ, 33% tổn thương thận cấp...
Giới chuyên môn đánh giá, di chứng hậu COVID-19 được coi là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ. Triệu chứng thường là mệt mỏi, hụt hơi, rối loạn nhận thức, khó tập trung, tự kỷ (tự nhốt mình trong nhà, không dám gặp hay tiếp xúc với ai), rụng tóc, ho kéo dài, thay đổi giọng nói, đau cơ, mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác, vị giác... Nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người mắc.
Hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ số dân được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới. Dù vẫn có nhiều ca nhiễm, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể. Bên cạnh công tác phòng chống dịch, việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho các bệnh nhân F0 được đánh giá là vô cùng quan trọng.
Các chuyên gia y tế cho biết, trên thế giới, hiện không có bệnh hậu COVID-19 mà đây là tập hợp các rối loạn hậu COVID-19 do nhiều cơ chế, tổn thương khác nhau phối hợp. Chính vì vậy, rất khó có thể có một bài thuốc, phác đồ chung cho tất cả các bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19. Việc điều trị phải cá thể hóa theo từng cơ chế sinh bệnh ở mỗi bệnh nhân.
Tìm đến phương pháp y học cổ truyền
Có thể thấy, biểu hiện hậu COVID-19 rất phong phú. Để chẩn đoán, bác sĩ cần hỏi các triệu chứng COVID-19 cấp tính và các biểu hiện lúc thăm khám để đưa ra yêu cầu xét nghiệm và chẩn đoán, xử trí phù hợp.
Ngoài phương pháp y học hiện đại, những người có triệu chứng bị hậu COVID-19 cũng tìm đến các phương pháp đông y.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cho biết, hiện mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám sau khi mắc COVID-19. Những bệnh nhân này chủ yếu dùng phương pháp y học cổ truyền.
Ví dụ, người bệnh có triệu chứng đau lưng thì có thể xoa bóp, châm cứu, hay bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, bồn chồn, lo âu có thể dùng thuốc, thuốc ngâm, thuốc sâm… hoặc sử dụng những chế phẩm của bệnh viện mà đã được BHYT thanh toán với thời gian liệu trình từ 3 tuần trở lên, sức khỏe đều cải thiện rõ rệt.
Chia sẻ từ Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 150-200 bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 đến khám. Các triệu chứng thường gặp nhất ở những người này là mệt mỏi (chiếm 87%), hụt hơi, khó thở (73%), rụng tóc (24%), ho khan, đau nặng ngực (61%)...
Các phương pháp được bệnh viện dùng để điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 gồm: Dùng thuốc, không dùng thuốc (như châm cứu, nhĩ châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu), tập thở ngực bụng, thực dưỡng và tâm lý liệu pháp.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Lam, Quản lý Khoa Đông y và Vật lý Trị liệu, Bệnh viện Hồng Đức, TP Hồ Chí Minh. |
Sinh hoạt lành mạnh, không quá suy nghĩ, lo lắng
Các chuyên gia y tế lưu ý, người dân cần chủ động phát hiện các triệu chứng sau khi mắc COVID-19. Những triệu chứng này không tồn tại trước khi bệnh nhân mắc COVID-19. Trường hợp bệnh nhân phát hiện các triệu chứng sau khi mắc COVID-19 thì cần phải đi khám để khẳng định đó có phải là triệu chứng hậu COVID-19 hay không, nếu đúng thì sẽ điều trị các triệu chứng phù hợp nhất.
Chia sẻ với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Lam, Quản lý Khoa Đông y và Vật lý Trị liệu, Bệnh viện Hồng Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hội chứng hậu COVID-19 sẽ diễn ra sau 4 tuần trở lên sau giai đoạn khỏi bệnh. Các di chứng có thể kéo dài từ bán cấp đến nặng dần làm ảnh hưởng lâu dài, nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, việc kiểm tra lại sau khi khỏi COVID-19 để phân biệt các triệu chứng đó là rất cần thiết trong giai đoạn “bình thường mới”.
“Có bệnh phải đi trị bệnh, phải đến thầy, chứ đừng tự mình làm mọi thứ. Mọi người thường nghĩ là vượt qua COVID-19 thì những vấn đề phát sinh hậu COVID-19 cũng sẽ trị được nhưng điều đó không hề dễ dàng nếu thiếu hiểu biết. Trong 3-6 tháng, cơ thể không được nuôi dưỡng, việc chữa trị hậu COVID-19 sẽ trở nên nguy hiểm, khi các di chứng trở thành bệnh mãn tính và càng khó chữa hơn”, bác sĩ Lam nói.
Từ trước đến nay, y học cổ truyền đã nổi tiếng với nhiều vị thuốc hay và chữa bệnh hiệu quả. Đặc biệt, đối với các di chứng thường gặp ở người bệnh sau nhiễm vi rút SARS-CoV-2, các bài thuốc đông y đã góp phần hỗ trợ, cải thiện và điều trị bệnh nhân đáng kể.
Theo bác sĩ Lam, với mỗi triệu chứng người bệnh gặp phải và bệnh lý nền, bác sĩ đông y sẽ tư vấn, giải tỏa những lo lắng, khúc mắc cũng như bắt mạch và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trong đó, 3 nguyên tắc để có sức khỏe tốt, sống thọ mà đông y chú trọng nhất chính là “tinh - khí - thần”. Điều này cũng tương ứng với lời răn “bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” đã được danh y Tuệ Tĩnh chia sẻ từ thế kỷ XIV để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.
Cụ thể, trong các phương pháp đang được khoa Đông y của Bệnh viện Hồng Đức đang thực hiện, bệnh nhân bị mắc triệu chứng hậu COVID-19 có thể điều trị nội trú và ngoại trú. Các phương pháp gồm có: Massage toàn thân, xoa bóp bấm huyệt theo vùng, điện châm đèn hồng ngoại, cứu ngải cứu, giác hơi, thuốc thang gia giảm theo triệu chứng, tâm lý trị liệu và dinh dưỡng.
Bác sĩ Lam nhấn mạnh: “Yếu tố tâm lý sau khi khỏi COVID-19 vẫn vô cùng quan trọng. Nhiều người sau khi khỏi bệnh vẫn bất an, lo lắng. Con cái ở xa muốn về thăm nhà cũng không đồng ý, đi du lịch cũng sợ hay nghe thông tin người này, người kia nhiễm bệnh rồi cũng lại lo lắng. Đây là trạng thái do stress trước khi bị COVID-19 vẫn còn tồn tại sau khi khỏi bệnh.
Chính vì lo lắng quá thì dẫn đến việc mất ngủ, thần sắc đi xuống. Cứ một vòng luẩn quẩn như thế thì sẽ không thể giải quyết được gì cả. Trong y khoa, hậu COVID-19 gần như không có cách giải quyết nhanh chóng. Chúng ta buộc phải bình tĩnh, cứ ăn uống đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh, không nên quá suy nghĩ, lo lắng, rồi tất cả mọi khó khăn đều sẽ qua, cơ thể sẽ hồi phục lại dần dần”.
Như vậy, để khắc phục biến chứng hậu COVID-19 mức độ nhẹ như mệt mỏi, hơi khó thở người bệnh nên tập thở, đi bộ nhẹ nhàng, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Nếu thực hiện đúng và đều đặn mỗi ngày thì người mắc hội chứng hậu COVID-19 sẽ nhanh chóng lấy lại sức khỏe. Còn với những người có triệu chứng nặng, cần đến thăm khám bác sĩ kịp thời. Thế nên, có thể nói, ở hiện tại, việc tầm soát hậu COVID-19 có thể là một phần không thể thiếu trong hoạt động khám sức khỏe định kỳ của mỗi người.
Chị Thùy Trang (sinh năm 1995, Quản lý của một Công ty du lịch) - một bệnh nhân của bác sĩ Nguyễn Thị Lam cho hay, chị từng tự tin rằng bản thân có thể tự điều trị tại nhà sau khi là F0 vì chỉ sốt 38,5 độ trong 2 ngày đầu, cũng như gặp những triệu chứng nhẹ như: đau người, mất khứu giác, ho, đau họng nên chỉ khoảng 5-6 ngày là âm tính trở lại. Sau đó, chỉ 1-2 ngày sau, chị Trang quay lại làm việc nhưng không ngờ lại bị hậu COVID-19 “hành” kinh khủng.
“Công việc của tôi chủ yếu phải nói. Trước khi mắc COVID-19, lắm lúc ngủ dậy tôi bị ngứa họng, muốn ho hắng nhưng chỉ cần hoạt động một xíu là lại ‘ngọt giọng’ lại ngay. Sau khi “thoát kiếp F0”, tôi chỉ nói vài câu là một, phải dừng lại lấy hơi, sức khỏe giảm tới 30%. Chưa kể, mỗi tối khi ngủ còn có cảm giác ngạt thở, như ai đè mạnh lên ngực, đôi lúc còn tưởng chừng như sắp ngất. Ai bảo mắc COVID-19 cũng xoàng thôi thì nên xem lại. Đừng vì thấy đa số bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng mà chủ quan vì di chứng hậu COVID-19 cũng rất nặng nề”, chị Trang chia sẻ.
May mắn, chị được biết đến phương pháp đông y và được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc. Chỉ sau 5 thang thuốc đầu tiên, sức khỏe của chị đã được cải thiện đáng kể. Những triệu chứng khó thở, hụt hơi dường như suy giảm, dần quay lại trạng thái ăn ngon, ngủ ngon hơn. Chị khuyên mọi người đừng nên chủ quan khi mắc COVID-19 mà hãy nên tham vấn ý kiến bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả không đáng có sau này.