Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt không còn tên trong biệt thự nhóm 1

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dinh Tỉnh trưởng cũ Đà Lạt và Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ từ ngày 22/9 sẽ không còn tên trong nhóm 1 - nhóm biệt thự gắn với di tích lịch sử, có giá trị điển hình về kiến trúc.
Dinh Tỉnh trưởng.
Dinh Tỉnh trưởng.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định số 53/2023/QĐ-UBND ngày 6/9/2023 ban hành Quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/9 và thay thế Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt.

Theo quy định tại Quyết định số 53, quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt có tổng cộng 166 biệt thự, chia làm 3 nhóm: nhóm 1 có 3 biệt thự, nhóm 2 có 69 biệt thự và nhóm 3 có 94 biệt thự.

Điều đáng nói, theo quyết định này, nhóm 1 (là biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa) chỉ còn Dinh I, Dinh III (đều là Dinh Bảo Đại cũ) và Dinh II (Dinh Toàn quyền Đông Dương cũ); còn Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt cũ, Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ (nay là cung Nam Phương hoàng hậu ở Bảo tàng Lâm Đồng) không còn nằm trong nhóm 1 mà rơi xuống nhóm 2.

Tại Quyết định số 53 quy định việc cải tạo nhà biệt thự được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý di sản văn hóa, các quy định khác có liên quan. Cụ thể: "Đối với nhà biệt thự nhóm 1, khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao; đối với nhà biệt thự nhóm 2, khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài… Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt…".

Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt là công trình được người Pháp xây dựng từ trước năm 1910, gắn với lịch sử hình thành phát triển địa phương này. Đây chính là nơi sinh sống và làm việc của Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước đây, nên người địa phương quen gọi là “dinh Tỉnh trưởng”.

Đây là tòa nhà đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi hơn 1.500m, kiến trúc mang tính điển hình ở Đà Lạt, mật độ xây dựng công trình khoảng 10%, là nơi du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả TP. Cùng với rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, khu dinh thự này là “chứng nhân” nhiều sự kiện lịch sử.

Theo Quyết định 704 về quy hoạch tổng thể Lâm Đồng, trong đó có quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt) tầm nhìn đến 2050, thì khu trung tâm Hòa Bình sẽ phải giải tỏa, dinh Tỉnh trưởng bị di dời để phục vụ quy hoạch, xây khu khách sạn cao tầng.

Theo phương án quy hoạch Lâm Đồng đưa ra, dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng lên cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, phương án này bị nhiều kiến trúc sư và người dân không đồng tình.

Đọc thêm