Đổ xô đưa trẻ đi học... “rung động”

Điều lạ là càng ngày nhu cầu cho con đi học "rung động" càng lớn, tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng cho con đi với nhu cầu và nhận thức thực tế, cũng không phải trung tâm nào cũng đáp ứng được với mục tiêu chính họ đề ra...
 
Chưa bao giờ các lớp họ kỹ năng sống lại nhiều như vậy. Điều lạ là càng ngày nhu cầu cho con đi học "rung động" càng lớn, tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng cho con đi với nhu cầu và nhận thức thực tế, cũng không phải trung tâm nào cũng đáp ứng được với mục tiêu chính họ đề ra. 
Nở rộ dịch vụ học kỹ năng sống
“Bạn là người thực sự lo lắng cho con cái? Bạn muốn con mình “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”?. Bạn muốn con mình biết phân biệt điều hơn lẽ thiệt, biết rung động trước cái đẹp, biết phát huy nội lực để vươn lên… hãy gửi các con đến với chúng tôi chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ rất hài lòng… Sau thời gian học, các con sẽ thực sự thấy thú vị và có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống”. 
Những chương trình kỹ năng sống hiện được quảng bá rộng khắp. Ngoài phát tờ rơi, các trung tâm còn tiếp cận với các nhà trường liên kết thực hiện. Giá các chương trình này cũng rất đa dạng, thấp nhất là 200.000 đồng, trung bình 8-9 triệu đồng và có chương trình lên đến 50 triệu đồng. 
Chương trình Trại hè xanh của Cung Thiếu nhi Hà Nội đang thu hút rất đông trẻ tham gia. Chương trình năm nay được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Đầm Long, Bằng Tạ (Ba Vì, Hà Nội) dành cho các em thiếu nhi từ 8 - 12 tuổi. Các chuyến đi sẽ bắt đầu vào tháng 6/2012, từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần, mục đích là giúp các em hoà nhập vào thực tế cuộc sống, hoàn thiện nhân cách và kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử... Học phí: 2.750.000 đồng/học viên. 
Cung Thiếu nhi còn tung ra chương trình mới “Sóc nhí thông minh”. Nội dung chương trình tập trung vào việc tìm hiểu, phổ biến cho các em kiến thức về thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, môi trường, động thực vật… Chương trình sẽ được tổ chức vào thứ 7 hoặc Chủ nhật hàng tuần, từ tháng 6 đến tháng 9 tại nhiều địa điểm như: Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Tượng đài Lý Thái Tổ, Vườn hoa Lý Tự Trọng…
Trung tâm Hỗ trợ giáo dục Thanh thiếu niên (Trung tâm 4T) cũng quảng bá rầm rộ chuỗi hoạt động “Trại hè sôi động 2012” với 6 chủ đề: Thể thao, về quê, kỹ năng, hướng nghiệp và trại hè quốc tế… Lệ phí cho mỗi tuần ngoại khoá ở đây từ 2.000.000 - 4.200.000 đồng/học viên.
Không chỉ trại hè trong nước mà trẻ thành phố còn có cơ hội lựa chọn các chương trình trại hè ở nước ngoài, như gói trại hè Singapore 2012 của Văn phòng tư vấn du học Thiên Hùng với giá lên tới 47.400.000 đồng cho 2 tuần tại Singapore và Malaysia. 
Mỗi nơi một chương trình
Nhiều là vậy, nhưng dường như giáo dục kỹ năng sống cho các em vẫn còn nhiều bỏ ngỏ và lộn xộn.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, hiện các nhà trường mới tập trung vào dạy kiến thức chứ chưa có một chương trình chính thống dạy kỹ năng sống cho học sinh. 
Điều này khiến một số đơn vị, doanh nghiệp tung ra đủ loại giáo trình dạy kỹ năng sống đưa vào các trường học và tại các trung tâm. Trong số đó, chỉ có rất ít do các tổ chức có chuyên môn, đã có thực tế trải nghiệm, hầu hết còn lại đều do các doanh nghiệp ngoài ngành giáo dục tổ chức. 
Có trung tâm biên soạn chương trình theo tài liệu của các nước châu Âu, có nơi lại căn cứ vào tài liệu của Trung Quốc, nơi lại tổng hợp các tài liệu trong nước...
“Kỹ năng sống cần phải được dạy và học một cách bài bản, có quá trình đàng hoàng. Phụ huynh và nhà trường tham gia theo kiểu phong trào mà không hiểu rõ con mình cần gì, chương trình đó nội dung như thế nào sẽ không chỉ tốn kém mà còn không đem lại hiệu quả”, TS. Lâm nói.
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, không quá kì vọng vào các chương trình này, mà điều quan trọng họ muốn tìm nơi trông trẻ thay vì nhốt trẻ trong nhà với máy tính.
“Hơn nữa, trung bình thời gian đào tạo 1 khoá của các trung tâm này thường chỉ kéo dài trong vòng từ 7 đến 20 buổi. Hầu hết các em chưa kịp nắm bắt các kỹ năng thì quá trình học đã kết thúc”- chị Hoài Anh ( Đống Đa) chia sẻ. 
Chính vì vậy, có thể hiểu rằng đây là những chương trình ngoại khóa được xây dựng để đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ vốn quá bận rộn.
Đây là nhu cầu thực tế bởi cùng với việc nghỉ hè, rất nhiều những tác nhân xấu có thể gây ảnh hưởng đến học sinh hiện nay khi các em không phải đến trường, ở nhà không có người trông nom. Phụ huynh đều lo ngại tình trạng nghiện game online, vào các trang web xấu... 
Không nên tạo áp lực “ học kì thứ ba”
Các khóa học hè là tốt nếu trẻ em được hỏi ý kiến và thực sự muốn tham gia. Nếu chỉ vì muốn có chỗ trông con mà ép con tham gia các khóa học này sẽ phản tác dụng. Không nên gây sức ép với con cái bằng một “học kỳ” nữa trong những tháng nghỉ hè.”- TS Nguyễn Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết.
Theo bà Quý, khi chọn cho con khóa học nào đó, điều quan trọng là phụ huynh nên tìm hiểu chi tiết xem đơn vị tổ chức có chức năng về công việc này hay không, mục đích khóa học, lịch trình cụ thể như thế nào... Và quan trọng nhất vẫn là cần phù hợp với nhu cầu của con cái. Nếu vì con hư, khó dạy bảo mà bắt con vào các khóa huấn luyện kiểu quân đội hay khóa tập tu... thì cũng không có tác dụng nhiều. 
Ngoài ra, nếu các con không tự nguyện và hiểu rõ về những hoạt động này sẽ dẫn tới tình trạng bị sốc, không thích ứng được với khóa học, tạo áp lực không cần thiết của một “học kỳ thứ 3” với con cái trong dịp hè. 
Các em cần được nghỉ ngơi, được tiếp xúc với thiên nhiên, được làm và học những công việc mình ưa thích. Phụ huynh cần tìm hiểu sở thích của các con để có thể cho con tham dự các câu lạc bộ nghệ thuật hay rèn luyện thể lực, cho các con đi dã ngoại, hay về quê với ông bà, họ hàng... 
“Một trong những lĩnh vực mà tôi cho rằng rất có ích là cho các con tham gia hoạt động tập thể, hoạt động xã hội như các chương trình tình nguyện giúp đỡ các bạn học sinh nghèo, gia đình thương bình, liệt sĩ... các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khối phố... Điều này giúp các em thu được nhiều bài học thực tế và có cách nhìn nhân văn”- bà Quý nhấn mạnh.
Uyên Na

Đọc thêm