"Doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch - đã có cái nhìn rất cảm thông đối với các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch. Theo cái nhìn của bà, doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào.
"Doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào"

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch - nhận định: Bất động sản du lịch của Việt Nam trong vài năm trở lại đây phát triển rất nhanh với nhiều loại hình mới. Về cơ bản, chúng ta có 7 loại hình bất động sản du lịch từ lâu nhưng thời gian gần đây lại 'nóng' do vấn đề sở hữu.

Ví dụ như vấn đề mua bán khách sạn. Do nhiều nhà đầu tư quan tâm đến du lịch, nhiều người có thể mua chung một bất động sản. Như vậy từ 1 chủ đầu tư thì bây giờ đã có 100 chủ đầu tư sở hữu chung một mô hình bất động sản du lịch. Từ đó đặt ra vấn đề quyền sở hữu của chủ đầu tư trong vấn đề bất động sản du lịch.

Theo bà, bản chất, khi sở hữu chung các mô hình bất động sản du lịch, lợi thế sẽ được chia sẻ, rủi ro sẽ được chia đều. Như vậy, rõ ràng điều này cũng đem đến những mặt lợi và mặt hại nhất định.

"Doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào" ảnh 1

Bà Bình thông tin: Hiện nay tại Viêt Nam, ngành du lịch thu hút du khách quốc tế đang bắt đầu được khởi sắc trong tháng 11 với 5 điểm đến quốc tế: Phú quốc, Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Tất nhiên, Nhà nước đang tính toán đến việc mở đến đâu phải an toàn đến đấy. Với du lịch nội địa cũng đã có những chính sách kích cầu ở những vùng xanh, vùng vàng và cả vùng cam.

Theo nhận định của Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, Việt Nam đang được khu vực đánh giá cao về phát triển du lịch. Những năm vừa qua những giải thưởng lớn nhất của thế giới đều dành cho Việt Nam. Vì vậy, chúng ta thực sự cần quan tâm đến lĩnh vực này, nên có những ưu đãi cụ thể.

"Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch đang là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào. Chỗ nào nhanh nhất cũng phải 10 - 20 năm mới thu hồi lại vốn nên lãi thu của du lịch đang rất thấp. Vì vậy, chúng ta cần có những chính sách giảm chi phí đầu vào, chính sách thuế... mới thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, cần xác định về quyền sở hữu của bất động sản du lịch để có sự rõ ràng cho nhà đầu tư khi có quan tâm." - bà đưa ý kiến.

Cũng tại Hội thảo, ông TS. Vũ Tiến Lộc, ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đồng quan điểm nhận định về tiềm năng thị trường Bất động sản Việt Nam. Ông nói:

"Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây có những kết quả bùng nổ và hiện nay phát triển nhất là lĩnh vực bất động sản, phát triển du lịch có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế. Việt Nam có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về du lịch rất lớn. Hiện nay, trên thế giới, so về tiềm năng phát triển du lịch, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển lớn nhất.

Lĩnh vực bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng đang là nội dung quan trọng, là ngành có nhiều sự sáng tạo và tạo ra nhiều giá trị nhất. Vì vậy để tối ưu những điểm mạnh và giá trị đó, chúng ta cần có những chính sách, pháp lý phù hợp để tạo đà cho sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch."

Sáng 16/11, tại trường ĐH Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.

Hội thảo "Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” do Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) - đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.

Đọc thêm