Doanh nghiệp dính vào tranh chấp, cổ phiếu giảm giá đổ lỗi cho ai?

(PLVN) - Ngày càng nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán dính vào các vụ kiện nội bộ và các vụ án hình sự khiến cổ phiếu lao dốc như trường hợp của Vinaconex (mã chứng khoán VGC) và Ngân hàng Eximbank (mã chứng khoán EIB). Khi có tranh chấp, Tòa án sẽ vào cuộc, can thiệp bằng các quyết định tư pháp khiến doanh nghiệp gặp không ít rắc rối. Các doanh nghiệp bị kiện có “đổ lỗi” cho tòa án được không?

Gần đây, hai vụ kiện ở hai đầu đất nước liên quan đến các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán rất được giới đầu tư quan tâm là vụ việc các cổ đông của Vinaconex khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam – Eximbank yêu cầu dừng thực hiện nghị quyết của HĐQT về bầu chủ tịch mới. Cả hai vụ kiện diễn ra đầu năm 2019 đều được Tòa án thụ lý giải quyết và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để dừng các nghị quyết mới được ban hành.

Tại Hà Nội, sau khi nhận đơn của các cổ đông của Vinaconex là Công ty Star Invest và Công ty Cường Vũ đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dừng thực hiện nghị quyết phiên họp bất thường ngày 11/1/2019 của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex, ngày 27/3/2019, TAND quận Đống Đa đã có quyết định số 01/2019/QĐ-BPKCTT dừng thực hiện nghị quyết này.

 

Ngay sau đó, ngày 28/3/2019, Vinaconex khiếu nại quyết định của Tòa án với nội dung  cho rằng quyết định này của tòa có hiệu lực ngay và lập tức đình chỉ toàn bộ hoạt động của HĐQT, BKS của Vinaconex, làm đình trệ hoạt động của Công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Công ty đã lấy dẫn chứng về việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với số tiền mất đi là 1.236 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong văn bản giải quyết khiếu nại, TAND quận Đống Đa cho rằng việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 là phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người yêu cầu và các cổ đông của Vinaconex. Từ đó, TAND quận Đống Đa đã bác đơn khiếu nại của Vinaconex.

Tại cuộc họp ngày 1/4/2019 giữa Vinaconex với các cổ đông và giới truyền thông, Luật sư Lê Thanh Sơn, người bảo vệ quyền và lợi ích của Vianconex cũng cho rằng, khi Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn, buộc Công ty dừng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 thì đồng nghĩa với việc HĐQT hiện nay của Công ty không được phép hoạt động và đây không phải là trường hợp cá biệt.

Với Vinaconex thì rõ ràng quyết định này của Tòa án có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp này vì HĐQT mới được bầu đã phải dừng hoạt động, điều này tác động không nhỏ đến hoạt động quản trị của bộ máy quản trị, đặc biệt là những vấn đề cần HĐQT xem xét, giải quyết.

Cũng thời điểm này, ngày 27/3/2019, TAND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc các đồng bị đơn (thành viên HĐQT) và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Ngân hàng Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án. Người mới được bầu Chủ tịch HĐQT của Eximbank đã không thể thực hiện chức vụ do quyết định của cơ quan tư pháp.

Đánh giá về các vụ việc này, Luật sư Trần Việt Hùng, ĐLS TP Hà Nội cho biết việc áp dụng quyết định khẩn cấp tạm thời là có căn cứ pháp lý khá rõ ràng. Khi xem xét tính cấp thiết để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa phải đánh giá về khả năng tác động của văn bản mà đương sự yêu cầu dừng thực hiện, đó là nghị quyết của đại hội đồng cổ đông hay nghị quyết của HĐQT vì nếu không dừng thực hiện nghị quyết đó thì một hiện trạng mới có thể được tạo ra mà sau này không khắc phục được. Khi quyết định, Tòa án phải xem các yếu tố nguy cơ hiện hữu là cơ sở cho việc ngăn chặn thực hiện quyết định của doanh nghiệp.

“Việc áp dụng các biện pháp tư pháp để dừng quyết định của bộ máy quản trị doanh nghiệp là có tác động không nhỏ nhưng không khiến cho doanh nghiệp bị tê liệt hoạt động vì bộ máy quản lý của doanh nghiệp, ngoài HĐQT còn có ban điều hành và bộ máy quản trị khác, đặc biệt là Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty vẫn đang điều hành công ty bình thường. Do đó, không thể cho rằng quyết định của Tòa án khiến doanh nghiệp bị tê liệt”, Luật sư Trần Việt Hùng khẳng định.

Sau khi bị “thổi còi” buộc HĐQT phải dừng hoạt động, Vinaconex đã khiếu nại quyết định của Tòa án và cho rằng, việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại về vật chất cho công ty, cụ thể là số tiền 1.236 tỷ mất đi trong một phiên giao dịch chứng khoán. Đến thời điểm này, Vinaconex vẫn coi sự kiện bị “treo” nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho công ty và đổ lỗi này cho tòa án cũng như cổ đông khởi kiện.

Nói về điều này, Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh sáng Công lý cho biết, việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phải là căn cứ để xác định “thiệt hại” của doanh nghiệp. Bởi lẽ, thị trường chứng khoán phản ứng liên tục với các sự kiện kinh tế, chính trị, pháp lý hàng ngày. Sự tăng/giảm giá do nhiều yếu tố, nhiều nhất là tâm lý của nhà đầu tư. Sự phản ứng lạc quan với sự kiện nào đó liên quan thì giá cổ phiếu tăng và ngược lại; hôm trước giảm, hôm sau lại tăng là chuyện bình thường của thị trường chứng khoán nên không thể quy kết sự giảm giá đó là do quyết định của Tòa án.

Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh sáng Công lý
Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh sáng Công lý

“Giá cổ phiếu nhạy cảm với các sự kiện liên quan theo chiều hướng lạc quan hay bi quan nên trong một phiên giao dịch, khó có thể kết luận nguyên nhân cụ thể là vấn đề gì. Khi giá tăng/giảm mà cổ phiếu không có giao dịch thì chủ sở hữu cơ bản không được/mất gì. Trường hợp giá giảm mà chủ sở hữu đã khớp lệnh bán thì có thể mất tiền thật, nhưng đó là quyết định của người đặt lệnh mua bán và anh ta phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình, không thể đổ lỗi cho các yếu tố liên quan, trong đó có quyết định của cơ quan tư pháp”, Luật sư Lê Văn Kiên nhấn mạnh.

Cũng bàn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Chí Đại, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lai Châu cho biết, cổ phiếu là tài sản của cổ đông và việc tăng/giảm giá cổ phiếu liên quan đến việc tăng hay giảm giá trị tài sản của cổ đông chứ không phải là tài sản của Vinaconex. Do đó, Vinaconex lấy thông tin về một vài phiên giao dịch có giá giao dịch thấp để cho rằng đây là thiệt hại thực tế của công ty là không có căn cứ.

Theo ý kiến của hầu hết các luật sư được hỏi thì trong thời kỳ mà tranh chấp trong nội bộ công ty cổ phần xảy ra như cơm bữa vì việc Tòa án tham gia giải quyết và ra các quyết định tư pháp để ngăn chặn những việc làm đe dọa gây thiệt hại cho cổ đông, nhất là nhóm cổ đông yếu thế là chuyện phổ biến mà các doanh nghiệp cần phải quen dần với điều này. Không thể lấy lý do các quyết định tư pháp gây ra giảm giá cổ phiếu để chỉ trích các quyết định tư pháp hay lên án các cổ đông khởi kiện chỉ vì họ thực hiện các quyền hiến định của họ.

“Các doanh nghiệp bị kiện không thể kiện lại các cổ đông của mình để đòi bồi thường vì việc khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hay quyết định của HĐQT là quyền của cổ đông. Khi cổ đông thực hiện quyền này, pháp luật bảo vệ họ nên thực tế có xảy ra việc giảm giá cổ phiếu hay ảnh hưởng đến hoạt động quản trị doanh nghiệp thì cũng không thể đổ lỗi cho cổ đông khởi kiện hoặc yêu cầu họ phải bồi thường vì việc kiện tụng này”, Luật sư Nguyễn Chí Đại cho biết thêm.

Nhiều ý kiến đánh giá, việc khởi kiện của Cường Vũ và Star Invest là cần thiết để ngăn ngừa sự lạm quyền và thâu tóm lợi ích của nhóm cổ đông lớn hơn. Thực tế đã chứng minh HĐQT Vinaconex đã phải xem xét cẩn trọng hơn trong việc thực hiện các nghị quyết đã được thông qua có thể gây tổn hại đến Tổng công ty. Quyết định của TAND Quận Đống Đa cũng khiến bộ máy quản trị phải thận trọng hơn, như trường hợp dừng mua cổ phiếu quỹ có thể tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng của Vinaconex. Đó là những tác động rõ ràng và tích cực từ phía cơ quan tư pháp.