Doanh nghiệp hàng không nỗ lực vượt qua “mùa Covid”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng không là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chưa có một doanh nghiệp hàng không nào ở Việt Nam phải phá sản, ngược lại đang trụ vững và sẵn sàng bay khi được phép cất cánh. Bí quyết nào đã giúp các doanh nghiệp hàng không giữ được sức khoẻ như vậy?
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được hỗ trợ gói 12.000 tỷ đồng
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được hỗ trợ gói 12.000 tỷ đồng

Được hỗ trợ hàng ngàn tỷ

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), từ đầu năm 2020 tới nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, tức khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lỗ về hoạt động hàng không 16 nghìn tỷ đồng. Đến giữa năm 2021, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng trên đã lên tới 36 nghìn tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ các hãng hàng không, các doanh nghiệp liên quan như cung cấp suất ăn, nhiên liệu bay, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ mặt đất cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề và hiện đang khó khăn, phải tiết giảm nhiều chi phí, hoạt động cầm chừng. Song hành cùng những khó khăn của doanh nghiệp hàng không là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Phạm Việt Dũng – Chủ tịch VABA cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp hàng không đều được áp dụng các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm chi phí cất hạ cánh, giảm phí môi trường, giảm phí dịch vụ tại sân bay, hỗ trợ lãi vay... “Trong điều kiện các ngành kinh tế khác cùng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp hàng không cũng đang cố gắng xoay xở, khắc phục khó khăn để duy trì, tồn tại. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết, quan trọng để cùng các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn”, ông Dũng nói.

Các hãng Hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Các hãng Hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Đặng Anh Tuấn – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ về phí cất hạ cánh, phí bảo vệ môi trường, gia hạn trả lãi suất… thì Vietnam Airlines còn được hỗ trợ cụ thể về các khoản tín dụng. Cụ thể, Vietnam Airlines được vay ưu đãi gói 4 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng sẽ giải ngân khoản tiền này là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB). “Sau khi giải ngân tổng số tiền 4 nghìn tỷ đồng cho Vietnam Airlines dưới hình thức cho vay ưu đãi, các tổ chức tín dụng này sẽ được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với lãi suất 0%”- đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Cũng theo ông Đặng Anh Tuấn, ngoài số tiền mặt 4 nghìn tỷ đồng kể trên, Nhà nước còn hỗ trợ Vietnam Airlines bằng cách đồng ý để đơn vị này tăng vốn điều lệ bằng cách cho phát hành trái phiếu cho cổ đông hiện hữu để thu về 8.000 tỷ đồng. Cụ thể, phương án này đã được Vietnam Airlines thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên vừa được đơn vị này tổ chức mới đây. “Dự kiến việc phát hành trái phiếu sẽ được thực hiện trong cuối quý III đầu quý IV năm nay”- ông Đặng Anh Tuấn nói và cho biết, như vậy, tổng cộng trong năm nay, Vietnam Airlines được Nhà nước trực tiếp hỗ trợ hoặc tạo cơ chế hỗ trợ tổng cộng là 12 nghìn tỷ đồng. “Đây là số tiền rất quan trọng để Vietnam Airlines duy trì hoạt động và phát triển trong thời gian tới”- đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Ngoài được hỗ trợ từ phía Nhà nước, để vượt qua khó khăn, Vietnam Airlines cũng tự xoay xở các phương án. Cụ thể, đơn vị này đã thực hiện các giải pháp tự thân để tiết kiệm được 6.066 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, gồm: giảm chi phí và sửa chữa bảo dưỡng máy bay, gần 5.300 tỷ đồng; tổ chức lại lao động và tổ chức lại sản xuất như giảm 4 đầu mối Ban/đơn vị ở cấp Tổng công ty và khoảng 70 đầu mối cấp phòng ở các cơ quan, đơn vị, qua đó tiết giảm được trên 800 tỷ đồng. Dự kiến, cả năm 2021, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tiết kiệm được khoảng 9.450 tỷ đồng. Ngoài ra, hãy còn đấu giá để bán 11 chiếc máy bay thân hẹp A321để cải thiện dòng tiền.

Tăng vốn điều lệ, kinh doanh tài chính

Ngoài Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways cũng có những bí quyết riêng để vượt qua khó khăn. Cụ thể, tháng 4/2021, Vietjet đã bán gần 18 triệu cổ phiếu quỹ và thu về khoảng 2.350 tỷ đồng nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Còn Bamboo Airways, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp này đã ba lần tăng vốn điều lệ. Lần đầu là vào tháng 2, nâng vốn từ 7 nghìn tỷ lên 10,5 nghìn tỷ đồng; hai lần sau đều diễn ra vào tháng 4, nâng vốn lên 12,5 nghìn tỷ đồng và 16 nghìn tỷ đồng.

Ngoài dịch vụ vận tải hàng không, VietJet Air và Bamboo Airways còn có nhiều mảng kinh doanh khác về tài chính, bất động sản… để bù lại vào khoản tài chính thiếu hụt của mảng hàng không. Do đó, dù lĩnh vực hàng không thâm hụt nhưng khi cân đối các khoản tài chính lĩnh vực khác, DN sở hữu VietJet Air và Bamboo Airways đều không thua lỗ. Nói về điều này, chủ tịch VATA cho biết: “Các hãng bay VietJet Air và Bamboo Airways có các hoạt động tài chính khác nên vẫn cân đối được tài chính, trong khi Vietnam Airlines chỉ đơn thuần kinh doanh vận tải hàng không nên gặp khó khăn hơn và đã được Nhà nước hỗ trợ bằng gói tín dụng 12.000 tỷ đồng”.

Theo ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA, đơn vị này dự báo, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, đến khoảng tháng 6/2022 thì ngành hàng không trong nước sẽ phục hồi. Tuy nhiên, để có được kết quả khả quan đó, ngoài việc dịch bệnh được khống chế thì sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các gói giải pháp là rất quan trọng. “Chúng tôi đã đề xuất lên Chính phủ những giải pháp cụ thể để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không”, ông Nề cho biết và nhận định, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp hàng không là thấy rõ. Nhưng qua đó, các doanh nghiệp đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm.

“Doanh nghiệp hàng không cần tăng doanh thu phụ trợ, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu hoạt động tài chính; cắt giảm chi phí hoạt động; cải tổ, tái cấu trúc doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để phù hợp với tình hình mới”- ông Nề cho biết.

Vị này cũng đánh giá cao các doanh nghiệp hàng không thời gian qua đã tự xoay xở, đưa ra các giải pháp rất kịp thời và hiệu quả ứng phó với các khó khăn để đứng vững. “Các doanh nghiệp đã không thụ động, không có tâm lý chỉ trông chờ vào các giải pháp, chính sách của Nhà nước. Do đó, hiện nay các doanh nghiệp hàng không dù đang rất khó khăn nhưng khi cơ hội bay được mở ra thì các hãng bay luôn đủ sức khoẻ, sẵn sàng phục vụ hành khách một cách tốt nhất”- Tổng Thư ký VABA cho biết.

Đọc thêm