Doanh nghiệp kêu cứu vì bản án liên quan đến Hứa Thị Phấn và đồng phạm

(PLO) - Cho rằng việc Tòa án buộc Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam - VNECO hoàn trả lại 200 tỷ đồng xác định là vật chứng vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm sẽ gây hậu quả trực tiếp nghiêm trọng, VNECO đã làm đơn khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Đơn kêu cứu của VNECO.
Đơn kêu cứu của VNECO.

Mối liên kết giữa VNECO và Ngô Kim Huệ

Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm có 28 bị cáo, 1 nguyên đơn dân sự, 75 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; 138 người đồng thời là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng; 42 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 10 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong đó, Tổng công ty cổ phần xây dựng Điện Việt Nam được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vì đã có hợp tác đầu tư với bị cáo Ngô Kim Huệ.

Trao đổi với báo PLVN, VNECO cho hay, ngày 12/10/2007, VNECO và bị cáo Huệ ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư về xây dựng công trình phức hợp cao tầng trên khu đất 80.352m2 tại thị trấn Tân Tức, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Theo đó, phương thức góp vốn là bị cáo Huệ góp bằng Quyền sử dụng lô đất trị giá 357,5 tỷ đồng, được sở hữu 10% dự án.

Trong lúc chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án để đảm bảo quyền lợi cho bà Huệ thì bà Huệ được nhận khoản vốn góp của VNECO tương đương 90% giá trị lô đất là 321,7 tỷ đồng. 

Sau đó, VNECO đã chuyển cho bà Huệ số tiền 310 tỷ đồng theo 8 ủy nhiệm chi từ 22/10/2017 đến 07/11/2007 bằng nguồn vốn tiền phát hành trái phiếu và vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc sang tên để VNECO đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đất trên không hoàn thành đúng tiến độ theo thỏa thuận trong Hợp đồng. Do đó đến ngày 25/6/2010 hai bên đã lập biên bản làm việc thống nhất chấm dứt hợp đồng hợp tác và nghĩa vụ tài chính do bà Huệ vi phạm hợp đồng.

Đến ngày 30/6/2010 VNECO và bị cáo Huệ thống nhất ký bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư số 1001/TLHĐ/VNECO-NKH. Theo đó bị cáo Huệ phải trả lại cho VNECO 400 tỷ đồng bao gồm 310 tỷ đồng tiền gốc đã góp và 90 tỷ đồng bù đắp các khoản lãi vay, chi phí khác phát sinh.

Thực hiện thanh lý Hợp đồng, bị cáo Huệ đã chuyển trả cho công ty số tiền 400 tỷ đồng chia làm 4 lần (mỗi lần 100 tỷ) vào các ngày 03/8/2010, 09/09/2010, 22/02/2011, 17/3/2011.

Thu được tiền từ bị cáo Huệ, VNECO đã sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí như trả tiền nhân công, tiền lương, tiền vật tư, tiền đền bù và các chi phí khác phục vụ thi công hoàn thiện đúng tiến độ các công trình điện quốc gia bao gồm: ĐZ 220KV Vĩnh Tân – Sông, ĐZ 220KV Vũng Áng – Hà Tĩnh, ĐZ 500KV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, ĐZ 500KV Phú Mỹ Sông Mây, ĐZ 220KV Cầu Bông – Hooc Môn, ĐZ 500KV Duyên Hải – Trà Vinh, Trạm BA 500KV Duyên Hải.

Ngày 31/5/2018, vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm bị TAND TP Hồ Chí Minh được đưa ra xét xử sơ thẩm, VNECO được xác định là Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án do có liên quan đến số tiền 200 tỷ đồng bị cáo Huệ đã chuyển cho Tổng Công ty trong số tiền 400 tỷ đồng nêu trên. 

HĐXX đã tuyên, Buộc Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam phải hoàn trả lại số tiền 200.000.000.000 (hai trăm tỷ) đồng được xác định là vật chứng vụ án, cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam. Tòa cũng xác định, quan hệ giữa bị cáo Hứa Thị Phấn, bị cáo Ngô Kim Huệ, bị cáo Bùi Thị Kim Loan, Tổng Công ty Xây dựng Điện Việt Nam sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi các bên có yêu cầu theo quy định pháp luật.

VNECO kêu cứu giám đốc thẩm

Trao đổi với PV, đại diện phía VNECO cho biết, VNECO không đồng ý với nội dung bản án này do đó đã kháng cáo về phần bản án nêu trên. Đến ngày 22/10/2018, phiên tòa phúc thẩm được mở, và tuyên y án sơ thẩm.

Theo VNECO, Tổng công ty ký hợp đồng hợp tác và thỏa thuận thanh lý hợp đồng với bà Ngô Kim Huệ là hoàn toàn tự nguyện, hợp pháp, công khai, minh bạch, không vi phạm pháp luật.

Đối với số tiền 310 tỷ đồng, VNECO chuyển cho bị cáo Huệ để hợp tác đầu tư có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và vay của ngân hàng BIDV.

Sau đó, Tổng công ty đã nhận đủ 400 tỷ đồng từ bà Huệ chuyển trả nợ qua tài khoản ngân hàng, chính là số tiền mà công ty đã chuyển cho bà Huệ để hợp tác đầu tư và tiền lãi phát sinh từ khoản tiền đó trong thời gian bà Huệ sử dụng tiền của tổng công ty.

“Tổng công ty không thể biết đây là nguồn tiền bất hợp pháp cũng như không được quyền biết nguồn tiền bà Huệ chuyển trả lấy từ đâu. Việc sử dụng nguồn tiền lấy từ đâu trả cho tổng công ty là trách nhiệm của các bị cáo Hứa Thị Phấn, Ngô Kim Huệ, Bùi Thị Kim Loan do đó các bị cáo này phải có trách nhiệm trả cho ngân hàng CB", VNECO nêu rõ.

Sau khi thu hồi số tiền trên, năm 2010-2011 tổng công ty đã sử dụng toàn bộ số tiền đó để thanh toán các chi phí như trên cho các dự án công trình điện quốc gia góp phần cấp điện kịp thời cho sự nghiệp CNH HĐH đất nước, mang lại lợi ích cho quốc gia và đã hòa vào dòng tiền kinh doanh của công ty cách đây gần 8 năm, bây giờ không biết tiền nào là tiền của bị cáo Huệ chuyển trả thoe biên bản thanh lý HĐ đầu tư (nếu theo phương pháp truy ngược dòng tiền).

Theo VNECO thì bị cáo Huệ và công ty đã hợp tác và thanh quyết toán cách đây 8 năm, thời gian này ngân hàng Đại Tín vẫn hoạt động kinh doanh giao dịch bình thường và vấn đề quan trọng là HĐ hợp tác đầu tư và thanh quyết toán này đúng pháp luật, diễn ra trước khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can Huệ rất lâu.

Đồng thời, VNECO cho rằng, việc hoàn lại tức là tổng công ty làm sai thì phải hoàn lại cho ngân hàng nhưng ở đây HĐ hợp tác và biên bản thanh lý là đúng luật.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên về quan hệ giữa bị cáo Phấn, Huệ, Loan, tổng công ty điện sẽ được giải quyết bằng 1 vụ án khác nếu các bên có yêu cầu nhưng nếu tổng công ty kiện vụ án khác sẽ gặp khó khăn không thể thi hành do những người này đang phải chấp hành án và tất cả tài sản của các bị cáo liên quan đã bị kê biên xử lý do đó nếu kiện thắng cũng chỉ là bản án trên giấy không thể thi hành.

Việc Tòa án buộc tổng công ty hoàn trả lại 200 tỷ đồng sẽ gây hậu quả trực tiếp cho công ty, gây ra sự bất bình, bức xúc và phản kháng từ cổ đông, nhà đầu tư, người lao động; không còn nguồn vốn để thực hiện thi công các công trình điện khác cho quốc gia; dẫn đến việc khó khăn tài chính, phá sản, mất việc làm hàng ngàn người lao động.

"Sau khi kết thúc phiên xử phúc thẩm, phía VNECO đã có đơn khiếu nại theo thủ tục Giám đốc thẩm vụ án này", đại diện VNECO cho biết.