Sai sót ở đâu?
Trong lá đơn kêu cứu gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Đại diện ủy quyền của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Nam (Khu 4, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết, Công ty Cổ phần Phú Nam có tiền thân là Công ty TNHH Phú Nam. Từ năm 2009, Công ty TNHH Phú Nam đã chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty Cổ phần Phú Nam.
Trước đó, trong quá trình kinh doanh, Công ty TNHH Phú Nam có vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Ngân hàng Agribank) chi nhánh phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội số tiền 10 tỷ đồng. Cuối năm 2010 do hoạt động kinh doanh khó khăn nên việc trả lãi ngân hàng của Công ty bị ảnh hưởng.
Tháng 04/2011, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khởi kiện Công ty Cổ phần Phú Nam ra Tòa án Hà Nội. Sau đó, các bên đã thỏa thuận được về thời hạn trả nợ, được TAND TP Hà Nội ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận.
Tuy nhiên, tại Quyết định Công nhận sự thỏa thuận số 79/2011/ QĐST-KDTM của TAND thành phố Hà Nội ngày 01/06/2011 lại xác định bị đơn trong vụ án phải trả nợ cho Ngân hàng là Công ty TNHH Phú Nam chứ không phải là Công ty Cổ phần Phú Nam. Thực tế Công ty TNHH Phú Nam thời điểm năm 2011 đã không còn, do đã chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Phú Nam. Thông tin này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ xác nhận.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, Công ty TNHH Phú Nam là Công ty TNHH hai thành viên trở lên có số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 1802000357 ngày 18/12/2003. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên – Giám đốc. Tới ngày 23/09/2009, Công ty Cổ phần Phú Nam được cấp giấy chứng nhận kinh doanh số 1803000879. “Công ty Cổ phần Phú Nam được chuyển đổi từ Công ty TNHH Phú Nam”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ thông tin.
Giấy phép đăng kí kinh doanh của Công ty Cổ phần Phú Nam. |
Cùng với đó, tại Quyết định số 79/2011/QĐST-KDTM của TAND thành Phố Hà Nội ghi thời hạn trả nợ của phía Công ty là 4 tháng. Nhưng thực tế, thời gian tính mốc để trả nợ lại bị ghi nhầm chỉ còn 2 tháng. Đáng lẽ ra là kể từ ngày 1/6/2011 – ngày ban hành Quyết định, nhưng TAND TP Hà Nội lại ghi nhầm thành 1/4/2011, trước ngày ban hành Quyết định công nhận thỏa thuận 2 tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng bức xúc: “Từ những sai phạm, nhầm lẫn nghiêm trọng của Quyết định Công nhận sự thỏa thuận đã kéo theo hàng loạt các vấn đề của Cơ quan thi hành án dân sự TP Việt Trì trong suốt 7 năm (2011-2017). Doanh nghiệp chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ, quá trình thi hành án gặp nhiều vướng mắc… dẫn đến mất khả năng thanh toán, khiến công ty phá sản”.
Sự sụp đổ của một doanh nghiệp triển vọng
Công ty Cổ phần Phú Nam thời điểm đăng kí kinh doanh có vốn điều lệ gần 17 tỷ đồng. Sáu ngành, nghề được cấp phép kinh doanh của Công ty Cổ phần Phú Nam bao gồm: Đào tạo dạy nghề khách sạn, nhà hàng, du lịch..; Kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống; Điều hành tua du lịch; Kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định và theo hợp đồng; Dịch vụ vui chơi giải trí; Hoạt động hỗ trợ kinh doanh, xúc tiến thương mại.
Từ thời điểm thành lập, chuỗi nhà hàng, khách sạn của Công ty Cổ phần Phú Nam phát triển mạnh với những đầu tư táo bạo, quy mô lớn, chất lượng đảm bảo. Công ty Cổ phần Phú Nam từng được tin tưởng giao trọng trách tiếp đón những đoàn công tác trong và ngoài nước về làm việc với TP Việt Trì và tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã khiến Công ty Cổ phần Phú Nam lâm vào hoàn cảnh khó khăn như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác.
Công ty Cổ phần Phú Nam đã cố gắng cầm cự tới thời điểm 2010 nhưng gặp khó khăn trong việc trả nợ cho Ngân hàng Agribank, dẫn đến phá sản. Trong Quyết định số 79/2011/QĐSTKDTM của TAND thành Phố Hà Nội xác định, tới ngày 24/5/2011, “Công ty TNHH Phú Nam” còn nợ Ngân hàng Agribank theo hợp đồng tín dụng số 1260 LAV200600300 ngày 02/11/2006 số tiền bao gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn là hơn 13 tỷ đồng.
Quyết định của TAND TP Hà Nội có quá nhiều sai sót, nhầm lẫn. |
Trong trường hợp “Công ty TNHH Phú Nam” không thanh toán được số nợ trên thì Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản bảo lãnh, thế chấp bao gồm quyền sử dụng đất (QSDĐ) và các vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở 7 tài sản bảo lãnh với tổng diện tích lên tới hơn 6.200m2 cùng nhiều công trình đồ sộ và giá trị trên đất.
Theo chứng thư thẩm định của Công ty DATC (Công ty cổ phần định giá và đấu giá DATC Phía Bắc) thì toàn bộ tài sản trên đất tại trụ sở Công ty Cổ phần Phú Nam có giá trị hơn 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần đấu giá số tài sản nói trên của Công ty Cổ phần Phú Nam được mua lại với giá chỉ là 8,7 tỉ đồng. Toàn bộ sự nghiệp gây dựng sau nhiều năm của Công ty Cổ phần Phú Nam tan biến như bong bóng xà phòng.
Liên quan đến vụ việc nói trên, Luật sư Giang Văn Quyết, Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm, việc TAND TP Hà Nội xác định không đúng bị đơn trong bất cứ vụ án nào cũng là “vi phạm pháp luật”. Bị đơn phải là cá nhân, hoặc pháp nhân có năng lực pháp luật và năng lực hành vi để tham gia tố tụng theo Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Trước đây là Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự 2004).
“Thời điểm toà án xét xử Công ty TNHH Phú Nam không tồn tại thì không thể là bị đơn trong vụ án. Việc xác định bị đơn cụ thể là ai không chỉ là trách nhiệm của nguyên đơn mà còn là trách nhiệm của Toà án. Việc kiểm tra thông tin của pháp nhân cũng không hề khó. Khi có thể dễ dàng kiểm tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Sở kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội trong vụ việc này đã quá ẩu và vội vàng”, Luật sư Giang Văn Quyết nhận định.
Theo quy định của pháp luật, Toà án hoàn toàn có quyền yêu cầu bị đơn phải cung cấp bản chính hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh (giống giấy tờ tùy thân của cá nhân) để tránh những sai sót đáng tiếc như trên.
Luật sư Giang Văn Quyết cho rằng, Quyết định số 79/2011/QĐST-KDTM của TAND thành Phố Hà Nội đã gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp khi xác định sai bị đơn. Thiệt hại như nào thì lại phụ thuộc vào diễn biến cụ thể của việc thi hành án. Như trong vụ việc báo chí nêu thì rõ ràng Công ty Cổ phần Phú Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề, gần như đã xoá xổ một công ty vốn rất có tiềm lực kinh tế ở địa phương.