Doanh nghiệp “xẻ thịt” lao động để “bù” phí “phần mềm”

100% Doanh nghiệp XKLĐ phải thu phí môi giới cao hơn quy định để bù lỗ cho các chi phí “phần mềm” như: xin các loại giấy phép “con” khi vào thị trường, tuyển nguồn lao động,“lobby”đơn hàng tốt…Thông tin này được doanh nghiệp XKLĐ thừa nhận tại cuộc tọa đàm “XKLĐ, chính sách, trách nhiệm và lợi ích” do báo Lao động tổ chức sáng nay, 3.5 tại Hà Nội.

100% Doanh nghiệp XKLĐ phải thu phí môi giới cao hơn quy định để bù lỗ cho các chi phí “phần mềm” như: xin các loại giấy phép “con” khi vào thị trường, tuyển nguồn lao động,“lobby”đơn hàng tốt…Thông tin này được doanh nghiệp XKLĐ thừa nhận tại cuộc tọa đàm “XKLĐ, chính sách, trách nhiệm và lợi ích” do báo Lao động tổ chức sáng nay, 3.5 tại Hà Nội.

Lao động làm việc ở nước ngoài, ảnh MH
Lao động làm việc ở nước ngoài, ảnh MH

“Một tiền gà, ba tiền thóc”

Bộ LĐTBXH đang tiến hành thanh kiểm tra, rà soát toàn diện 67 doanh nghiệp được phía Đài Loan cấp giấy phép cung ứng lao động cho thị trường này.

Trước đó, để chấn chỉnh toàn diện thị trường Đài Loan, Bộ LĐTBXH đã ban hành văn bản số 341 với nhiều giải pháp “mạnh” trong đó có việc kiểm soát chặt mức chi phí lao động phải nộp khi đi làm việc tại Đài Loan. Kể từ ngày 1.4.2012, nếu phát hiện lao động phải nộp các mức phí cao hơn quy định thì doanh nghiệp đó sẽ bị xử phạt và thậm chí thu hồi giấy phép.

Những “biện pháp mạnh” được áp dụng cho thị trường Đài Loan bởi tỷ lệ lao động bỏ trốn ở thị trường này đã lên tới mức báo động ( trên 8%), đe dọa đóng cửa thị trường lần thứ 2. Trong khi đó, số liệu điều tra thực tế của Ủy ban lao động Đài Loan cho thấy lao động Việt Nam bị thu phí xuất cảnh chênh lệch so với quy định từ 1800-2500 USD/ lao động.

Lý giải cho mức phí cao chót vót này, theo “những người trong cuộc” là bởi mức phí môi giới bị đối tác Đài Loan đẩy lên cao.
 
“Môi giới Đài Loan với số lượng đông đảo đã tranh giành đơn hàng, ép doanh nghiệp Việt Nam phải nâng phí môi giới. Nhiều doanh nghiệp yếu thế, ỉ lại hoặc trao quyền cho cá nhân trong và ngoài nước thao túng giấy phép, đẩy chi phí lên cao nhằm giành giật đơn hàng. Chi phí cao đã làm gia tăng nguy cơ lao động bỏ trốn”, ông Lê Minh Đức, giám đốc Cty CP đầu tư và thương mại CTM cho biết.

Bên cạnh việc phí môi giới đội lên khiến phí xuất cảnh cao hơn quy định, nhiều doanh nghiệp cho biết họ buộc phải thu thêm các phí “phần mềm” để bù đắp cho các chi phí như khai thác thị trường, tạo nguồn…trong bối cảnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn quá rườm rà và nặng cơ chế xin- cho.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân- Phó chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết mặc dù pháp luật đã có quy định doanh nghiệp được cấp phép hoạt động XKLĐ có đủ cơ sở pháp lý để khai thác đơn hàng ở các thị trường ngoài nước nhưng thực tế các doanh nghiệp vào thị trường mới đều phải xin và được sự chấp thuận của Cục QLLĐNN và Bộ LĐTBXH mới được triển khai.

Ngay cả việc đăng ký hợp đồng cũng rườm rà và có nhiều dư luận về việc có tiêu cực trong khâu này.

Về địa phương các doanh nghiệp tiếp tục bị “hành” với các thủ tục hành chính khác và thậm chí phát sinh các giấy phép con mới được về tuyển lao động tận nguồn.

“Một tiền gà, ba tiền thóc” đã khiến cho “suất” đầu tư ban đầu của các doanh nghiệp XKLĐ cao và họ phải “tận thu” bằng cách “xẻ thịt” chính lao động.

Giải bài toán “giảm chi phí, tăng trách nhiệm”

 Không có “gan” xẻ thịt lao động, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án cạnh tranh khác, đó là họ phớt lờ các quy định về xin tham gia thị trường hoặc đăng ký thẩm định hợp đồng.

Thị trường Libya trước khi xảy ra chiến sự là một trong những thị trường rất “nóng” và Bộ LĐTBXH đã hạn chế số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường. Nhiều doanh nghiệp vẫn tự ý đi khai thác đơn hàng và đưa lao động đi mà không báo cáo Bộ LĐTBXH. Khi chiến sự xảy ra phải sơ tán lao động về nước mới “phát lộ” gần chục công ty có lao động ở Libya mà không nằm trong danh sách được phép triển khai. Sau đó Cục QLLĐNN đã xử phạt hành chính các doanh nghiệp này.

Mới đây, công ty Vivaxan Hà Tĩnh cũng bị Cục QLLĐNN xử phạt 55 triệu đồng do đưa lao động đi Hàn Quốc nhưng không thẩm định hợp đồng.

Lao động Libya về nước trước hạn làm phát lộ những doanh nghiệp đưa lao động đi không thẩm định hợp đồng
Lao động Libya về nước trước hạn làm phát lộ những doanh nghiệp đưa lao động đi không thẩm định hợp đồng

Tại cuộc hội thảo sáng nay, 3.5, Cục QLLĐNN cũng công bố đã kiểm tra và xử phạt 119 lượt doanh nghiệp vi phạm trong đó có tới 76 doanh nghiệp vi phạm chế độ báo cáo, 15 doanh nghiệp không đăng ký hợp đồng…

Từng là Cục phó Cục QLLĐNN, có mặt tại cuộc hội thảo sáng nay, ông Vũ Đình Toàn thẳng thắn cho biết nguyên nhân sâu sa của tình trạng lao động bỏ trốn, lao động bị thu phí cao hơn quy định hay tình trạng bán, khoán trắng giấy phép đều bắt nguồn từ những yếu kém, bất cập trong “năng lực chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

 “Lẽ ra sau khi chúng ta có một đạo luật điều chỉnh hoạt động của lĩnh vực XKLĐ thì công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cần được tăng cường hơn. Nhưng xem ra công tác này Bộ đã xem nhẹ dẫn đến nhiều doanh nghiệp vi phạm và người lao động phải gánh chịu”, ông Toàn nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Đức cũng thẳng thắn cho rằng công tác cấp phép, quản lý doanh nghiệp XKLĐ có nhiều yếu kém, bất cập, không triệt để, thậm chí “giơ cao đánh khẽ” dẫn đến không ít doanh nghiệp làm liều, làm ẩu, gây thiệt hại cho người lao động.

Vì vậy, để ổn định và giữ vững các thị trường XKLĐ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đi xuất khẩu phải giải được bài toán “giảm chi phí, tăng trách nhiệm”. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần làm “tròn vai” của mình, “quyết liệt, công minh trong giám sát thực hiện chinh sách, tránh đầu voi, đuôi chuột”, ông Lê Minh Đức kiến nghị.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân cũng cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi phương thức quản lý, phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, đổi mới quy trình quản lý lĩnh vực này, công khai, minh bạch các tiêu chí thị trường để các doanh nghiệp chủ động lượng sức mình có tham gia được hay không. “Phải làm sao để không có các giấy phép con làm nặng gánh doanh nghiệp và người lao động”, ông Tân nói.

Anh Phương
 

Đọc thêm