Doanh nhân “bỏ phố lên rừng” tạo dựng thương hiệu cho cây Đinh Lăng

(PLVN) - Đang sở hữu, vận hành doanh nghiệp ăn lên làm ra ở một thành phố trung tâm, sầm suất, ông Trần Thanh Oanh bất ngờ quyết định giao lại công việc cho con trai, “bỏ phố lên rừng” trở thành nông dân thứ thiệt. Ông dốc sức gieo trồng, tạo dựng thành công vườn đinh lăng rộng lớn trên mảnh đất Ninh Thuận đầy nắng gió. 
Lương y Nguyễn Công Đức chia sẻ với ông Oanh về công dụng cây Đinh Lăng .
Lương y Nguyễn Công Đức chia sẻ với ông Oanh về công dụng cây Đinh Lăng .

Tiếp chuyện phóng viên giữa rừng đinh lăng, ông Oanh kể câu chuyện về cây đinh lăng đã mang lại giá trị sức khỏe cho chính bản thân ông như thế nào. Cùng với đó là những nỗi trăn trở, khó khăn trong những ngày đầu khi ông thử nghiệm gieo trồng loại cây này tại vùng đất mới. Ông luôn mong mỏi, tìm cách giúp người nông dân nơi đây vượt qua nỗi cơ cực, góp phần làm giàu cho đất nước. 

Ông Oanh kể lại: “Từ xưa cha tôi rất thích trồng cây, trong một lần ra vườn chăm sóc cây, cha tôi chỉ vào cây đinh lăng và dặn dò nếu sau này có cơ hội hãy gieo trồng và phát triển loại cây này, vì đây là giống cây giá trị”.

Điều ông không ngờ là những lời dặn dò đó đã gieo vào đầu ông một niềm mơ ước, ấp ủ về  giấc mơ một ngày nào đó sẽ đưa giá trị cây đinh lăng bay cao và vươn xa. Sau đó, ngoài việc điều hành doanh nghiệp sản xuất nhựa, gần như thời gian còn lại ông đi khắp nơi tìm tòi học hỏi, ở đâu tìm được bậc thầy am hiểu về cây đinh lăng là ông cố gắng tìm gặp cho được để tích lũy kiến thức. 

“Trong đó, lương y Nguyễn Công Đức là một trong các vị danh y mà tôi rất kính trọng và dành nhiều tình cảm tốt đẹp” ông Oanh chia sẻ. 

Một góc trang trại Đinh Lăng do ông Oanh ươm trồng tại Ninh Thuận.
Một góc trang trại Đinh Lăng do ông Oanh ươm trồng tại Ninh Thuận.  

Theo Lương y Nguyễn Công Đức, nguyên là giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, sau khi Đoàn khoa học Ba Lan đến Việt Nam nghiên cứu về đinh lăng cho thấy loại cây này hiện diện các thành phần gần như cây nhân sâm, nhưng lại phổ biến, dễ trồng. Do có mùi thơm, người xưa thường dùng đinh lăng để làm gỏi cá nên có người gọi là cây gỏi cá.

Đinh lăng thuộc họ nhân sâm, bộ phận tốt nhất là rễ, ngoài những vi lượng cần thiết phát triển khung xương cơ thể thì còn có tác dụng bồi bổ khí huyết. Khi dùng rễ đinh lăng ngâm rượu có 2 cách, nếu ngâm tươi rễ hơi nhạt nên chọn rượu nặng độ hơn một chút, còn lại nếu ngâm rễ phơi khô thì pha rượu vừa sẽ rất thơm. 

Sau khi tích lũy đủ kiến thức về đinh lăng, ông Oanh giao lại toàn bộ doanh nghiệp cho con trai quản lý, bản thân dồn sức đưa vào thử nghiệm ươm trồng có chọn lọc giống cây đinh lăng mà cha ông để lại trước đó. 

Sau khi ươm mầm thành công giống cây, ông bắt đầu tìm kiếm vùng đất để mở rộng quy mô phát triển vùng nguyên liệu đinh lăng. Đối với ông Oanh, vùng đất Ninh Thuận được xem như quê hương thứ hai của mình. Ông Oanh ví von đất Ninh Thuận “gió như phang, nắng như rang" bởi lượng mưa ít và nhiều nắng nhất cả nước. Do khí hậu khắc nghiệt nên điều kiện sống của người nông dân Ninh Thuận một số nơi vẫn còn bấp bênh. Ông nghẹn giọng khi nói về “món nợ” chưa trả được với người nông dân nơi đây.

Công nhân trang trại đang chăm sóc cây đinh lăng.
Công nhân trang trại đang chăm sóc cây đinh lăng. 

Ghé thăm trang trại của ông Oanh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô và cách bố trí khoa học của vườn đinh lăng tại đây. Một vùng đất rộng, trải dài những hàng cây vươn mình đều tăm tắp. Dưới tán cây là hệ thống cấp nước tự động được đưa đến từng gốc cây, giúp chủ động tưới tiêu hợp lý.

Với những nỗ lực không ngơi nghỉ suốt 5 năm qua, ông Oanh đang biến khu vườn cằn đá sỏi, nắng nóng quanh năm trở thành vùng dược liệu quý giá trong tương lai gần. Hy vọng với tâm huyết của mình, người doanh nhân gốc miền Tây giàu khát vọng cống hiến sẽ sớm hiện thực hóa được ước mơ trong tâm thức bấy lâu nay đã ấp ủ: “Phát triển cây Đinh Lăng, giải pháp cho nhà nông, vì sức khỏe người Việt”.

Thương hiệu rượu Sinh Tử

Củ đinh lăng khi ngâm rượu, được ví như “nhân sâm Việt Nam”, chứa nhiều thành phần, dưỡng chất quý, nếu uống lượng vừa phải, điều độ sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Chắt lọc từ những giá trị ấy, ông Oanh cho ra đời sản phẩm rượu đinh lăng mang thương hiệu “Sinh Tử”. 

Giải thích về việc chọn tên thương hiệu, ông Oanh cho biết:“Căn cứ nhận xét lâu đời của người xưa, sinh tử  tương nghĩa với âm dương, là hai mặt đối lập nhau nhưng ảnh hưởng, nương tựa và thúc đẩy lẫn nhau. Âm dương tuy bao hàm ý nghĩa mâu thuẫn nhưng nguồn gốc ở nhau mà ra,hỗ trợ,chế ước nhau mà tồn tại.Tôi chọn thương hiệu Sinh Tử vì nó mang được ý nghĩa rất hay, đặc trưng và rất khác biệt, mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe, duy trì cân bằng âm dương trong cơ thể”.  

Đọc thêm