Cuộc thi viết “Thượng tôn Pháp luật, Phát triển bền vững” năm 2019 sẽ chính thức nhận bài thi từ ngày 10/3

(PLVN) - Chương trình vinh danh Doanh nghiệp, Doanh nhân nhằm tuyên truyền, cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị thực hiện tốt quy định trong sản xuất, kinh doanh.
Buổi gặp gỡ các cơ quan truyền thông để thông tin chương trình “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” năm 2019 đã được diễn ra vào chiều 5/3
Buổi gặp gỡ các cơ quan truyền thông để thông tin chương trình “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” năm 2019 đã được diễn ra vào chiều 5/3

Chiều ngày 5/3, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ các cơ quan báo chí thông tin về Chương trình Vinh danh Doanh nghiệp, Doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” năm 2019.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam ông Vũ Hoàng Diệp đã thay mặt Ban biên tập Báo Pháp luật Việt Nam gửi lời cảm ơn tới các phóng viên đã tới tham dự và đưa tin về chương trình.

Phó Tổng biên tập Vũ Hoàng Diệp cho biết: Chương trình Vinh danh Doanh nghiệp, Doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” đã bước sang năm thứ 3, hi vọng rằng chương trình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của bạn đọc, các doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước.

Ông Vũ Hoàng Diệp -Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam công bố thể lệ cuộc thi
Ông Vũ Hoàng Diệp - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam công bố thể lệ cuộc thi

Buổi gặp gỡ đã ghi nhận nhiều câu hỏi đã được các nhà báo đưa ra với mục đích làm rõ hơn nội dung cũng như thể lệ Cuộc thi về các vấn đề liên quan đến chậm nộp thuế hay nợ thuế, trốn thuế.

Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam ông Trần Đức Vinh cho biết: Ban tổ chức đã bàn đến các vấn đề này và sẽ xem xét các vấn đề về thuế, đóng bảo hiểm xã hội và trách nhiệm với môi trường của các doanh nghiệp tham gia Cuộc thi thông qua sự phối hợp của các đơn vị có liên quan như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục thuế… để đảm bảo công bằng cho cuộc thi.

Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam ông Trần Đức Vinh trả lời một số câu hỏi liên quan đến thể lệ cuộc thi.
Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam ông Trần Đức Vinh trả lời một số câu hỏi liên quan đến thể lệ cuộc thi

“Một điều mới của chương trình trong năm 2019 đó là bên cạnh các cuộc thi viết, chương trình tọa đàm pháp luật theo chuyên đề, Ban tổ chức còn đưa ra chương trình bình chọn các các sản phẩm quảng cáo xuất sắc về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của doanh nghiệp có hiệu quả truyền thông xuất sắc, tác động lan tỏa thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng” – ông Trần Đức Vinh cho biết thêm.

Tại buổi gặp gỡ, Thể lệ Cuộc thi viết vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững”cũng chính thức được đại diện Báo Pháp luật Việt Nam công bố:

Điều 1. Mục đích và ý nghĩa 

1. Chương trình Vinh danh Doanh nghiệp, Doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” nhằm tuyên truyền, vận động và cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Đồng thời tìm kiếm và biểu dương những doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, kinh doanh thành đạt, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng pháp luật vì sự thịnh vượng chung của đất nước.

2. Chương trình là một kênh thông tin mà qua đó, các doanh nhân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thể tìm hiểu và nhận thức đúng đắn về vai trò của các thiết chế pháp luật đối với hoạt động kinh doanh bền vững của doanh nghiệp và vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, thể chế kinh tế thị trường, góp phần hoàn thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

3. Chương trình là một hoạt động nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia cùng Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao dân trí pháp lý. Chương trình còn là cầu nối đưa doanh nghiệp đến gần hơn với bạn đọc, người dân trong cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp thông qua các hoạt động áp dụng pháp luật, hoạt động xã hội của doanh nghiệp. Kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau để thúc đẩy các cơ hội đầu tư, kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm thành công và các thách thức, rủi ro, vướng mắc trong thực thi pháp luật kinh doanh.

Điều 2. Nội dung chương trình

Chương trình Vinh danh Doanh nghiệp, Doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” gồm 3 nội dung chính:

1. Cuộc thi viết doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững”.

2. Chương trình Tọa đàm pháp luật theo các chuyên đề hàng tháng với sự tham gia các doanh nhân được phản ánh qua các bài dự thi trong tháng, các luật sư, chuyên gia pháp luật, kinh tế, các nhà quản lý và báo chí truyền thông (trên Truyền hình pháp luật, Báo Pháp luật điện tử, Doanhnhan.vn, Phapluatplus, Saophapluat).

3. Bình chọn các sản phẩm quảng cáo xuất sắc về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của doanh nghiệp. Ban tổ chức thành lập Hội đồng chuyên gia để đánh giá và bình chọn các sản phẩm quảng cáo xuất sắc được thể hiện dưới 5 loại hình:

1- Sản phẩm in trên giấy : Báo, tạp chí.

2- Sản phẩm audio âm thanh: Đài phát thanh, mạng internet.

3- Sản phẩm Video – Clip : Đài truyền hình, mạng internet.

4- Sản phẩm sự kiện – Event.

5- Sản phẩm quảng cáo ngoài trời, tấm lớn.

 Có hiệu quả truyền thông xuất sắc, tác động lan tỏa thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng. Việc bình chọn được thực hiện định kỳ mỗi tháng một lần.

Điều 3: Thời gian tổ chức

Chương trình được tổ chức từ tháng 3/2019 đến tháng 10/2019.

Điều 4. Đối tượng dự thi

- Cộng tác viên, bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam.

- Phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước.

Điều 5. Đối tượng phản ánh:

- Doanh nhân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam;

- Người nước ngoài có các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế;

- Các tổ chức có hoạt động liên quan đến quản lý về kinh tế, kinh doanh.

Điều 6. Đề tài cuộc thi viết

Các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức có ý thức chấp hành pháp luật, tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển bền vững là nội dung bao trùm của cuộc thi viết.

Tùy theo loại hình và đặc thù riêng của từng doanh nghiệp, các bài dự thi có thể khai thác ở các nội dung như: Chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ và các phương thức quản trị tiên tiến; Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động;  Đảm bảo đời sống, việc làm ổn định cho người lao động; Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về sở hữu trí tuệ; Tích cực thực hiện công tác xã hội, từ thiện; Thực hiện tốt các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhân và doanh nghiệp.

Kinh nghiệm vận dụng sáng tạo các quy định pháp luật để sản xuất, kinh doanh thành công.

Kinh nghiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến sản xuất, kinh doanh.

Kinh nghiệm áp dụng khoa học, công nghệ mới, các phương pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiệu quả.

Điều 7. Yêu cầu về tác phẩm dự thi

- Tác phẩm dự thi bảo đảm tính chân thực, khách quan, chưa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tác phẩm dự thi là các bài viết (hoặc các phóng sự dưới dạng video clip).

- Đối với tác phẩm viết, mỗi tác phẩm không quá 1.800 từ kèm tối thiểu 3 ảnh. Khuyến khích tác phẩm có Infographic (thiết kế đồ họa), E magazine, clip kèm theo. Đối với tác phẩm là phóng sự dưới dạng video clip thời lượng tối đa không quá 30 phút.

- Tác phẩm dự thi phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, hòm thư điện tử của tác giả.

- Tác phẩm dự thi là bài viết phải được đánh máy hoặc viết tay sạch sẽ trên một mặt giấy. Đối với các bài dự thi gửi qua đường bưu điện ngoài phong bì và đầu bài ghi rõ: Bài dự thi Chương trình Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” gửi về Báo Pháp luật Việt Nam, số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội.

Các bài viết được đăng, tác giả được hưởng nhuận bút; Đối với các bài viết xuất sắc sẽ được trao thưởng. Bài dự thi được đăng đồng thời trên các ấn phẩm: Báo Pháp luật Việt Nam hàng ngày, Báo Pháp luật điện tử, Doanhnhan.vn, Phapluatplus, chuyên đề Doanh nhân & pháp luật; Saophapluat.

Thể loại bài viết gồm: Bài phản ánh, phóng sự, ký sự, phỏng vấn...

Người dự thi gửi bài viết với số lượng không bị giới hạn

Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ ngày 10/3/2019 đến hết ngày 10/9/2019.

Bài dự thi phải gửi qua đường bưu điện trước ngày cuối cùng nhận bài thi, căn cứ trên dấu Bưu điện. Địa chỉ thư điện tử nhận bài dự thi: thuongtonphapluat123@gmail.com.

Điều 8. Cơ cấu giải thưởng

- 01 giải Đặc biệt: Giá trị 100 triệu đồng (30 triệu tiền mặt, 70 triệu sản phẩm)

- 01 giải Nhất: Giá trị 50 triệu đồng (25 triệu tiền mặt, 25 triệu sản phẩm)

- 02 giải Nhì: Giá trị 30 triệu đồng/giải (15 triệu tiền mặt, 15 triệu sản phẩm)

- 03 giải Ba: Giá trị 20 triệu đồng/giải (10 triệu tiền mặt, 10 triệu sản phẩm)

- 10 giải khuyến khích, giá trị 10 triệu đồng (5 triệu tiền mặt, 5 triệu sản phẩm)

Đối với các doanh nhân, doanh nghiệp được Hội đồng bình chọn lựa chọn để vinh danh sẽ được nhận Cúp và Chứng nhận của Ban Tổ chức.

Điều 9. Tổ chức trao giải thưởng

1. Ban Tổ chức sẽ công bố các bài viết và tác giả đạt giải trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam sau khi Hội đồng bình chọn quyết định.

2. Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết trao giải cho các tác giả đạt giải và vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân vào tháng 10/2019, nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Đọc thêm