Gặp chàng trai là “Bạn của nhà nông”

(PLO) - Trần Đình Lai được mọi người biết đến với những sản phẩm chế tạo máy móc độc đáo, đem lại giá trị sử dụng ưu việt. Tuy còn rất trẻ nhưng anh đã chế tạo thành công hơn 20 loại máy, ddược người dân, doanh nghiệp biết tiếng. 
Anh Trần Đình Lai giới thiệu về máy móc ở xưởng
Anh Trần Đình Lai giới thiệu về máy móc ở xưởng

Đam mê cơ khí và mong muốn lập nghiệp trên quê hương

Với niềm đam mê cơ khí, anh Trần Đình Lai đã xây dựng nên được một cơ sở sản xuất lớn ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tốt nghiệp cấp 3, anh thi vào trường Trung cấp nghề ở Huế. Ra trường, anh xin làm việc tại một xưởng cơ khí ở thành phố Huế, vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm trong khoảng thời gian 4 năm.

Năm 1999, anh quyết định về quê lập nghiệp, tự mở một cơ sở tại địa phương. Đây cũng là thời điểm phong trào nuôi tôm sú phát triển khá mạnh, anh liền nắm lấy cơ hội. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu sửa chửa máy móc anh cũng sản xuất máy ép thức ăn chăn nuôi và được nhiều bà con ủng hộ. Trong mấy năm tiếp đó, việc nuôi tôm sú được mùa cũng làm cho cơ sở của anh khá phát triển, bắt đầu có sinh lời và tạo được công ăn việc làm cho nhiều người ở đây. Tuy nhiên, về sau mô hình nuôi tôm sú ở Quảng Điền gặp khó khăn vì dịch bệnh, số người tiếp tục nuôi tôm cũng giảm dần. Anh Lai cũng bắt đầu có nhiều trăn trở, suy nghĩ và phải tìm ra hướng đi mới, phải sản xuất cái gì đó mà nó hữu ích trong cuộc sống và được nhiều người lựa chọn sử dụng.

Từ lâu, trấu là một nguyên liệu được khá nhiều người sử dụng làm chất đốt bởi sự tiện lợi của nó. Nhưng từ khi có bếp gas, bếp điện thì trấu lại trở nên thừa thải, thậm chí nhiều nơi xay xát đem trấu đi đổ bừa bãi và gây ô nhiễm cho môi trường. Anh Lai chia sẻ: “Mình nhận thấy trấu giá thành rất rẻ, sao không nghĩ cách nén nó lại như củi để cung cấp cho thị trường, đặc biệt các cơ sở sản xuất công nghiệp”.

Nghĩ là làm, năm 2007 anh bắt tay vào chế tạo máy ép củi trấu. Lần đầu tiên đưa vào thử thì máy vận hành không như mong muốn. Không nản chí, anh lại tiếp tục tìm hiểu và biết nguyên nhân đó chính là do độ ẩm của trấu chưa phù hợp và tìm ra hướng giải quyết hoàn chỉnh. Đến tháng 7/2008 chiếc máy nén củi trấu của anh thành công đi vào hoạt động và cũng là thời điểm anh chính thức thành lập doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai.

Bản tính chịu khó tìm tòi học hỏi, anh Lai đã chế tạo thành công nhiều loại máy hữu ích phục vụ gười dân
Bản tính chịu khó tìm tòi học hỏi, anh Lai đã chế tạo thành công nhiều loại máy hữu ích phục vụ gười dân 

Ban đầu củi trấu anh sản xuất chỉ dừng ở mức độ nhỏ, cung ứng ở địa phương và trong tỉnh. Một thời gian, nhiều doanh nghiệp nhận thấy sự tiện lợi và giá thành rẻ đã đến doanh nghiệp của anh để mua và kí hợp đồng lâu dài. Bên cạnh đó, anh cũng cho sản xuất và bán máy ép củi trấu, trung bình mỗi năm anh bán cũng được khoảng 45 máy. Thuở đầu, nhiều người nhận thấy máy ép củi trấu của anh sinh lời, nhiều người cũng nhái làm theo mẫu thiết kế của anh. “Tôi thấy không lo ngại lắm về những việc đó. Sản phẩm máy móc bên mình làm ra luôn có thiết kế chuẩn, uy tín trên thị trường đã có. Họ có làm nhái thì máy móc đó không hoàn thiện cũng nhanh hỏng mà thôi, người mua họ sẽ lựa chọn hàng chất lượng chứ không dại gì đi mua đồ dởm”, anh Lai nói.

Thành công nối tiếp thành công

Không tự mãn với những gì mà mình đã đạt được, anh nông dân với đam mê cơ khí tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời những loại máy móc mới nhằm phục vụ con người. Anh liên tiếp cho ra đời máy cắt nước đá liên hoàn, máy sấy thực phẩm đa chức năng, máy sấy mùn cưa, máy hút thổi liệu,… mà tất cả đều được nghiên cứu nhằm tối ưu hóa việc sử dụng điện năng và tự động hóa trong sản xuất. Đặc biệt, với máy ép củi trấu của anh đã có mặt khoảng 50 tỉnh thành trong cả nước và tận Lào, Cam-pu-chia cũng sang mua máy của anh để phục vụ sản xuất. Một số nhà máy lớn như Phú Hòa An, gạch Đồng Tâm,… kí kết hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp của anh. Trong năm 2018, anh cũng đang nghiên cứu và dự định sản xuất máy sấy đông khô – một sản phẩm cũng đang được thị trường công nghiệp ưa chuộng.

Trong năm 2017, doanh nghiệp của anh thu về khoảng 4,7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cơ sở của anh cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Cơ sở của anh hiện tại có 22 nhân công và hưởng mức lương từ 5-7 triệu đồng tùy theo trình độ tay nghề. Và anh cũng luôn sẵn sàng trong các phong trào xây dựng quê hương, tham gia từ thiện và được nhiều người biết đến.

Với những sáng tạo và đóng góp của mình, anh Trần Đình Lai đã nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng có giá trị, như Giải nhì hội thi sáng tạo kĩ thuật 2011 của tỉnh Thừa Thiên Huế, Giải thưởng Lương Định Của, Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 và một số danh hiệu đạt cấp quốc gia khác.

Đọc thêm