Hoài bão của chàng trai tạo dựng thương hiệu xe máy điện Datbike

(PLVN) - Dù chưa biết Datbike sẽ thành công đến mức nào, nhưng hãng xe máy điện do Nguyễn Bá Cảnh Sơn (SN 1990) tạo dựng đã gây ấn tượng với nhiều người. Chàng trai quê Đà Nẵng từng từ bỏ vị trí kỹ sư phần mềm ở Mỹ nhiều năm để trở về Việt Nam với khát vọng cống hiến. 
Nguyễn Bá Cảnh Sơn và mẫu xe vừa ra mắt
Nguyễn Bá Cảnh Sơn và mẫu xe vừa ra mắt

Mẫu xe nghiên cứu hình thành trên đất Mỹ

Nói về Sơn, ở Đà Nẵng vốn không còn xa lạ. Cuối tháng 8/2008, nhiều người dân vui mừng và tự hào khi cậu học trò Nguyễn Bá Cảnh Sơn (khi ấy học lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) xuất sắc giành Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Ai Cập.

Năm đó, Sơn được lãnh đạo UBND Đà Nẵng tuyên dương, khen thưởng, trở thành tấm gương học tập tiêu biểu cho giới trẻ TP. Thành tích này mở đầu cho chuyến du học và làm việc của Sơn ở thung lũng Silicon (Bắc California, Mỹ). 

Cuối năm 2017, Sơn quyết định trở về quê nhà Đà Nẵng. “Tôi rất yêu Đà Nẵng, đi xa là nhớ quay quắt. Hồi còn học sinh, chiều nào tôi cũng cùng bạn bè đạp xe dạo phố, ra bờ sông Hàn hóng gió”, Sơn tâm sự. 

Shark Dzũng thích thú đi thử xe Datbike
Shark Dzũng thích thú đi thử xe Datbike

“Sau này đi học ĐH rồi làm việc, mỗi lần trở về từ Mỹ, nhận thấy những đổi thay của quê hương, tôi rất vui. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu cũng vậy, sự phát triển lúc nào cũng tồn tại hai mặt. Tình trạng người tham gia giao thông bằng xe máy, xe hơi ngày càng nhiều kéo theo khói bụi xả ra môi trường một lượng không nhỏ. Từ đó tôi muốn góp chút công sức mình để làm một điều gì đó giúp quê hương, hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như xây dựng thành phố du lịch xanh - sạch - đẹp”, Sơn bày tỏ. 

Sơn nghiên cứu một thời gian, nhận thấy nhu cầu xe điện trên thế giới rất cao, mỗi năm tăng trưởng 10%. Thị trường xe điện ước tính đang có trị giá 30 tỷ USD, dự báo đến 2025 sẽ thành 60 tỷ USD, trong đó Việt Nam là một thị trường tiềm năng.

Từ tháng 2/2018, tại California, Sơn bắt đầu nghiên cứu chế tạo xe máy điện theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí vận hành và không gây ô nhiễm môi trường. Dưới sự tư vấn, hỗ trợ từ những bạn bè và chuyên gia thân quen tại Mỹ, bản thử nghiệm đầu tiên ra đời. Ý tưởng được hiện thực hóa và tiếp đến khâu kêu gọi vốn.

Suốt một thời gian dài, Sơn tự mình chạy mẫu xe điện đi khắp vùng Bay Area để giới thiệu ý tưởng, “gõ cửa” các nhà đầu tư để tìm kiếm nguồn vốn phát triển sản phẩm. “Có thời điểm, vùng San Francisco rất lạnh, tôi vẫn chạy xe đi giới thiệu. Nguồn điện trên xe cạn kiệt, vừa đi vừa sạc, lại phải tư duy làm sao để xe có thể di chuyển lâu hơn. Cứ đi như thế, có khi tối về đến nhà mới nhớ ra… chưa ăn gì”, Sơn nhớ lại.

Chạy thử xe trên đèo Hải Vân
Chạy thử xe trên đèo Hải Vân

Suốt một năm ròng rã với những thử nghiệm, nỗ lực của Sơn bắt đầu nhận được những kết quả tốt đẹp. Rồi từ California, những bản vẽ theo chân Sơn về lại Đà Nẵng. Khu tầng trệt của chợ Hàn (quận Hải Châu) trở thành xưởng sản xuất, nghiên cứu sản phẩm của Sơn.

Xe điện nhưng “lợi hại” như xe xăng

Đến đầu năm 2019, Sơn rủ một người bạn Mỹ đồng sáng lập Công ty Dat Bike và cho ra đời mẫu xe thương mại đầu tiên với tên gọi Weaver. Đây là chiếc xe máy điện đầu tiên ở Việt Nam được đánh giá đạt khả năng tăng tốc tương đương, thậm chí cao hơn xe máy chạy xăng hiện nay. Bản quyền thương hiệu đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Sơn cho biết, các bộ phận của xe đều do Datbike thiết kế được sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc. Công suất động cơ 4.500 W, sạc đầy pin dưới 3 tiếng và đi được 100 km. Tốc độ tối đa của xe đạt 80 km/h và để tăng tốc từ 0 lên 50km/h chỉ cần dưới 3 giây. 

Hiện tại, vốn điều lệ của Datbike 1 tỷ đồng, vốn thực góp khoảng 5 tỷ đồng. Một chiếc xe máy điện Datbike có giá 59,9 triệu, hiện khuyến mãi còn 39,9 triệu đồng. Datbike đã mở bán xe được hơn 1 tháng và nhiều người đăng ký mua. Với quy mô sản xuất hiện tại, dự án Datbike chưa có lãi. Tuy nhiên, theo Sơn, ước tính khi bán 10 ngàn chiếc, khi đó chi phí sản xuất chỉ còn khoảng 25 triệu đồng, và giá bán sẽ giảm rất nhiều so với hiện nay.

Xe máy điện của Datbike có thiết kế khá đẹp, phong cách, cá tính như các dòng xe classic, máy trần
Xe máy điện của Datbike có thiết kế khá đẹp, phong cách, cá tính như các dòng xe classic, máy trần

Để kiểm chứng chất lượng cho “đứa con tinh thần” của mình, nhiều lần Sơn đã cho chạy thử xe trên cung đường đèo Hải Vân, dừng chân ở Hải Vân quan trước khi đổ dốc về Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sơn mời nhiều người chạy Weaver trên phố Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho biết yêu thích vì chiếc xe khá nhẹ, nhưng tốc độ ngang với tốc độ trung bình của nhiều xe gắn máy chạy xăng hiện nay. 

Sơn hy vọng Weaver có thể khắc phục được những hạn chế của các dòng xe máy điện trên thị trường hiện nay như kiểu dáng chưa đẹp, tuổi thọ pin xe thấp, tốc độ chưa cao so với xe chạy xăng và khó di chuyển trên đường núi, dốc…  

“Mong muốn của tôi là Dat Bike được công chúng biết đến rộng rãi như một sản phẩm do người Đà Nẵng làm ra, 100% thương hiệu Việt Nam. Trong tương lai gần, nếu sản phẩm tạo dựng được sự tín nhiệm từ thị trường và được sử dụng rộng rãi trên đường phố, sẽ tạo nên hình ảnh thân thiện cho môi trường và cảnh quan thành phố. Bản thân tôi cũng sẽ nâng cấp chất lượng xe thường xuyên để đáp ứng thực tế nhu cầu khách hàng”, Sơn chia sẻ. 

Đọc thêm