Kinh Đô bán 80% BKD, thu về gần 8.000 tỷ để làm gì?

(PLO) -  CTCP Kinh Đô vừa thông qua tờ trình đầu tư thêm vào Vocarimex để nâng mức sở hữu của Kinh Đô lên trên 51%, bằng cách mua cổ phần Vocarimex trên thị trường.
Kinh Đô bán 80% BKD, thu về gần 8.000 tỷ để làm gì?
Công ty Cổ phần Kinh Đô vừa thông qua tờ trình đầu tư thêm vào Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) để nâng mức sở hữu của Kinh Đô lên trên 51%, bằng cách mua cổ phần Vocarimex trên thị trường.
Với gần 7.847 tỷ đồng thu về trong đợt chào bán 80% cổ phần BKD lần đầu, và có khả năng thu về hơn 9.800 tỷ nếu chào bán hết cổ phần BKD cho Mondelez, Kinh Đô có nguồn tài chính khổng lồ và công ty này quyết định đầu tư thêm vào Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Theo đó CTCP Kinh Đô (KDC) muốn nâng mức sở hữu tại Vocarimex lên trên 51% thông qua việc thu mua cổ phần của Vocarimex ngoài thị trường. Hiện tại KDC đang nắm giữ 24% vốn điều lệ của Vocarimex.
Doanh thu của công ty mẹ Vocarimex hiện dao động quanh mức 4.000 tỷ đồng/năm, tuy nhiên lợi nhuận khá thấp. Năm 2013, công ty mẹ Vocarimex đạt 4.200 tỷ đồng doanh thu và 48 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
 
Vocarimex là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trên thị trường dầu thực vật, hiện công ty này đang nắm 51% cổ phần của Dầu thực vật Tường An, 24% cổ phần tại Dầu thực vật Cái Lân (nhãn hiệu Neptune, Simply), 49% cổ phần Golden Hope Nhà Bè và 27% cổ phần tại Dầu thực vật Tân Bình.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu sở hữu cổ phần chi phối (51%) tại Vocarimex, Kinh Đô có thể vững chân với thế đứng đầu của ngành hàng dầu ăn ở thị trường trong nước.
Trước đó, như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, Kinh Đô đã chính thức công bố việc bán mảng bánh kẹo vào sáng 11/11/2014. Theo đó, Kinh Đô sẽ chuyển nhượng 80% cổ phần Kinh Đô Bình Dương (đơn vị kinh doanh bánh kẹo của KDC) cho Tập đoàn Mondelez International. Trị giá của thương vụ này là 370 triệu USD, tương đương 7.846 tỷ đồng.
Trước đó, Kinh Đô cũng thông báo với cổ đông sẽ hợp tác với Công ty TNHH Saigon Ve Wong sản xuất mì ăn liền, nước chấm với thương hiệu của KDC.
Là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành bánh kẹo Việt Nam, Kinh Đô hiện đang có những bước ngoặt quan trọng khi quyết định chia tay phần lớn mảng kinh doanh cốt lõi và tính toán tiến sâu hơn vào ngành hàng tiêu dùng nhanh như thực phẩm và đồ uống. 
Có thể kể đến như việc đầu tư vào 3 mặt hàng: mì gói (hợp tác toàn diện với Saigon Vewong), dầu ăn (mua 24% cổ phần Vocarimex, tiến tới nâng mức đầu tư lên 51%) và cà phê (đầu tư vào PhinDeli)./.

Đọc thêm